25 năm cưu mang một phận người

Thứ ba, 23/02/2016 09:29

(Cadn.com.vn) - Đó là câu chuyện lạ nhưng có thật của người dân xóm Lẫm, thôn Phước Thạnh, xã Tam Thạnh (Núi Thành, Quảng Nam) đã cưu mang bà Phạm Thị Sòng (1952) từ năm 1988 đến nay.

Vượt qua gần 100 cây số đường quanh co, chúng tôi tìm đến nhà của bà Sòng. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh ngôi nhà nhỏ nhưng rất sạch sẽ và gọn gàng. Hỏi ra mới biết, dù bà bị liệt không đi lại được nhưng khi thần kinh ổn định bà lết đi, tự mình quét dọn sạch sẽ. Thấy bà vui vẻ, hiền hậu tiếp chuyện chúng tôi, một người hàng xóm cho biết: "Giờ thần kinh bà ổn định chớ lúc trở trời bà la hét, đập phá đồ đạc trong nhà, bởi vậy trong nhà đâu có cái gì nguyên vẹn đâu". Hôm ấy, câu chuyện về cuộc đời bất hạnh của bà lần lượt được người dân trong xóm kể lại...

Bà Sòng được người dân xóm Lẫm cưu mang hơn 25 năm nay.

25 năm trước, sự ra đi đột ngột của chồng đã tạo ra cú sốc tâm lý quá lớn khiến bà Sòng có biểu hiện về tâm thần, lúc tỉnh lúc mê. Nhiều ngày bà nằm liệt giường, không ăn uống gì. Biết hoàn cảnh của bà không con cái, họ hàng thân thích nào nên mọi người trong xóm họp, bàn nhau lên kế hoạch giúp đỡ. Kể từ đó, hằng ngày nhiều người trong xóm mang cơm, nước đến cho bà. Nhà ai có gì ngon cũng nhớ phần cho bà. Bữa rau, bữa cháo... cứ thế, việc làm đầy tình người đối với bà Sòng của những người dân chân lấm tay bùn nơi đây cứ lặng lẽ trôi qua theo thời gian.

Ông Ngô Quang Vinh (trưởng thôn) cho hay: "25 năm nay việc chăm sóc bà Sòng dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân chính vì thế hầu hết mọi người trong xóm đều tham gia. Việc tình nghĩa này sẽ còn tiếp tục cho đến khi nào bà Sòng không còn nữa". Hiện xóm Lẫm có 23 hộ thay phiên nhau ngày 3 bữa mang thức ăn, nước uống cho bà. "Dù bận việc gì đi nữa thì mọi người trong xóm cũng tranh thủ chạy về lo mang cơm cho bà Sòng. Hoàn cảnh bả tội lắm, không người thân lại mang bệnh tật như thế làm sao bỏ mặc được...", ông Phạm Quang Hòa (hàng xóm bà Sòng) cho hay.

Trong ngôi nhà nhỏ của bà vẫn luôn đầy ắp tiếng cười nói vui vẻ bởi người dân nơi đây đã xem bà là một người thân không thể thiếu trong gia đình. Gần một ngày tiếp xúc, trò chuyện với bà và người dân xóm Lẫm mới hiểu hết được tình cảm họ dành cho nhau. Việc làm của người dân xóm Lẫm rất đúng với tinh thần "lá rách ít đùm lá rách nhiều". Đây là bài học mang  giá trị nhân văn sâu sắc về tình người cần được học tập và phát huy.

Thùy Liên