2 hộ dân khiếu kiện kéo dài ở P . Phước Mỹ, Q. Sơn Trà (Đà Nẵng): Khế đổi vàng?
(Cadn.com.vn) - Nhắc đến chuyện khiếu kiện của hai ông Nguyễn Thức (1950) và Nguyễn Văn Cho (1949), cùng trú khu vực Mỹ An, P. Phước Mỹ, Q. Sơn Trà dễ làm người ta liên tưởng đến câu chuyện cổ tích nổi tiếng của người Việt.
Nhìn rộng ra, Q. Sơn Trà có 6 tuyến đường xếp vào hàng đắc địa. Đó là đường Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Phạm Văn Đồng, Hồ Nghinh, Nguyễn Công Trứ và Hoàng Sa. Mỗi con đường là một vệt đô thị mang sắc thái khác nhau nhưng hợp lại thì thành một quần thể sinh động nói lên sự đổi thay của Q. Sơn Trà mấy năm gần đây, mà nhìn xa nữa thì so với Quận 3 thời trước. Để có sự đổi thay đó, khó ai thống kê chính xác, đã bao nhiêu nghìn hộ dân ở Sơn Trà phải di dời nhà cửa, hiến đất mở đường, chung tay góp sức. Nhưng không phải không có những người vì lẽ riêng mà trở nên thái quá, bị bà con phản ứng, như 2 ông Nguyễn Thức và Nguyễn Văn Cho.
Biết mấy cho vừa...
Ngày 2-5-2002, UBND TP Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch chi tiết chia lô khu tái định cư (TĐC) An Cư 2 mở rộng, trong đó có tuyến đường 15m, nay là đường Hồ Nghinh. Để triển khai dự án TĐC An Cư 2 mở rộng, TP Đà Nẵng thu hồi của hộ ông Nguyễn Thức 788,2m2, vốn chủ yếu là đất trồng hoa màu. Bù lại, ngoài các khoản bồi thường về vật kiến trúc, cây cối, hoa màu… TP đã đền bù, hỗ trợ cho ông hơn 256 triệu đồng. Về TĐC, TP bố trí cho ông Thức 2 lô chính ở đường 10,5m và 1 lô chính ở đường 15m (đường Hồ Nghinh).
Cũng trong dự án TĐC An Cư 2, TP thu hồi của hộ ông Nguyễn Văn Cho 693,3m2 đất. TP đã bồi thường, hỗ trợ cho ông tổng cộng hơn 256 triệu đồng, đồng thời bố trí cho ông Cho 1 lô chính trên đường Hồ Nghinh và 1 lô chính đường 7,5m tại khu A4, P. An Hải Bắc.
Nhưng với mức đền bù, hỗ trợ như trên, ông Nguyễn Thức không đồng ý. Ông đòi TP phải bố trí TĐC tại chỗ trên phần diện tích đất còn lại sau khi xây dựng đường sá và các công trình công cộng. Còn ông Nguyễn Văn Cho thì yêu cầu TP bố trí thêm 2 lô TĐC nữa. Sau khi xem xét, các cấp từ địa phương đến T.Ư đã có trả lời dứt khoát với ông Thức và ông Cho, theo đó, các cấp không xem xét giải quyết các yêu cầu của hai ông nữa.
![]() |
Ông Nguyễn Thức (đeo kính đen) và một số người tụ tập trước cổng UBND TPĐN đòi trực tiếp gặp lãnh đạo TP tháng 6-2011. |
Theo ông Đàm Nguyên Khánh, Chủ tịch UBND P. Phước Mỹ, Q. Sơn Trà, tại vị trí đường Hồ Nghinh trước đây, đoạn nằm giữa giao lộ với đường Nguyễn Công Trứ và Phạm Văn Đồng, vốn chủ yếu là đất trồng các loại hoa màu giá trị thấp, như rau lang, rau muống. Xa hơn nữa, đất này thuộc làng Khuê Mỹ, khá thấp trũng, dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn. Từ sau khi có dự án TĐC An Cư 2 mở rộng, vùng này trở nên phồn thịnh, nay là một trong những tuyến phố có giá trị chuyển nhượng bất động sản cao bậc nhất của Q. Sơn Trà.
Nếu tính theo giá thị trường, 3 lô đất mà TP bố trí cho hộ ông Nguyễn Thức hiện nay có giá không dưới 10 tỷ đồng. Riêng lô đất ở trên đường Hồ Nghinh đã có giá trị rất lớn rồi. Nay, sát lô đất đó, người ta đang xây một khách sạn lớn. Nếu đem so với mấy trăm mét vuông đất chủ yếu trồng hoa màu trước đây của hộ ông Thức thì giá trị lên gấp rất nhiều lần, chẳng khác nào "khế đổi vàng" (Trong truyện cổ tích, con chim lớn đến ăn khế, để đền đáp lại người chủ bằng cách chở đến núi vàng, bảo mang túi ba gang đi mà đựng, nhưng vì chủ tham quá, may túi to, hốt quá nhiều vàng, chim chở không nổi, làm chủ cây khế rơi xuống biển).
![]() |
Ông Nguyễn Thức (trong vòng tròn) gây mất ANTT tại Hà Nội, bị CA địa phương lập biên bản xử lý. |
“Các ông không thể đại diện cho Đà Nẵng được đâu”
Không đồng ý với cách giải quyết của TP Đà Nẵng, ông Thức, ông Cho cùng một nhóm người khiếu kiện kéo dài khác kéo ra Hà Nội. Vào đúng những dịp diễn ra các sự kiện quan trọng, như họp Quốc hội, ông Thức mặc áo đỏ sao vàng, mang băng rôn, khẩu hiệu tụ tập tại trụ sở các cơ quan của T.Ư Đảng và Chính phủ để gây mất ANTT dưới danh nghĩa khiếu kiện, tố cáo. Có lần, cả hai ông đã bị cơ quan CA địa phương lập biên bản xử lý. Đến nay, ít nhất ông Thức đã 17 lần ông Cho có 4 lần ra Hà Nội khiếu kiện.
“Cả cộng đồng đang cố gắng giữ gìn ANTT, vậy mà hai ông cứ tụ tập, gây rối hết Hà Nội rồi lại Đà Nẵng, mặc áo đỏ sao vàng, mang băng rôn, khẩu hiệu, tố cáo sai sự thật. Đề nghị hai ông cố gắng nhìn nhận lại sự việc để xây dựng TP này tốt đẹp hơn”. (Ông Trần Minh Tiến, Tổ trưởng dân phố tổ 19, KDC Mỹ An) |
Tối qua (2-8), trong buổi họp của dân cư khu vực Mỹ An, bà Nguyễn Thị Thùy Vân, người dân tổ 19, kể lại: “Hồi trước, lúc tôi làm Bí thư Chi bộ thì anh Thức làm Tổ trưởng dân phố. Anh Thức mua nhà của anh Yên trong hẻm nhỏ. Khi TP giải tỏa, tôi có hỏi, anh ấy lặng thinh. Sau này, nghe nói anh không đồng ý chủ trương di dời, tôi có động viên. Mãi sau này, nghe anh ấy khiếu kiện kéo dài, tôi hỏi: “Làm chi mà đi khiếu kiện ở Hà Nội ghê rứa?”, anh Thức bảo TP làm sai nên kiện. Tôi giải thích, chính sách giải tỏa đền bù của TP đúng hay sai người dân đều biết cả. Bà con ở đây ai không thấy khu dân cư của mình, cuộc sống của mình trước đây ra sao, bây giờ ra sao. TP đã bố trí cho anh 3 lô đất rồi còn chi nữa. Rứa là cao hơn hẳn nhiều người rồi. Đi kiện miết rứa coi chừng trật... Hồi trước, anh Thức mua đất của anh Yên ở trong hẻm nhỏ, nay ra đường lớn rồi, cái lợi ấy sao mà không thấy được. Là bà con chòm xóm, tôi mong sao anh Thức sớm tỉnh ngộ”.
Ông Đào Ngọc Hân, người dân tổ 16, KDC Mỹ An, nói: “Vì động cơ cá nhân mà ông Thức, ông Cho đi khiếu kiện. Nhưng tôi thấy các ông mang khẩu hiệu có chữ Đà Nẵng thì không chấp nhận được. Các ông làm vậy là làm nhục Đà Nẵng. Các ông không thể đại diện cho Đà Nẵng được đâu. Đà Nẵng là một cộng đồng chung tay góp sức xây dựng TP ngày càng phát triển chứ Đà Nẵng không phải là một nhóm người mặc áo đỏ sao vàng, tụ tập, la hét, gây rối ở ngoài Hà Nội”.
![]() |
Người dân KDC Mỹ An phản ứng trước những việc làm của ông Thức và ông Cho. |
Ông Lê Văn Bình, một người dân, nói: “Trước đây, khi TP thực hiện chính sách giải tỏa, đền bù thì KDC Mỹ An là số 1. Lúc đó, chính sách mới triển khai, quy hoạch đường sá chưa rộng lớn như những dự án sau này, nhưng là bước đi tiên phong. Thấy được điều đó, bà con Mỹ An, có người hy sinh ít, có người hy sinh nhiều mới hình thành nên được đường ngang phố dọc như hôm nay, chứ nếu ai cũng đòi hỏi cái lợi riêng thì khó mà có được”.
Từ những bồi thường, hỗ trợ, bố trí TĐC của TP cho các hộ ông Nguyễn Thức và Nguyễn Văn Cho, có thể thấy, các ông đã được ưu đãi hơn rất nhiều người rồi. Mong sao, khế đổi vàng chỉ là truyện cổ tích chứ không phải một câu chuyện trong đời thực.
![]() |
Đường Hồ Nghinh - một trong những tuyến đường có giá trị chuyển nhượng bất động sản cao nhất Q. Sơn Trà nơi ông Thức và ông Cho được bố trí TĐC. |
Nguyễn Lê