Vụ "Xử lý thực bì đốt luôn rừng tự nhiên" ở Phước Sơn (Quảng Nam): Khởi tố 2 giám đốc liên quan
Theo cơ quan CSĐT Công an huyện Phước Sơn, sau thời gian dài tích cực điều tra, củng cố các tài liệu, chứng cứ liên quan, cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can, gồm: ông Nguyễn Quốc Trưởng (1958)- Giám đốc Cty TNHH MTV Tuấn Zin (trụ sở tại P. Hòa Thuận Tây, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), ông Dương Văn Năm (1973, trú xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, Quảng Nam)- nhân viên kỹ thuật của Cty Tuấn Zin cùng về hành vi "Hủy hoại rừng"; khởi tố bà Trần Thị Tích Đức (1958, trú P. Hòa Hương, TP Tam Kỳ, Quảng Nam)- Giám đốc Cty TNHH Thương mại và dịch vụ Đức Chính về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Hiện 3 bị can trên được áp dụng biện pháp cho tại ngoại để phục vụ công tác điều tra.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Cty Tuấn Zin do ông Nguyễn Quốc Trưởng làm giám đốc trúng gói thầu dự án trồng rừng thay thế do Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Phước Sơn làm chủ đầu tư tại khoảnh 3, 4 và 5 của Tiểu khu 689 (địa phận xã Phước Kim). Hợp đồng được ký từ ngày 14-3-2021, đến ngày 18-3-2021 Cty đưa lực lượng vào phát dọn. Trị giá gói thầu này hơn 600 triệu đồng, bao gồm phát dọn, trồng lại rừng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng thuê đơn vị giám sát là Cty TNHH Thương mại và dịch vụ Đức Chính do bà Trần Thị Tích Đức làm giám đốc.
Cơ quan CSĐT xác định, theo hồ sơ được phê duyệt, mặc dù quy định không được đốt thực bì sau khi phát dọn, nhưng ông Trưởng đã chỉ đạo nhân công của mình đốt toàn bộ số thực bì trên; đồng thời phát trắng toàn bộ diện tích cây tái sinh tự nhiên có sẵn trái với quy định. Trong quá trình đốt, dưới sự giám sát của ông Dương Văn Năm nhưng đã để cháy tổng cộng gần 16ha, trong đó cháy lan ra ngoài phạm vi hơn 3ha; số lượng cây rừng bị ảnh hưởng khoảng 1.000 cây lớn nhỏ với tổng khối lượng gỗ thiệt hại hơn 300m3 (trị giá thiệt hại trên 400 triệu đồng).
Trước đó trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Trưởng cho rằng Cty Tuấn Zin đã thi công nhiều gói thầu trồng rừng trên địa bàn H. Phước Sơn và Nam Giang (Quảng Nam), với khoảng 200ha. Tất cả các gói thầu sau khi xử lý thực bì xong thì đốt dọn, sau đó mới trồng cây. "Mặc dù quy định không được đốt thực bì, nhưng gần 10 năm qua tôi làm đều đốt, và các đồng nghiệp làm trước tôi đều xử lý thực bì đốt dọn mới trồng mới được. Vì thực bì dày cả mét như vậy, nếu không đốt thì không thể trồng được", ông Trưởng lý giải.
Sau khi vụ việc xảy ra, xét thấy vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn đã vào cuộc xác minh, điều tra và khởi tố vụ án, sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Phước Sơn để tiếp tục điều tra, làm rõ theo thẩm quyền.
Đối với đơn vị chủ đầu tư là Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Phước Sơn (chủ rừng), hiện Cơ quan CSĐT đang chờ hướng dẫn áp dụng khung giá rừng của UBND tỉnh để tính giá trị thiệt hại lâm sản, qua đó mới xem xét vai trò, trách nhiệm để có hướng xử lý đúng theo quy định pháp luật.
TRẦN TÂN