Xung quanh vụ Triều Tiên thử vũ khí mới

Thứ sáu, 19/04/2019 10:05

Các hãng truyền thông dẫn lời các quan chức Mỹ cho rằng, có khả năng đây là vụ thử tầm ngắn, một vũ khí dẫn đường loại nhỏ, chứ không phải là tên lửa đạn đạo.

Triều Tiên ngày 18-4 tuyên bố phóng thử một loại vũ khí dẫn đường chiến thuật mới, trong vụ thử vũ khí công khai đầu tiên kể từ khi hội nghị thượng đỉnh lần 2 với Mỹ bị đổ vỡ.

Nhà Trắng cho biết, họ biết thông tin này và không có bình luận nào. Lầu Năm Góc cũng nói biết về vụ việc nhưng không có bình luận gì vào thời điểm này. Trong khi đó, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết họ không có bình luận ngay lập tức. Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc tuyên bố đang phân tích vụ thử nghiệm, nhưng không cho biết cụ thể vũ khí này là gì.

Hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng các quan chức cấp cao trong lần giám sát vụ thử mới nhất này. Ảnh: Reuters

Triều Tiên nói gì?

Truyền thông nhà nước Triều Tiên chỉ công bố một vài chi tiết xung quanh vụ thử này. Theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un giám sát vụ thử mới này từ một trạm quan sát.

KCNA báo cáo, vụ thử “diễn ra ở nhiều chế độ, nhắm vào các mục tiêu khác nhau” trong khi các nhà phân tích nói rằng, loại vũ khí này có thể được phóng từ trên bộ, trên biển hoặc trên không. Theo KCNA, vũ khí này có “đầu đạn có sức công phá lớn”, là sự phát triển vượt bậc đối với kho vũ khí quân sự của Triều Tiên. Phát biểu sau vụ thử, ông Kim Jong-un nói: “Hoàn tất việc phát triển hệ thống vũ khí này được xem là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong công cuộc tăng cường sức mạnh tác chiến của quân đội Triều Tiên”. Ông Kim Jong-un hồi tháng 11-2018 cũng giám sát vụ thử một vũ khí chiến thuật không xác định khác, có thể bảo vệ Triều Tiên giống như “một bức tường thép”, mà các chuyên gia vũ khí cho rằng đó là một phần trong sáng kiến của nhà lãnh đạo Triều Tiên nhằm chuyển sang sử dụng vũ khí công nghệ cao.

Nhưng các nhà phân tích nói rằng, vụ thử mới nhất này khó có thể đưa Bình Nhưỡng trở lại với các vụ thử tên lửa tầm xa được coi là mối đe dọa đối với Mỹ.

Gia tăng áp lực lên Mỹ?

Năm 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết sẽ ngừng thử hạt nhân và sẽ không phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nữa, vì khả năng hạt nhân của Bình Nhưỡng đã được “xác minh”.

Vì vậy, có thể xem vụ thử loại vũ khí chưa được xác định này là nỗ lực có thể nhằm bày tỏ sự không hài lòng về việc Washington từ chối nới lỏng các lệnh trừng phạt. Bình Nhưỡng có thể muốn gửi một thông điệp đến Washington rằng, sự kiên nhẫn của họ có giới hạn và nhắc nhở Triều Tiên đang tiếp tục duy trì và phát triển các vũ khí bị cấm. Triều Tiên rõ ràng muốn đưa cuộc đàm phán hạt nhân bị bế tắc với Mỹ trở lại chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump. Ngoài ra, vụ thử vũ khí nêu trên có khả năng cũng nhằm gửi một thông điệp tới những người theo đường lối cứng rắn trong nội bộ chính quyền Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn cho những người theo đường lối cứng rắn thấy rằng, quốc phòng vẫn là ưu tiên ngay cả khi tiếp tục đàm phán với Washington về vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, vụ thử lần này không gây nguy hiểm cho tương lai của các cuộc đàm phán ngoại giao hiện đang bế tắc giữa hai bên, dù nó diễn ra trùng thời điểm Triều Tiên tuyên bố không còn muốn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tham gia cuộc đàm phán hạt nhân, đồng thời đề nghị Washington thay một ai đó “cẩn thận và chín chắn hơn trong giao tiếp”.

KHẢ ANH

Điện Kremlin xác nhận nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ gặp Tổng thống Nga vào cuối tháng 4

Điện Kremlin ngày 18-4 thông báo, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thăm Nga vào cuối tháng 4 và có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong thông báo đăng tải trên trang web của mình, Điện Kremlin cho biết: “Theo lời mời của Tổng thống Putin... ông Kim Jong-un sẽ thăm Nga vào nửa cuối tháng 4”. Yonhap dẫn các nguồn tin thân cận tiết lộ, ông Kim Jong-un có thể sẽ di chuyển bằng tàu hỏa tới thành phố Viễn Đông Vladivostok của Nga để tham gia hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Putin. Nếu ông Kim chọn đi tàu hỏa, ông ấy có cân nhắc giữa 2 lựa chọn. Thứ nhất là tuyến đường trực tiếp đi qua một cây cầu đường sắt nối giữa thành phố Rason, bông bắc Triều Tiên với thành phố biên giới Khasan của Nga (đường này sẽ tiết kiệm thời gian, chỉ mất khoảng 10 giờ đồng hồ). Lựa chọn khác là đi qua các thành phố biên giới Đồ Môn Tumen và Hồn Xuân miền bắc Trung Quốc trước khi tới Vladivostok.

T.L