Vụ ly hôn và món nợ 65 cây vàng

Thứ hai, 12/04/2010 00:00

>>Bỏ qua món nợ chung 65 cây vàng là thiếu công minh

(Cadn.com.vn) - Vụ ly hôn của vợ chồng ông Nguyễn Bảy (1960) và bà Nguyễn Thị Thảo (1961, trú P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã được TAND Q. Liên Chiểu giải quyết tại bản án hôn nhân sơ thẩm số 02/2009/HN&GĐ-ST ngày 16-1-2009, nhưng do có những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng nên ngày 10-3-2009, VKSND TP Đà Nẵng đã có kháng nghị toàn bộ nội dung bản án. Vụ án đã được TAND TP Đà Nẵng thụ lý để giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm, ngày 2-4-2010, phiên tòa do TAND thành phố tổ chức đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.

Đất hóa vàng, tình người bỗng... bạc

Theo trình bày của ông Bảy và bà Thảo, hai người kết hôn năm 1985, đã có với nhau 3 mặt con (2 gái, 1 trai). Ông Bảy làm xưởng cưa, bà Thảo làm cán bộ điện lực nên kinh tế cũng tương đối ổn định. Sau gần 15 năm sống chung với gia đình nhà chồng tại đường Trần Cao Vân, khoảng cuối năm 2000, hai vợ chồng tích góp mua được một lô đất tại P. Hòa Minh, diện tích 115m2 với giá 27 lượng vàng và 17 triệu đồng.

Theo ông Bảy cho biết: giữa năm 2001, bà Phan Thị Sáu (mẹ ông Bảy, nay đã chết) đã bán căn nhà tại kiệt 62/9 - Trần Cao Vân với giá gần 100 triệu đồng (tương đương 25 cây vàng) để cho vợ chồng ông xây nhà trên phần đất mới mua (nay là số 190-Tôn Đức Thắng, P. Hòa Minh). Một thời gian sau, Bến xe TP Đà Nẵng chuyển từ trung tâm TP lên ngay đối diện với căn nhà vợ chồng ông Bảy, từ đó mảnh đất của vợ chồng ông trở nên có giá trị. Do có ưu thế mặt tiền, năm 2007, vợ chồng ông cho một Cty thuê nhà với giá 6 triệu đồng/tháng, thời hạn thuê là 5 năm. Sau đó hai vợ chồng đi thuê một căn nhà khác với giá 700 ngàn đồng/tháng để ở (sau này do vợ chồng ông Bảy lình xình nên Cty này đã thanh lý hợp đồng).

Gần 25 năm chung sống, có nhà cửa ổn định, con cái lớn khôn, ai cũng tưởng như thế là họ đã mãn nguyện, nào ngờ trong gia đình lại thường xuyên lục đục. Theo ông Bảy trình bày thì nguyên nhân mâu thuẫn là do bà Thảo muốn bán nhà nhưng ông không đồng ý nên thường xảy ra cãi cọ, sau đó, bà Thảo đưa đơn đến tòa án xin ly hôn. Không ở được với nhau nữa thì ly hôn cũng là lẽ bình thường, việc con cái, tài sản cứ theo pháp luật mà giải quyết.

Ông Nguyễn Bảy trình bày tại phiên tòa. 

Ông Bảy cũng đinh ninh là thế, nhưng thật bất ngờ, tại phiên tòa của TAND Q. Liên Chiểu giải quyết việc ly hôn giữa hai người, bà Thảo bỗng trưng ra một tờ giấy mượn vàng. Theo nội dung giấy này thì vào tháng 11-2000, bà Thảo có mượn của bà Lê Thị Khuê (mẹ ruột bà Thảo) và ông Nguyễn Thành Tám (em ruột bà Thảo) 65 cây vàng để mua đất xây nhà. Sự việc khiến ông Bảy và những người dự tòa đều sững sờ. Căn cứ trên giấy mượn vàng này, TAND Q. Liên Chiểu đã phân chia tài sản khi ly hôn như sau: Căn nhà số 190 - Tôn Đức Thắng là tài sản chung của vợ chồng ông Bảy và bà Thảo được định giá 1,08 tỷ đồng, sau khi trừ số nợ 65 cây vàng của bà Khuê và ông Tám, ông Bảy và bà Thảo mỗi người còn phải trả cho bà Khuê, ông Tám 23,7 triệu đồng, ngoài ra ông Bảy còn phải chịu 28,1 triệu đồng tiền án phí dân sự (bà Thảo được miễn giảm do đau bệnh).

“Giấy mượn vàng” gây nhiều tranh cãi

Tờ “giấy mượn vàng” với số lượng 65 cây do bà Thảo cung cấp cho tòa án làm chứng cứ để giải quyết khoản nợ chung của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân khi phân chia tài sản ly hôn đã gây nhiều tranh cãi không chỉ trong giới làm luật mà còn cả trong dư luận xã hội. Theo ông Bảy thì ông không hề mượn vàng phía bên vợ, nhưng khổ nỗi trong tờ “giấy mượn vàng” lại có chữ ký của ông rành rành. Điều bất thường là tờ giấy mượn vàng do bà Thảo viết và đứng tên mượn của bà Khuê và ông Tám số lượng 65 cây vàng, nhưng không ghi cụ thể của từng người là bao nhiêu, loại vàng gì và dưới phần chữ ký, ghi họ tên của bà Nguyễn Thị Thảo còn một khoảng giấy trống sau đó mới tới chữ ký và họ tên của ông Nguyễn Bảy và cũng không ghi ngày, tháng.

Căn nhà 190-Tôn Đức Thắng của ông Nguyễn Bảy và bà Nguyễn Thị Thảo. 

Lý giải về việc này, ông Bảy cho rằng: vào khoảng năm 2004, tại xưởng cưa của ông có đến 2 đồng hồ điện (sản xuất và thắp sáng). Thấy thừa một cái nên ông Bảy bàn với vợ sang lại cho anh Đặng Thanh Hoàng (ở phía trước nhà). Vì hợp đồng điện do ông Bảy đứng tên nên bà Thảo bảo ông ký khống vào góc một tờ giấy trắng để bà đi làm thủ tục sang đồng hồ điện cho anh Hoàng. Một thời gian sau,  ông Bảy hỏi thì bà Thảo nói bận chưa làm được. Theo ông Bảy thì lợi dụng chữ ký khống của ông trong tờ giấy trắng, bà Thảo đã viết thêm vào đó nội dung mượn 65 cây vàng của mẹ và em ruột bà nhằm tẩu tán một phần tài sản chung của vợ chồng.

Trong quá trình hòa giải, đối chất cũng như tại phiên tòa, lời khai của bà Thảo, bà Khuê có nhiều mâu thuẫn, bất nhất. Lúc thì bà Khuê khai ông Bảy, bà Thảo trực tiếp đến mượn 65 cây vàng, nhưng trong “giấy mượn vàng” chỉ thể hiện một mình bà Thảo mượn và thực hiện trách nhiệm trả nợ. Mặt khác, trong đơn ly hôn bà Thảo đưa cho ông Bảy ký, có tờ thì bà Thảo xác định nợ chung: “không có”, nhưng tại một đơn ly hôn khác thì lại ghi: “nợ chung” là 65 cây vàng...

Sau khi nghiên cứu những tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cũng như việc trình bày, khai báo của các đương sự, HĐXX TAND TP Đà Nẵng cho rằng: Mặc dù ông Nguyễn Bảy có ký tên trong giấy mượn vàng nhưng ông không thừa nhận việc có mượn 65 cây vàng của các thân nhân bà Thảo, chữ ký trong giấy mượn vàng cũng không thể hiện ý chí của ông Bảy, vì vậy tòa án không chấp nhận nội dung “giấy mượn vàng” này. Ngôi nhà được định giá là 2.250.000.000 đồng, trong đó phần của bà Thảo được chia là 1.450.000.000 đồng, ông Bảy là 800.000.000 đồng. Bà Thảo được sở hữu ngôi nhà và phải thối trả cho ông Bảy phần của ông và thối trả cho bà Sáu (mẹ của ông Bảy) 90 triệu đồng mà trước đây bà Sáu đã bán ngôi nhà ở đường Trần Cao Vân góp với vợ chồng ông Bảy để xây nhà ở và có chỗ thờ ông bà tổ tiên. Ông Bảy cho biết sẽ kháng cáo bản án này.

M.Hằng