Xe máy hết đường né phạt nguội
Với việc tăng nặng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm, các chuyên gia cho rằng các quy định mới sẽ giúp việc xử phạt nguội với xe máy dễ dàng hơn, đồng thời ngăn triệt để người điều khiển phương tiện trốn tránh việc nộp phạt.
Vừa phạt nguội, vừa phạt nóng
7h30 sáng 13/1, trục giao thông tại khu vực ngã tư Phạm Hùng - Dương Đình Nghệ, quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội), hàng dài phương tiện nối đuôi nhau, ai cũng muốn vượt lên trước để đi nhanh hơn.
Ở ngay góc ngã tư, Tổ công tác của Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an Hà Nội cần mẫn làm nhiệm vụ phân luồng chống ùn tắc, kết hợp việc phát hiện, xử lý vi phạm.
Trung tá Nguyễn Quốc Huy, Phó đội trưởng Đội CSGT số 6 cho biết, khác với trước đây, dịp này lực lượng chức năng áp dụng các quy định mới theo Nghị định số 168, trong đó có hình thức phạt nguội.
CSGT sử dụng máy ghi hình cầm tay để ghi nhận các trường hợp không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu. Sau đó, in hình ảnh để người vi phạm xem lại lỗi của họ.
Đây là hình thức nhằm xử lý triệt để tình trạng người lái xe cố tình vượt đèn đỏ, khiến họ "tâm phục khẩu phục".
Tuy nhiên, quá trình sử dụng thiết bị để ghi nhận hình ảnh, CSGT vẫn triển khai xử phạt nóng ngay tại chốt làm việc. Theo đó, sau khi lực lượng hóa trang ghi hình phát hiện vi phạm, bộ phận công khai sẽ dừng phương tiện đó để lập biên bản.
"Với những phương tiện cố tình vi phạm khác, cơ quan chức năng đang nghiên cứu các phương án để xử phạt, chưa áp dụng phạt nguội như đối với xe ô tô", trung tá Huy nói.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ đầu năm 2025 quy định, xe mô tô, xe gắn máy sẽ thực hiện kiểm định về khí thải. Việc kiểm định khí thải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Về thời gian thực hiện việc kiểm định và áp dụng mức quy chuẩn khí thải xe mô tô, xe gắn máy sẽ thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng tương tự như kiểm soát khí thải xe ô tô trước đây. Các chuyên gia cho rằng, đây chính là một trong những quy định sẽ trở thành mối ràng buộc để các chủ xe máy hết đường né tránh nộp phạt nguội. |
Đặc biệt, theo Nghị định 168, tài xế vi phạm mà không chấp hành nộp phạt sẽ bị xử lý rất nặng. Cụ thể, người điều khiển bị tạm giữ giấy phép lái xe sẽ không được cấp/đổi; trên hệ thống quản lý của CSGT đã xác nhận giấy phép lái xe bị tạm giữ không đến xử lý sẽ không có giấy phép lái xe, không có quyền điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Đáng chú ý là quy định mới về trừ điểm bằng lái xe, người vi phạm dù có tránh nộp phạt nguội cũng không thể né được chế tài này.
Ngoài ra, với việc cơ sở dữ liệu đã liên thông, cơ quan chức năng sẽ nắm được tài xế đó vi phạm ra sao, đã hoàn tất nghĩa vụ nộp phạt vi phạm chưa hay cố tình không tuân thủ. Từ đó, có chế tài áp dụng khi cá nhân đó đăng ký xe mới, mua bán xe cũ hoặc thậm chí truy vết khi họ thực hiện thủ tục hành chính khác sau này.
"Lúc đó, mức phạt kèm lãi có thể ở mức rất cao do tài xế cố tình chậm nộp phạt. Thậm chí, người nào né tránh giải quyết thủ tục phạt nguội còn bị lưu vết trong hồ sơ hành chính", chuyên gia luật nêu quan điểm.
Rà soát định danh làm căn cứ phạt nguội
Một cán bộ CSGT chuyên trách công tác xử lý vi phạm ở Hà Nội nhìn nhận, hiện nay hình thức phạt nguội (gửi thông báo về nơi cư trú cho chủ phương tiện) đã áp dụng rất hiệu quả đối với xe ô tô. Lý do là loại phương tiện này bị ràng buộc ở khâu đăng kiểm.
Tăng nặng mức phạt nhiều lỗi
Theo Nghị định 168, từ 1/1/2025, người điều khiển xe máy vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi lên vỉa hè (trừ trường hợp lên vỉa hè để vào nhà, cơ quan) sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng. Mức phạt này tăng gấp 10 lần so với trước đây, khi các hành vi trên tại Nghị định 100 chỉ bị phạt 400.000-600.000 đồng. Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe.
Khung phạt 4-6 triệu đồng (mức cũ 600.000-1.000.000 đồng) được áp dụng cho người lái xe máy đi vào đường cao tốc (trừ xe phục vụ quản lý, bảo trì đường), không chấp hành hướng dẫn của người kiểm soát giao thông, không nhường đường hoặc gây cản trở xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ.
Người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng cách; chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng cài quai không đúng cách (trừ trường hợp chở người cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải tội phạm) sẽ bị phạt tiền 400.000-600.000 đồng (mức cũ 300.000-400.000 đồng).
Người điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng trên đường bộ; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy sẽ bị phạt 8-10 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10-12 tháng. Mức phạt cũ về hành vi này là 2-3 triệu đồng.
Mức phạt 8-10 triệu đồng cũng áp dụng với tài xế xe máy có hành vi điều khiển xe thành nhóm từ hai xe trở lên chạy quá tốc độ; gây tai nạn không dừng ngay phương tiện, không giữ nguyên hiện trường, không giúp người bị nạn; không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn; sử dụng còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong khu đông dân cư, khu vực khám, chữa bệnh...
Theo Báo Giao thông
Dòng sự kiện:Đảm bảo TTATGT
Kịp thời cứu tài xế gặp nạn, mắc kẹt trong ô-tô
Đường ngàn tỷ cấm xe tải trọng trên 5 tấn, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nói gì?
Thương tâm vụ xe tải lao vào quầy tạp hóa làm 6 người chết
Công an tỉnh Quảng Nam xử lý 2.872 trường hợp vi phạm an toàn giao thông
Chuyển hồ sơ vụ vận chuyển 16 mô-tô và 1 ô-tô không rõ nguồn gốc cho Cơ quan Cảnh sát điều tra