100.000 chữ A ủng hộ trẻ tự kỷ trên Facebook có ý nghĩa gì?

Thứ tư, 15/04/2020 07:20

Người dùng mạng xã hội Facebook đang chia sẻ rất nhiều thông tin 100.000 chữ A ủng hộ cho chứng tự kỷ. Thực hư việc này như thế nào?

Trong mấy ngày qua, nhiều người dùng Facebook đã có những status (dòng trạng thái) chia sẻ với 3 hashtag (thẻ dữ liệu) bắt đầu bằng ba chữ A: là #autism, #awareness, #a365.

Ý nghĩa ba chữ A là: Autism (chứng tự kỷ chưa thể chữa khỏi nhưng có thể can thiệp tiến bộ), Awareness (nhận thức là điều quan trọng, phát hiện sớm và can thiệp đúng sẽ làm thay đổi cuộc đời người tự kỷ) và A365 (chương trình hướng dẫn cha mẹ hoàn toàn miễn phí trong việc phát hiện sớm, can thiệp sớm tự kỷ tại nhà và tại cộng đồng tại trang mạng a365.vn).

100.000 chu a ung ho tre tu ky tren facebook co y nghia gi? hinh 1
Thông tin kêu gọi từ Mạng lưới tự kỷ Việt Nam (Ảnh chụp màn hình chiều 14/4)

Cụ thể, thông tin người dùng Facebook chia sẻ là nếu gom đủ 100.000 chữ A, gói tài trợ 200 triệu đồng sẽ được trao để có những lớp học miễn phí cho cha mẹ có con tự kỷ ở các tỉnh thành trên cả nước.

Tuy nhiên, nhiều người tỏ ý hoài nghi độ chính xác của thông tin gom 100.000 chữ A, nhất là khi sự chia sẻ liên quan đến một gói hỗ trợ tài chính.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, bà Trần Thị Hoa Mai, Phó Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN) cho biết, việc thu thập 100.000 chữ A đang chia sẻ trên mạng xã hội do VAN phát động từ ngày 10/3. Nguồn kinh phí tài trợ do Grand Challenges Canada (GCC) thông qua A365 tặng 200 triệu đồng để tổ chức các khóa tập huấn cho phụ huynh có con tự kỷ.

 
Trang web A365 là sản phẩm liên kết giữ VAN và Trung tâm sáng kiến Sức khỏe và Dân số, nhằm cung cấp cho các bố mẹ có con tự kỷ, hoặc bố mẹ có con nhỏ các phương pháp quan sát, phát hiện sớm trẻ bị chứng tự kỷ, cũng như cách chăm sóc trẻ tự kỷ.

“Mục đích chính của việc chia sẻ 100.000 chữ A là truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, do đó chúng tôi không đưa thông tin nhà tài trợ bởi họ cũng không yêu cầu điều đó. Tuy nhiên, sau một thời gian đăng tải, nhiều người lại nghi ngờ tính xác thực của đơn vị tổ chức, nhà tài trợ… nên chúng tôi mới phải ghi rõ”, bà Mai cho biết thêm.

Theo bà Trần Thị Hoa Mai, mạng lưới tự kỷ Việt Nam không nhận trực tiếp số tiền từ nhà tài trợ mà sẽ là nơi thực hiện chương trình để sử dụng số tiền đó. A365 sẽ là đơn vị chi tiền cũng như báo cáo với nhà tài trợ.

“200 triệu đồng được tài trợ lần này dùng để hướng dẫn tập huấn cho phụ huynh ở các tỉnh, thành… thông qua việc thực hiện video, mời chuyên gia tập huấn, thậm chí các chi phí hậu cần tổ chức cho việc tập huấn ở địa phương...”, bà Mai nói.

Việc thông tin, chia sẻ để nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là như đối với trẻ mắc chứng tự kỷ là điều cần thiết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về bảo mật, người dùng không nên sử dụng ảnh của con em mình khi chia sẻ ở chế độ công khai. Điều này cũng nhằm tránh việc thông tin của trẻ bị đối tượng xấu thu thập để sử dụng vào các mục đích khác.

Ông Nguyễn Minh Quang, một chuyên gia bảo mật khuyến nghị: “Người dùng nên tránh đưa hình ảnh cá nhân hoặc hình ảnh của trẻ em trong những dạng trào lưu kiểu này, dù mục đích là tốt đi chăng nữa. Các nền tảng xã hội cũng như các bên thứ ba hoàn toàn có thể thu thập dữ liệu ảnh theo các hastag này, để sử dụng vào những mục đích riêng của họ…”.

Những trào lưu dạng #10yearschallenge hay hiện đang có trong những ngày giãn cách xã hội nhằm phòng chống Covid-19 này #to see how much you’ve changed (yêu cầu người dùng up ảnh mình trong 4 năm gần đây)… hầu hết đều nhằm mục đích thu thập dữ liệu hình ảnh để phân tích gương mặt phục vụ cho công nghệ trí tuệ nhân tạo.

theo VOV