Giải mã vấn nạn tự tử ở Nhật Bản

Thứ tư, 23/01/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Trong 14 năm qua, cứ mỗi năm, trung bình có 30.000 người Nhật tự tử. Tại sao nạn tự tử ở đất nước mặt trời mọc lại cao như vậy?

30.000 người tự tử mỗi năm

Tháng trước, tại Osaka, một học sinh trung học, và là đội trưởng đội bóng rổ của trường, treo cổ tự tử, một ngày sau khi cậu nói với mẹ bị huấn luyện viên đánh 30 hoặc 40 lần.

Đây là một trong nhiều vụ việc tương tự xảy ra tại Nhật Bản trong vài thập kỷ qua. Đối mặt với những khó khăn, bị bắt nạt, hoặc căng thẳng trong cuộc sống, một số lượng đáng kể người Nhật chọn cách kết thúc cuộc sống của mình. Thật vậy, ở Nhật Bản, tự tử được xem như là một trong những vấn đề xã hội lớn đang phải đối mặt. Tỷ lệ tự tử hằng năm ở Nhật Bản cao hơn so với hầu hết các nước công nghiệp khác, thường dao động ở mức 24 vụ tự sát trên 100.000 người, gần gấp đôi tỷ lệ ở Mỹ và gấp 3 lần ở Anh. Nói cách khác, trong 14 năm qua, mỗi năm có ít nhất 30.000 người Nhật tự tử.     

Chính phủ Nhật Bản rất lưu tâm đến vấn đề này và từng xuất bản Sách trắng đưa ra một số bước và chính sách ngăn chặn vấn nạn này. Tuy nhiên, những biện pháp này không có hiệu quả.

 Nhật Bản là một trong những nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới. Ảnh: The Diplomat

Đi tìm câu trả lời

Câu hỏi đặt ra là tại sao tỷ lệ tự sát ở Nhật Bản rất cao. Tất nhiên, rất khó để có câu trả lời chính xác cho vấn đề này.

Trong cuốn sách “Hoa cúc và thanh kiếm” của Ruth Benedict, các học giả Nhật Bản và phương Tây cho rằng, văn hóa ở quốc gia Đông Á này cho rằng, tự tử không phải là xấu. Thậm chí, các binh sĩ quân đội Nhật Bản trong Thế chiến II còn được khuyến khích và tôn vinh khi hành động như vậy. Tuy nhiên, điều này không thuyết phục. Nhiều nghiên cứu cho thấy, người Nhật thường rất lo lắng về vấn đề này và cho rằng, hành động tự tử của một người nào đó là một hành động đau khổ. Không giống như ở các quốc gia phương Tây, Nhật Bản không có những bài học tôn giáo cấm tự tử, vốn cho rằng cuộc sống là một món quà từ thần thánh và do đó phải được bảo vệ, ngay cả khi không thể chịu đựng nổi.

Một số học giả nghiên cứu nguyên nhân về cấu trúc và xã hội sau vấn nạn tự tử của Nhật Bản lập luận rằng, có mối tương quan chặt chẽ giữa nạn thất nghiệp và tỷ lệ tự tử. Trong thực tế, cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 và 1998, số người tự tử tăng 35%. Điều này chứng tỏ có mối tương quan mạnh mẽ giữa điều kiện kinh tế và tỷ lệ tự tử ở Nhật Bản. Vấn đề việc làm và các vấn đề kinh tế chung rõ ràng là nguyên nhân chính cho tỷ lệ tự tử cao của Nhật Bản. Tuy nhiên, điều này không thể giải thích tại sao tỷ lệ này trong độ tuổi thanh thiếu niên và người già rất cao, cũng không giải thích các khía cạnh khác của xã hội Nhật Bản có thể ảnh hưởng đến hành vi tự tử. Rõ ràng, không thể đổ hết lỗi cho tình hình kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản năm ngoái ở mức khoảng 4,4% trong khi tại Mỹ, tỷ lệ này ở mức hơn 8% trong năm 2012.

Nhà nhân chủng học Chikako Ozawa-de Silva, người đang nghiên cứu về vấn nạn tự tử tại Nhật Bản cho rằng, việc tự sát, có thể liên quan đến một khái niệm văn hóa trong xã hội Nhật Bản, được biết đến với cái tên ikigai, có thể được hiểu là mục đích trong cuộc sống của một người. Người Nhật thường đặt rất nhiều giá trị đối với một ikigai như sự nghiệp, sở thích, hoặc gia đình. Và khi không đạt được mục đích trong cuộc sống, họ sẽ suy sụp. Theo Tiến sĩ Ozawa de-Silva, nhóm tự tử là một cách giảm nhẹ sự thất vọng bằng cách tự giết mình với những người khác. Khi nhìn nhận vấn đề theo cách này, tự tử được hiểu không phải là một cấu trúc cá nhân mà là một khái niệm được xã hội hóa.

An Bình

(Theo The Diplomat)