100 năm chữ Quốc Ngữ ở Việt Nam

Thứ hai, 30/12/2019 20:00

Là chủ đề hội thảo khoa học Quốc tế do Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng phối hợp Cty Cổ phần kinh doanh ấn phẩm văn hóa Tao Đàn Thư Quán tổ chức ngày 28 và 29-12, thu hút sự quan tâm của gần 40 học giả, nhà nghiên cứu, các giảng viên đại học trong và ngoài nước với 33 tham luận, cùng 120 đại biểu tham dự.

BTC chụp ảnh lưu niệm với nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng và nghệ nhân ưu tú Trần Văn Anh. Ảnh: P.T

Chia làm 3 Tiểu ban, hội thảo  tập trung bàn luận xung quanh 3 nội dung lớn: Chữ Quốc ngữ: Khai sinh và phát triển; Người Việt với quá trình hoàn thiện và sử dụng chữ Quốc ngữ; Chữ Quốc ngữ: những vấn đề học thuật, thành tựu và sự tôn vinh. Đặc biệt, trong phần bàn luận các vấn đề học thuật, các nhà nghiên cứu đã xoáy sâu vào việc phân tích nguyên nhân thất bại của các đề xuất cải cách chữ Quốc ngữ từ giữa thế kỷ XX đến nay; làm sáng tỏ những ngộ nhận và bác bỏ những thành kiến về chữ Quốc ngữ; vấn đề giảng dạy chữ Quốc ngữ và bảo tồn tiếng Việt cho các cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng như việc bảo tồn, tôn vinh chữ Quốc ngữ và Tiếng Việt hiện nay v.v.

Theo các nhà nghiên cứu, sau khi Vua Khải Định ban Dụ số 123 bãi bỏ chế độ khoa cử Hán học (28-12-1918), từ năm 1919 chữ Hán không còn giữ vị trí độc tôn ở nước ta. Chữ Quốc ngữ và chữ Pháp đã được công nhận và được sử dụng thay thế trong chế độ khoa cử, thể chế hành chính. Dụ số 123 của Vua Khải Định được xem là dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề cho chữ Quốc Ngữ được thừa nhận ở nước ta, dẫn đến việc vua Bảo Đại ban Dụ số 67 ngày 30-7-1945 quy định việc dạy chữ Quốc ngữ trong hệ thống giáo dục Việt Nam kể từ bấy giờ. Sau cùng, với sắc lệnh số 20 do Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký ngày 8-9-1945, quy định toàn dân phải học chữ Quốc ngữ, thì chữ Quốc ngữ hoàn toàn thay thế chữ Hán để trở thành văn tự chính thức của Việt Nam.

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP, Thạc sĩ Bùi Văn Tiếng cho biết, ý tưởng tổ chức sinh hoạt học thuật này xuất phát từ truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam. Bởi theo ông, trong suốt quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ, nhất là trong suốt một thế kỷ qua, người Việt Nam luôn tri ân các bậc tiền nhân đã tiếp biến chữ Hán của Trung Hoa nhằm tạo nên một vốn từ Hán - Việt vẫn đang phát huy tác dụng đến ngày hôm nay...Người Việt Nam cũng luôn tri ân những bậc tiền nhân đã ghi âm tiếng Việt bằng chính ký hiệu của Hán tự, tạo nên chữ Nôm; tri ân các bậc tiền nhân đã góp phần hình thành hoàn thiện và truyền bá chữ Quốc ngữ.

Theo TS.Trần Đức Anh Sơn, đây là cuộc hội thảo thứ 6 về chữ Quốc ngữ diễn ra trong năm 2019. Tuy là hội thảo diễn ra sau cùng (sau các hội thảo được được tổ chức tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lisbon- Bồ Đào Nha), nhưng số lượng tham luận khoa học gửi đến hội thảo vượt trội, có giá trị học thuật và tính thực tiễn cao. Đặc biệt, cũng theo TS Trần Đức Anh Sơn, hội thảo "diễn ra trong bối cảnh đang có những tranh cãi liên quan đến việc tôn vinh công lao những vị tiền bối có công sáng tạo và hoàn thiện chữ Quốc ngữ nên đã thu hút sự quan tâm không chỉ trong giới học thuật, của các tầng lớn nhân dân, của truyền thông trong và ngoài nước, mà cả của chính giới ở trung ương và địa phương". 

Tại hội thảo, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng trình làng bức phù điêu chân dung giáo sĩ Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes- hai nhà truyền giáo phương Tây có công với Chữ Quốc ngữ. Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Anh (Quảng Nam) giới thiệu cuốn Kim thư được chế tác bằng đồng mạ vàng tôn vinh chữ Quốc ngữ và tri ân những người khai sinh chữ Quốc ngữ.

P.THỦY