Xử lý vi phạm nồng độ cồn: Làm kiên trì, liên tục, xử nghiêm

Thứ tư, 01/01/2020 14:41

Hôm nay (1-1-2020), Luật Phòng chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực trên toàn quốc. Để thực hiện Luật này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2019 thay thế Nghị định 46/2016, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông. Cùng với các địa phương, lực lượng CSGT CATP Đà Nẵng sẽ ra quân xử lý theo quy định. Xung quanh vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Phan Văn Thương - Phó trưởng phòng CSGT:

Thượng tá Phan Văn Thương 

 

* Tại cuộc họp báo do Bộ CA tổ chức cuối tháng 12-2019 mới đây, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT khẳng định, thời gian qua, hành vi điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia của tài xế diễn ra rất phức tạp, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Riêng năm 2019, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, lập biên bản xử gần 183.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Tại Đà Nẵng, thực hiện Kế hoạch số 139 của Bộ CA về việc tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn, Giám đốc CATP đã xây dựng Kế hoạch số 1431 chỉ đạo lực lượng CA toàn thành phố ra quân triển khai chuyên đề người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. Kết quả, từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 12-2019, đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó riêng Phòng CSGT phát hiện, xử phạt 354 trường hợp.

P.V:  Ngày 30-12, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký ban hành Nghị định (NĐ) số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế NĐ số 46/2016 của Chính phủ, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Xin Thượng tá cho biết, so với NĐ 46, NĐ 100 có điểm gì mới?

Thượng tá Phan Văn Thương: NĐ lần này sửa đổi 21 điều với 39 hành vi, nhóm hành vi được sửa đổi, mô tả lại; 55 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung; 21 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung, mô tả lại theo dự thảo NĐ thay thế NĐ số 46; tăng mức xử phạt đối với 50 hành vi, nhóm hành vi vi phạm. Điều đáng nói là NĐ mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn (mức 3); bổ sung quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn mức 1 đối với mô-tô theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Điển hình như, với người điều khiển ô-tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3) sẽ bị phạt tiền từ 30- 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện nếu nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đây là mức phạt cao hơn NĐ 46 trước đây, quy định chỉ xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước GPLX 4 - 6 tháng.

NĐ mới cũng quy định, người đi mô-tô cũng bị xử phạt nếu sử dụng nồng độ cồn với mức phạt quy định từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Trong khi đó, người điều khiển xe đạp, xe thô sơ vi phạm cũng bị phạt từ 400-600 ngàn đồng. NĐ còn bổ sung quy định về việc sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm (quy định tại khoản 11 Điều 80 NĐ). Theo tôi, với mức phạt cao được áp dụng tại NĐ mới kèm theo sự quyết tâm xử lý nghiêm theo Luật của các lực lượng làm nhiệm vụ, chắc chắn sẽ chế tài hiệu quả các hành vi vi phạm nồng độ cồn của lái xe và có tính răn đe cao. Đây cũng là điều mà đông đảo người dân đang rất đồng tình, bởi việc áp dụng khung xử phạt theo NĐ mới sẽ giảm thiểu những tổn thất do tai nạn giao thông xảy ra.

P.V:  Tại Đà Nẵng, lực lượng CSGT đã có sự chuẩn bị thế nào để thực hiện hiệu quả NĐ mới, thưa Thượng tá?

Thượng tá Phan Văn Thương: Kể từ khi dự thảo luật được Quốc hội thông qua vào tháng 6-2019, bên cạnh phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi phổ biến giáo dục về ATGT, lực lượng CSGT cũng đã có nhiều hình thức tuyên truyền đến người điều khiển phương tiện, nhất là những thời điểm dừng phương tiện kiểm tra, hoặc khi người điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm các lỗi khi tham gia giao thông. Cuối tháng 12-2019, thực hiện chỉ đạo của Cục CSGT, Giám đốc CATP Đà Nẵng, Phòng CSGT cũng đã tổ chức các lớp tập huấn cho các lực lượng làm nhiệm vụ, trong đó chú trọng đến khâu tuyên truyền để người dân hiểu, thực hiện tốt việc lái xe an toàn với khẩu hiệu: “Đã uống rượu bia, không lái xe”, lái xe không sử dụng rượu, bia”. Để chuẩn bị cho công tác xử lý theo NĐ mới của Chính phủ thay thế cho NĐ 46, Giám đốc CATP cũng đã trang bị nhiều thiết bị đo nồng độ cồn, đồng thời chỉ đạo CA các địa phương, trong đó có lực lượng CSGT huy động lực lượng, tăng cường TTKS, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện vi phạm.

 

Lực lượng CSGT CATP Đà Nẵng kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện.

P.V:  Với người điều khiển phương tiện vi phạm, thường hay có những hành vi chống đối, bất hợp tác gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ. Có lẽ lực lượng chủ lực là CSGT khi tiến hành thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, đây sẽ là áp lực lớn?

Thượng tá Phan Văn Thương: Đúng là trong quá trình xử lý các chuyên đề về nồng độ cồn, đã có không ít trường hợp có thái độ chống đối, bất hợp tác với CBCS làm nhiệm vụ như không chấp hành đo nồng độ, không ký biên bản vi phạm. Thậm chí có những trường hợp sau khi vi phạm tìm mọi cách xin bỏ qua lỗi không được đã có lời nói xúc phạm đến lực lượng TTKS, xử lý vi phạm, tuy nhiên tất cả các hành vi vi phạm đều được xử lý nghiêm, trong đó có trường hợp bị xử lý cả lỗi vi phạm nồng độ cồn và chống người thi hành công vụ. Quan điểm chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP là trong công tác xử lý người vi phạm nồng độ cồn sẽ làm kiên trì, liên tục, xử lý nghiêm khắc, không có “vùng cấm”. Chỉ có làm nghiêm túc theo đúng quy định mà NĐ mới vừa ban hành mới răn đe, ngăn ngừa được hậu quả TNGT có thể xảy ra, góp phần bảo đảm môi trường giao thông an toàn cho người dân và hướng tới mục tiêu kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí trong năm 2019.

P.V:  Xin cảm ơn Thượng tá về cuộc trao đổi này!

Công Hạnh
(thực hiện)