100 năm thương cảng Tourane
(Cadn.com.vn) - Hơn 100 năm trước, người Pháp đã chính thức đặt viên gạch đầu tiên xây dựng cảng Đà Nẵng, từ đó Đà Nẵng nhanh chóng thế chân thương cảng Hội An để trở thành thương cảng sầm uất nhất miền Trung. Một thế kỷ đã trôi qua, sau nhiều biến cố cảng Đà Nẵng hiện nay vẫn không ngừng được đầu tư và phát triển.
Từ thương cảng Tourane...
Tiên đoán của các nhà hàng hải
Ngày trước, nhiều nhà buôn khi đến xứ Đàng Trong đều chỉ xem thành phố Tourane (tên gọi Đà Nẵng xưa) chỉ là "tiền cảng" của một thương cảng Faifoo giàu trầm hương và tơ lụa. Nhưng nhiều nhà hàng hải phương Tây đã sớm nhận ra tiềm năng của Đà Nẵng. Trong bút ký của nhiều nhà lữ hành phương Tây đã thể hiện điều này: "một vịnh biển lớn, vừa rộng vừa sâu có thể chứa hàng ngàn ghe thuyền". Vào năm 1778, một thương gia người Anh của Công ty Đông Ấn là Chapman khi đến xứ Đàng Trong đã nhận xét: "Bờ biển có nhiều cảng tiện lợi, nhất là Đà Nẵng là nơi trú ẩn vững chắc cho các tàu thuyền mọi trọng tải trong mọi thời tiết xấu". Một người Anh khác là Macartney, đến Đà Nẵng năm 1793, ghi lại: "Người ta có thể cho thuyền chạy khắp bờ biển mà không gặp tai nạn. Đáy biển sâu đều đặn từ 17 đến 20 sải. Vịnh Đà Nẵng xứng đáng mang danh là một hải cảng hơn là vịnh, đó là một trong những hải cảng lớn và vững chắc nhất được tìm thấy... Nó rất sâu nên khi cần thiết phải di chuyển các tàu bè vẫn yên ổn dù gió to bão lớn. Đáy biển đầy bùn nên bỏ neo rất bám"... Những bút ký ấy khẳng định nhiều thế kỷ trước, các nhà hàng hải phương Tây đã nhận ra điều kiện thuận lợi và tiên đoán về một hải cảng Đà Nẵng.
Và hiển nhiên người Pháp cũng biết rõ điều này. Năm 1858, quân Pháp tấn công vào Đà Nẵng nhưng dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng cùng với quân triều đình nhà Nguyễn anh dũng đánh trả, buộc quân Pháp phải rút lui. Nhưng người Pháp không từ bỏ, họ tiến hành nhiều cuộc chiến khác để quyết giành lấy Đà Nẵng và cuối cùng vào năm 1888 vua Đồng Khánh ký đạo dụ nhượng vùng đất Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng cho Pháp. Theo phụ đính của đạo dụ này, ở Đà Nẵng, Pháp được quyền đóng ở các xã Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương và Nại Hiên Tây. Đến năm 1901 vua Thành Thái lại ký thêm một đạo dụ mới nới rộng nhượng địa Đà Nẵng cho Pháp.
Ngay sau khi có chỗ đứng ở Đà Nẵng, tháng 9-1901, người Pháp đã bắt đầu tiến hành xây dựng cảng Đà Nẵng. Năm nay đã 90 tuổi, cụ Phạm Thị Đào ở P. Thọ Quang (Sơn Trà-Đà Nẵng) nhớ lại: "Cha tôi kể, xây dựng cảng lúc ấy rất nặng nhọc, mọi việc đều phải dùng sức người, những tảng đá to được vận chuyển đến để lấn biển, để xây cầu tàu, người thợ phải ngâm mình dưới nước biển. Nhiều người đã chết, bị thương khi xây cảng nhưng bù lại được trả lương cao". Phải mất thời gian khá lâu, người Pháp mới xây dựng xong cảng Đà Nẵng, dù còn rất hoang sơ nhưng thời điểm đó đã đánh dấu mốc quan trọng cho sự hình thành cảng biển
... đến hải cảng quốc tế hiện nay.
Từ thương cảng
Sau chiến tranh, nhiều công trình đều bị phá hủy nghiêm trọng, trong đó có cảng Đà Nẵng. Vào thời điểm ấy lượng hàng hóa cập cảng chủ yếu từ Liên Xô và các nước XHCN. Giai đoạn thật sự chật vật của cảng Đà Nẵng bắt đầu từ những năm 1990. Ông Nguyễn Hữu Sia-Phó Giám đốc cảng Đà Nẵng nhớ lại: "Cảng Đà Nẵng thật sự gặp khó khăn khi Liên Xô và các nước XHCH bắt đầu suy thoái. Lúc đó lượng hàng hóa xuất nhập cảng thấp, trong khi công nhân làm việc tại cảng lại đông vì vậy đời sống của anh em rất chật vật, tai nạn lao động xảy ra nhiều". Từ năm 1991, lượng hàng nhập và xuất qua cảng Đà Nẵng suy giảm nghiêm trọng, năm 1992 chỉ còn 313.000 tấn, con số thấp nhất từ sau giải phóng... Khó khăn ấy đã buộc Cảng Đà Nẵng phải tìm hướng đi mới trong việc bảo đảm việc làm, đời sống công nhân và duy trì hoạt động của cảng. Năm 1999, Cảng Đà Nẵng đón tấn hàng thứ một triệu, một cái mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của Cảng Đà Nẵng trong giai đoạn mới. Để sau đó, tốc độ tăng trưởng của cảng liên tục đạt mức cao, tạo động lực cho sự phát triển cảng biển hiện đại.
Hiện nay, cảng Đà Nẵng gồm hai khu cảng chính là Xí nghiệp Cảng Tiên Sa và Xí nghiệp Cảng Sông Hàn với năng lực khai thác có thể đạt 6 triệu tấn hàng hóa/năm. Trong đó cảng Tiên Sa được xem là cảng biển nước sâu tự nhiên hoàn hảo, là một trong số ít các hải cảng tại Việt
Ngoài ra, thương cảng Tourane ngày nào bây giờ sở hữu một ưu thế rất lớn đó là điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, nối liền 4 nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam; là cửa ngõ chính hướng ra biển Đông cho hàng hóa quá cảnh của các nước trên và điểm đầu tiên tiếp nhận hàng hóa tàu thuyền của các nước trên thế giới. Đó là ưu thế thuận lợi để xây dựng cảng biển lớn và phát triển kinh tế biển... Cảng biển Đà Nẵng thực sự trở thành hải cảng mang tầm vóc quốc tế, điều mà có lẽ, 100 năm trước khi đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng cảng biển Tourane, người Pháp đã nghĩ đến.
Lưu Hoàng Anh