Xanh lại những vùng rau

Thứ ba, 29/12/2020 19:00

Các đợt lũ lớn, nhỏ liên tiếp xảy ra trong tháng 10, 11 và đầu tháng 12 này đã làm hơn 40ha rau màu ở vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đang trong thời kỳ thu hoạch bị thối rữa, hư hỏng nặng, khiến người trồng rau lâm vào cảnh khó khăn, nhiều hộ gia đình vùng thấp lụt bị mất trắng.

Nông dân HTX Rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang) dồn sức cho vụ sản xuất cuối năm.

Sáng 28-12, chúng tôi trở lại vùng rau Túy Loan (xã Hòa Phong) trong tiết trời nắng ấm. Sau gần 3 tháng chống chọi với 5 đợt lũ, cùng với nỗ lực của người dân, các cánh đồng rau nơi đây đã có màu xanh trở lại, sẵn sàng cung ứng sản phẩm cho thị trường. Trên các vườn rau, từ sáng sớm cho đến chiều tối đều tấp nập bóng người. Rau màu thì trồng quanh năm nhưng gần Tết lại là vụ lớn nhất, do nhu cầu tiêu thụ cao nên lượng rau trồng phải gấp 2-3 lần so với những ngày thường... Bà Đặng Thị Sẻ (thôn Túy Loan Tây) cho biết, lũ đi qua, phù sa phủ đầy ruộng vườn, với phương châm “trời hành thì đất phải trả” nên mấy ngày qua, hơn 40 hộ dân canh tác 6,5ha đất biền tại HTX Rau an toàn Túy Loan phải tranh thủ cày xới, phơi đất, xuống giống; thậm chí, nhiều hộ còn cải tạo thêm đất vườn, tận dụng cả những khoảnh đất trống quanh nhà để gieo trồng các loại rau ngắn ngày, như: tần ô, cải ngọt, húng tàu, xà lách, hành ngò... Bây giờ, bà con chỉ mong thời tiết nắng đẹp để ruộng rau phát triển tốt hơn, có thêm thu nhập mua sắm cho gia đình trong dịp Tết.

Dạo quanh một số địa phương ven sông Yên, Túy Loan, ngoài vùng rau Túy Loan thì các vùng rau ở Cẩm Nê (xã Hòa Tiến), Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương), Bồ Bản (xã Hòa Phong)... cũng bị thiệt hại nặng trong các đợt lũ vừa qua. Đến đâu,  chúng tôi cũng bắt gặp cảnh nông dân tất bật chạy đua với vụ rau Tết. Tranh thủ trời hửng nắng, bà con đổ xô ra đồng dọn cỏ, bón phân chăm sóc rau màu. “Đợt lũ vừa qua, hơn 2 sào rau các loại của gia đình trồng bị hư hỏng hoàn toàn, sau lũ phải nhanh chóng làm đất trồng lại, những loại rau ăn quả như mướp đắng, dưa leo, đậu tây phải mất gần 3 tháng, nên khả năng sau Tết mới có thu hoạch. Trồng rau phải bỏ nhiều công sức nhưng đổi lại vốn đầu tư không lớn nên cũng mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện cuộc sống”, ông Ngô Chuyển (thôn Cẩm Nê) trải lòng.

Có thể thấy, không chỉ chuẩn bị số lượng lớn, người trồng rau Hòa Vang còn quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, ưu tiên sản xuất rau theo mô hình VietGAP, sử dụng chế phẩm sinh học để thu hút người tiêu dùng. Việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ... hầu như đã được hạn chế; thay vào đó, bà con tăng cường các biện pháp diệt trừ sâu bệnh bằng phương pháp thủ công hoặc bón phân sinh học. Điều này lý giải vì sao nhiều hộ canh tác bây giờ đã hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật mà rau, quả vẫn phát triển xanh tốt. Bên cạnh đó, công tác tái sản xuất sau lũ cũng được các cấp chính quyền và người dân hết sức quan tâm, nên những vườn rau đã xanh trở lại.

Quả thật, không khí trồng rau vụ Tết Tân Sửu ở Hòa Vang hiện đang rất khẩn trương. Song, cũng không loại trừ những thay đổi bất thường của thời tiết các tháng còn lại, sâu bệnh cùng với tình hình giá cả khó lường có thể xảy ra. Vì thế, ngoài việc túc trực trên các vườn rau, người nông dân còn luôn dõi theo diễn biến thị trường với một kỳ vọng có được vụ sản xuất trọn vẹn.

VY HẬU