Xúc động những bức thư gửi lại khu cách ly

Thứ ba, 14/04/2020 18:32

Những bức thư, dòng cảm tưởng xúc động của những công dân ở các khu cách ly y tế tập trung sau khi trở về từ nước bạn Lào chính là "liều thuốc tinh thần" động viên cho những chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch.

Một phần bức thư chị Linh gửi lại ở khu cách ly.

Thương lắm những chiến sĩ lặng thầm

Gần 6.500 công dân Việt Nam từ nước ngoài đã trở về Huế để "tránh" dịch Covid-19 trong khoảng 1 tháng nay. Theo quy định của Chính phủ, tất cả công dân này đều được cách ly y tế tập trung và được xem như là F1. Các công dân này đã được bố trí tại 7 khu cách ly do Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh TT-Huế quản lý. Trong 14 ngày ở khu cách ly, tất cả mọi chi phí từ nơi ăn chốn ở, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, kiểm tra y tế... đều được miễn phí theo quy định của Nhà nước. Hiện, trong số này có khoảng 2.500 công dân đã hết thời gian cách ly y tế và trở về địa phương. Kết thúc đợt cách ly, nhiều công dân là những người Việt qua Lào mưu sinh đã không khỏi xúc động và đã có rất nhiều thư cảm ơn gửi đến những cán bộ chiến sĩ quân đội, những cán bộ y tế đang lặng thầm ở tuyến đầu chống dịch.

Trong số hàng chục bức thư mà chúng tôi tiếp cận, bức thư của chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (trú Định Quán Đồng Nai, được cách ly tại Khu cách ly Ký túc xá Ngân hàng Công thương ở xã Phú Thượng, H.Phú Vang) đã lay động lòng người. Mở đầu bức thư, chị Linh viết: "Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát qua nhiều quốc gia trên thế giới cướp đi sinh mạng của nhiều người ở các quốc gia khiến cho bà con chúng tôi thực sự lo lắng, tâm trạng của chúng tôi cảm thấy bất an nên chúng tôi quyết định quay trở về Việt Nam. Được sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đón nhận những người con xa xứ trở về quê hương, thực sự chúng tôi vỡ òa trong hạnh phúc. Khi được Bộ Quốc phòng đón nhận chúng tôi từ biên giới đưa bà con về cách ly tập trung., chúng tôi được bố trí chỗ ở phòng ốc sạch sẽ thoáng mát, tiện nghi đầy đủ được trang cấp những vật dụng cá nhân. Khoảng thời gian 14 ngày trôi qua, không ngắn cũng không dài nhưng đủ để chúng tôi cảm nhận được cuộc sống vẫn đầy ắp tình người mặc cho dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp. Các chiến sĩ bộ đội vẫn luôn giữ phong thái tự tin, luôn nhiệt tình tận tâm chăm sóc chu đáo lo cho bà con chúng tôi một ngày 3 bữa ăn đúng giờ quy định; nhân viên y tế ngày đo thân nhiệt 2 lần, thăm hỏi sức khỏe bà con cùng những lời động viên chân tình... Thương lắm những chiến sĩ lặng thầm, ngày đêm canh gác dưới cái lạnh rét buốt cho bà con được ngủ ngon giấc".

Với chị Võ Thị Xuân Diệu (trú H.Phú Lộc, TT-Huế), cảm xúc trong 14 ngày cách ly của chị và gia đình nhỏ là kỷ niệm khó quên. Cũng vì cuộc sống ở quê khó khăn, nhiều năm trước, chị Diệu cũng như hàng ngàn người dân ở quê hương Phú Lộc qua Lào buôn bán mưu sinh. Ở xứ người, chị và nhiều đồng hương của mình cầu mong sao, chỉ làm đủ ăn và cuộc sống gia đình hạnh phúc. Nhưng rồi không ngờ, đại dịch Covid-19 xảy ra, bao nhiêu dự định ở xứ người của chị đành gác lại, cả nhà quyết định dắt nhau về quê hương để "tránh" dịch. "Chúng tôi bước chân vào phòng cách ly và cảm nhận được một căn phòng ấm áp, vượt qua sức tưởng tượng. Từ những chiếc giường đến chăn màn đều tươm tất, sạch sẽ. Do quá hồi hộp, tối đầu tiên chúng tôi không thể ngủ được. Đoạn chứng kiến, mấy chú bộ đội vác từng chiếc giường sắt đi từ cầu thang tầng 1 lên tầng 3 để chuẩn bị đón những công dân tiếp theo mà tôi đã rơi nước mắt. Có mấy chú do làm quá sức, đã nằm lăn ra giữa sàn nhà nghỉ một lát rồi lại tiếp tục công việc...", chị Diệu viết trong thư trước khi hết thời gian cách ly.

Công việc thầm lặng hàng ngày của những người lính trẻ ở khu cách ly.

Gác niềm riêng vì việc chung

Trung tá Nguyễn Quyết Tiến - Khung trưởng Khung cách ly Ký túc xá Ngân hàng Công thương cho biết, thời điểm Khu cách ly đông người nhất là hơn 1.500 công dân. "Không chỉ đáp ứng cơm ăn ngày 3 bữa, tiêu chí của Bộ CHQS đặt ra, là các bữa ăn phải đáp ứng đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bữa nào cũng có ít nhất là 4 món. Ngoài ra, thực đơn liên tục thay đổi để công dân ăn khỏi nhàm chán"- Trung tá Nguyễn Quyết Tiến nói.

Cũng theo Trung tá Tiến, để phục vụ cho hơn 1.500 công dân cách ly tại đây, ngoài sự giúp đỡ của lực lượng tình nguyện viên, hội phụ nữ, cán bộ CA, có hơn 60 CBCS quân đội được điều động từ các Ban CHQS các huyện, thị trên địa bàn TT-Huế, đến đây để mua sắm thực phẩm, lo cơm ăn, nước uống, dọn dẹp vệ sinh môi trường, cơ sở vật chất... Hơn 1 tháng nay, 60 CBCS ở lại khu cách ly này đã không về nhà.

Thiếu tá Lê Văn Trung - công tác tại Ban CHQS H.Phong Điền là một trong những số đó. Được điều động đến khu cách ly từ những ngày đầu, dù có 2 con nhỏ nhưng Thiếu tá Trung vẫn không được về nhà thăm con. "Hết đợt cách ly này, anh em tiếp tục ở lại khu cách ly để tổng dọn dẹp vệ sinh và sắp tới chuẩn bị đón đợt công dân mới. Mình cũng nhớ vợ con lắm nhưng có thời điểm công dân trở về từ Lào quá đông nên có khi 4-5 ngày vẫn chưa rảnh gọi điện được về nhà. Cũng rất vui là vợ con, gia đình đã hiểu được công việc của người lính và thông cảm", Thiếu tá Trung chia sẻ.

Thượng tá Ngô Nam Cường - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh TT-Huế cho hay: Trong số gần 6.500 công dân (chủ yếu là lao động quê TT-Huế từ Lào về) tại 7 khu cách ly y tế tập trung do Bộ CHQS tỉnh TT-Huế quản lý, đến ngày 13-4, đã có hơn 2.500 công dân hoàn thành cách ly 14 ngày và đã được trở về nhà. Tại các Khu cách ly khi có công dân hết thời hạn sẽ được dọn dẹp vệ sinh, tẩy trùng sạch sẽ để chủ động cho cuộc chiến mới trong công tác phòng dịch Covid-19. Theo Thượng tá Ngô Nam Cường, tất cả gần 6.500 công dân từ Lào về trước khi hết thời hạn cách ly đều được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh TT-Huế đã lấy mẫu xét nghiệm 5.242 (3.126 lần 1 và 2.116 mẫu lần 2). Kết quả có 2 trường hợp dương tính (ngày 8-3 và 14-3- hiện cả 2 trường hợp này đã được chữa lành bệnh và xuất viện), 4.629 mẫu âm tính, 611 mẫu đang chờ kết quả.

HẢI LAN