Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em

Thứ bảy, 29/06/2024 06:35

Sáng 28-6, Ban Điều hành Đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035” (gọi tắt là Đề án 1006) tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Đề án. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi khẳng định: “Việc triển khai Đề án 1006 là một trong những “điểm sáng” về nỗ lực xây dựng thành phố “4 an” của Đà Nẵng trong thời gian qua, với sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị thành phố”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi và Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hoàng Thị Thu Hương chủ trì Hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi và Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hoàng Thị Thu Hương chủ trì Hội nghị.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi, Đề án là sự cụ thể hóa từ Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 24/4/2020 của Thành ủy Đà Nẵng về xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em, được UBND thành phố trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo điều hành cùng với nỗ lực của các sở, ban, ngành, địa phương mà Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố với vai trò nòng cốt đã đem lại những kết quả khởi sắc tích cực ban đầu với nhiều điểm mang tính đột phá, tạo biến chuyển mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân đối với công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, góp phần chung tay xây dựng thương hiệu “ thành phố đáng sống ” mà Đà Nẵng đang tiếp tục phấn đấu.

Qua 3 năm thực hiện Đề án, đã có 6/7 nhóm chỉ tiêu đề ra trong Đề án đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu, tiêu biểu, như: 100% các xã, phường trên địa bàn thành phố có các CLB/ đội/ nhóm sinh hoạt phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Nhiều con số ấn tượng thể hiện trong báo cáo đánh giá sơ kết thể hiện tinh thần trách nhiệm vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành (254 Hội nhóm, 134 tổ phản ứng nhanh, 305 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 1.212 tổ hòa giải cơ sở; 4.000 cuộc tuyên truyền với 900.000 lượt tham gia, 100% địa điểm công cộng đảm bảo cơ sở hạ tầng an toàn, thân thiện với trẻ em; 1.300 lớp tập huấn; góp ý, xây dựng hơn 215 văn bản dự thảo chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em). Nhiều mô hình phòng chống bạo lực tiêu biểu hoạt động hiệu quả, như “ Nhà tạm lánh”, “ Sắc cam – hãy lên tiếng khi bạn cần”, “Phụ nữ 3 đẹp – 3 an toàn”, “Nam giới tiên phong trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em…” đã trở thành hình mẫu đang được nhân rộng trong cộng đồng.

Đồng thời, việc thắp sáng “Màu cam” trên cầu Rồng xuyên suốt các tối từ ngày 15-11 đến ngày 15-12 định kỳ hằng năm hòa trong sự kiện “Sắc cam - Thắp sáng và hành động” nhân tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và ra mắt 2 mô hình truyền thông điểm “Trạm dừng chân xe bus an toàn, thân thiện” trên địa bàn quận Hải Châu mà Hội LHPN thành phố với cương vị là cơ quan Thường trực Ban Điều hành Đề án đã nỗ lực duy trì là những hoạt động truyền thông thành công tạo hiệu ứng dư luận tích cực về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Từ đây, “sắc cam” trở thành màu nhận diện đặc trưng truyền đi thông điệp thay đổi nhận thức và thúc đẩy Đà Nẵng cùng cam kết hành động để trở thành 1 trong 2 địa phương của Việt Nam và là thành phố thứ 56 trên thế giới vinh dự được xướng tên trong Tuyên bố Quito - “ Chương trình chủ đạo toàn cầu về Thành phố an toàn và không gian công cộng an toàn” góp phần tích cực trong việc tham gia xây dựng thành phố Đà Nẵng – điểm đến an toàn, thân thiện của Việt Nam và ấn tượng thu hút bạn bè quốc tế.

Từ khi ban hành Đề án đến nay, có 215 vụ bạo lực gia đình (210 phụ nữ, 5 trẻ em), tất cả đều được các cơ quan chức năng xử lý theo quy định, không để trở thành điểm “nóng” trong cộng đồng; qua theo dõi từ khi ban hành Đề án đến nay, số vụ bạo lực gia đình có xu hướng giảm dần qua từng năm (năm 2021: 95 vụ; năm 2022: 76 vụ; năm 2023: 44 vụ).

“Để xây dựng TP Đà Nẵng thực sự là thành phố an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em cần phải có sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò và ý thức trách nhiệm của người đứng đầu là rất quan trọng. Tôi tin tưởng rằng, với kết quả đạt được trong thời gian qua sẽ là nền tảng, là tiền đề thời gian đến chúng ta tiếp tục làm tốt hơn nữa, với mục tiêu chung là cùng chung tay xây dựng Đà Nẵng là thành phố đáng sống của nhân dân địa phương, là điểm đến an toàn, thân thiện của du khách thập phương và bạn bè quốc tế”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Công an TP, UBND quận Liên Chiểu, UBND phường Xuân Hà, Hội LHPN quận Cẩm Lệ phát biểu tham luận và chia sẻ về những kết quả, kinh nghiệm, giải pháp trong việc thực hiện Đề án 1006 tại các địa phương, đơn vị.

THANH HOA