Xử lý vụ doanh nghiệp bạt núi làm nhà trong rừng đặc dụng
* Yêu cầu trong 48 giờ phải hoàn thành tháo dỡ, hoàn thổ
Sáng 10-4, UBND Q. Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) chỉ đạo UBND P. Hòa Hiệp Bắc và cơ quan Kiểm lâm tại địa bàn tiến hành kiểm tra, rà soát và báo cáo phương án xử lý các cá nhân, tập thể liên quan đến việc một doanh nghiệp xây dựng lán trại trong rừng đặc dụng sau khi nhận ủy quyền để trồng rừng từ Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân và Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng.
Nhà làm bằng thép tiền chế do doanh nghiệp dựng lên trên quả đồi được bạt phẳng, trong rừng đặc dụng Nam Hải Vân. |
Trong những ngày qua, người dân tại P. Hòa Hiệp Bắc (Q. Liên Chiểu) bức xúc phản ánh về việc doanh nghiệp đã tranh thủ thời gian chính quyền huy động lực lượng chống dịch bệnh, đã ngang nhiên san ủi đất rừng, dựng lán trong khu vực mà họ được ủy quyền giao khoán 54ha. Từ khu vực Suối Lương ngược lên khoảng hơn 2km theo một con đường mòn vào vùng lõi của rừng đặc dụng Nam Hải Vân, dễ dàng nhận thấy một lán được dựng bằng gỗ, lợp ngói xi-măng. Đây là vị trí tập kết, trung chuyển vật liệu, máy móc và có công nhân của doanh nghiệp trồng rừng ở hàng ngày. Cách đó không xa là căn nhà tiền chế xây dựng trên mảnh đất đã được bạt phẳng. Vị trí này trước đó là một quả đồi, có hướng nhìn ra biển, hiện đã được dựng 2 khu nhà sàn bao quanh bằng thép tiền chế có tổng diện tích khoảng hơn 50m2. Ngôi nhà trái phép này là của Cty Định Tài Trí, đơn vị đã được Công đoàn của 2 đơn vị là Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân và Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng ủy quyền sử dụng 54ha đất tại tiểu khu 10 và 11 để cải tạo trồng rừng, gồm các loại cây như lát hoa, dừa, cây ăn quả lâu năm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 24-3 vừa qua, ông Nguyễn Văn Truyền - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Q. Liên Chiểu đã có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu về vụ việc. Theo văn bản này, tổ công tác Hạt Kiểm lâm Q. Liên Chiểu phát hiện tại khu vực Bằng Cát (tiểu khu 11 rừng đặc dụng Nam Hải Vân) có 2 lán trại kích thước 3,8x4,6m, nền tráng xi-măng, khung sắt lắp ghép, phên lợp ván, mái tôn. Đây là 2 lán trại của Cty TNHH Định Tài Trí làm với mục đích bảo quản trang thiết bị, phân bón, cây trồng phục vụ cho việc trồng rừng. Tại thời điểm kiểm tra, Cty công nhận việc làm lán trại không xin phép cơ quan có thẩm quyền. Tổ công tác lập biên bản, đình chỉ, yêu cầu giữ nguyên hiện trường, mời đại diện Cty về làm việc. Tiếp đó, ngày 26-3, Tổ kiểm tra quy tắc đô thị P. Hòa Hiệp Bắc tiến hành kiểm tra hiện trường và lập biên bản vụ việc. Tại thời điểm này, đại diện chủ rừng chưa cung cấp được hồ sơ liên quan đến việc giao khoán sử dụng đất rừng. UBND P. Hòa Hiệp Bắc làm văn bản báo cáo UBND Q. Liên Chiểu và các cơ quan chức năng. Theo ông Nguyễn Văn Truyền: "Việc Cty TNHH Định Tài Trí tự ý làm lán trại như vậy mà không xin phép cơ quan có thẩm quyền là sai. Hạt Kiểm lâm đã lập biên bản đình chỉ, yêu cầu tháo dỡ. Tuy nhiên do thời gian nghỉ Tết và dịch Covid-19 nên việc tháo dỡ của Cty còn chậm trễ. Hạt đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nay đã tháo dỡ xong một lán trái. Phần còn lại Cty đề nghị xin được giữ lại cho công nhân trồng rừng sử dụng, đảm bảo vệ sinh môi trường". Trái với thông tin này, cho đến ngày 9-4 vẫn chưa có lán trại nào được tháo dỡ!
Sau cuộc họp với UBND P. Hòa Hiệp Bắc và cơ quan Kiểm lâm, ông Nguyễn Nhường- Phó Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu cho biết, trong vòng 48 giờ, Hạt Kiểm lâm quận phải hoàn thành việc tháo dỡ, trả nguyên hiện trạng cho đất rừng tại vị trí công trình. "Nếu phía doanh nghiệp không thực hiện, cơ quan chức năng quận sẽ báo cáo thành phố tiến hành cưỡng chế. Mọi chi phí doanh nghiệp phải chịu", ông Nhường khẳng định.
Sáng 10-4, ông Trần Viết Phương- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cho biết đã yêu cầu báo cáo giải trình và đề xuất phương án xử lý vụ việc. Trước mắt, đơn vị phải phối hợp với chính quyền và ngành chức năng thực hiện tháo dỡ dứt điểm công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. Tiếp đó làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị để xảy ra sai phạm ngay trên đất lâm nghiệp do mình quản lý. "Để xảy ra xây dựng trái phép trên đất rừng đặc dụng do mình quản lý thì trách nhiệm đầu tiên phải là của Hạt Kiểm lâm Q. Liên Chiểu. Chúng tôi yêu cầu xử lý nghiêm và báo cáo kết quả trước ngày 20-4", ông Phương cho hay.
CÔNG KHANH