Xuất hiện hình thức lừa đảo, lợi dụng bão số 3 để kêu gọi từ thiện nhằm trục lợi
Những ngày qua, bão số 3 (bão Yagi) đã và đang gây mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trên diện rộng tại các tỉnh miền Bắc nước ta, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, nhiều tổ chức, cá nhân đã kêu gọi quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ người dân vùng lũ lụt.
Bên cạnh những tình cảm, tấm lòng hướng về miền Bắc, trong khoảng thời gian này, không ít đối tượng lợi dụng từ thiện thành cơ hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, nhiều đối tượng xấu đã mạo danh Hội chữ thập đỏ, các tổ chức từ thiện uy tín, gọi điện thoại đến nhiều người kêu gọi quyên góp nhằm chiếm đoạt số tiền của người dân ủng hộ đồng bào gặp thiên tai.
Mới đây nhất, ngày 7-9, trang Facebook của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh đăng cảnh báo về tình trạng fanpage lừa đảo, mạo danh để kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Đến ngày 9-9, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thông tin rộng rãi đến người dân về tình trạng lừa đảo trên. Theo đó, các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt. Đến nay, dù đã bị nhiều người report (báo cáo) và báo chí đưa tin, fanpage giả mạo trên vẫn tồn tại trên Facebook, tiếp tục kêu gọi mọi người chuyển tiền từ thiện.
Theo một chuyên gia về dịch vụ trên các nền tảng mạng xã hội, tình trạng các fanpage giả mạo mọc lên, ăn theo các sự kiện để lừa đảo, trục lợi là không hiếm. Mặc dù bị nhiều người báo cáo nhưng các fanpage giả mạo vẫn chưa bị gỡ, bởi quy trình tiếp nhận và xử lý của Facebook thường mất nhiều thời gian. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt, còn lại có nhiều báo cáo mất cả tháng mới được xử lý.
Cũng theo chuyên gia này, ngoài việc báo cáo, người dùng cũng nên tỉnh táo, xem xét độ uy tín của trang trước khi chuyển tiền. Đầu tiên, là xem tính chính danh (thông qua tài khoản ngân hàng) của đơn vị, tổ chức tiếp nhận ủng hộ quyên góp. Hầu hết, tài khoản ngân hàng của các cơ quan chức năng sẽ là tên của tổ chức, thay vì tên cá nhân.
Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể tự kiểm tra tính uy tín của fanpage bằng cách vào phần giới thiệu tính minh bạch của trang, kiểm tra ngày tạo, có bị đổi tên không. Sau đó kiểm tra số like (lượt thích) của trang và trong các bài viết; nếu trang có số lượt thích thấp nhưng bài viết có lượt thích tăng cao vống, xác suất cao đây là trang giả mạo. Tiếp đến, người dùng cũng có thể tìm những fanpage cùng tên hoặc tương tự, xem có trang nào nhiều like, có bài viết cảnh báo về tình trạng bị giả mạo không. Nếu bị lợi dụng, các trang này sẽ đăng bài, kêu gọi report fanpage giả. Ngoài ra, các fanpage giả thường bị người dùng thả phẫn nộ hoặc bình luận tố cáo trong các bài viết hoặc vào phần bình luận để kiểm tra.
Theo các chuyên gia, đối tượng xấu thường lợi dụng các sự kiện, tình hình hỗn loạn để tung tin giả nhằm trục lợi. Người dùng nên cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, tránh chuyển tiền từ thiện nhầm. Đặc biệt trong tình hình bão lũ phức tạp, người dân cũng không nên làm theo các hướng dẫn chưa được kiểm chứng trên Internet. Chủ động cập nhật tin tức từ các kênh chính thống hoặc tổng đài hỗ trợ khi cần.
Trước tình trạng các đối tượng còn tạo các trang giả mạo trên các nền tảng xã hội để kêu gọi từ thiện, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ vào các tài khoản không rõ nguồn gốc;người dân phải hết sức tỉnh táo, bảo vệ mình trước các hành vi lừa đảo. Trước khi quyên góp, ủng hộ, cần tìm hiểu kỹ về tổ chức kêu gọi, xác minh tính xác thực của thông tin được cung cấp. Trong trường hợp người có tấm lòng hảo tâm, chia sẻ với những khó khăn của đồng bào trong vùng thiên tai thì nên quyên góp, ủng hộ tại các đơn vị có uy tín, minh bạch, đảm bảo sự đóng góp của mình thực sự có ý nghĩa.
NGUYỄN QUANG