4 giờ tại Nhà Trắng
(Cadn.com.vn) - Tổng thống Obama sẽ dành 4 giờ thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại một Hội nghị Thượng đỉnh tổ chức tại Nhà Trắng vào hôm nay (2-5), ưu tiên vấn đề khủng hoảng Ukraine.
Hành trang đến Mỹ của “bà đầm thép” trong 2 ngày là cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và cả vấn đề nghe lén.
Cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ bao trùm Hội nghị Thượng đỉnh Obama –Merkel. Ảnh: Reuters |
Ukraine “thống trị” hội nghị Mỹ - Đức
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ thống trị cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Đức, hai ông lớn vốn hợp tác chặt chẽ trong việc giải quyết vấn đề này.
Theo AP, cả hai dự kiến cùng bày tỏ quyết tâm sẽ có hành động cứng rắn với Nga, có thể là trừng phạt kinh tế cấp độ 3, nếu Điện Kremlin không có dấu hiệu làm dịu căng thẳng hiện nay. Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống lại Moscow hôm 28-4, động thái mà Điện Kremlin cáo buộc là chiến thuật “Chiến tranh Lạnh” trong đó chỉ càng đẩy cuộc khủng hoảng Ukraine vào ngõ cụt.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu từ cuối tháng 11-2013, bà Merkel nổi lên là người quyết định hàng đầu về chính sách đối ngoại của Châu Âu. Và khi Thủ tướng Merkel thăm Tổng thống Obama, vai trò và vị thế của nữ chính trị gia đầy quyền lực này vượt ngoài ranh giới của một nhà lãnh đạo của Đức và đầu tàu kinh tế của Châu Âu. Henning Riecke, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Đức, cho biết, bà Merkel sẽ tìm cách trấn an Mỹ khỏi những lo ngại về việc Berlin đang dao động trong cách trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào nền kinh tế Nga.
“Sở thích” kết hợp chính sách ngoại giao cứng rắn và biện pháp trừng phạt mềm đối với Nga sau vụ sáp nhập Crimea hiện đang thống trị cả EU và phần lớn biện pháp trừng phạt của Mỹ. Hôm 30-4, phát biểu trước khoảng 1.200 người tại thủ đô tài chính Frankfurt trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu, Thủ tướng Đức loại trừ khả năng can thiệp quân sự trong cuộc bất đồng với Nga liên quan đến Ukraine, đồng thời hy vọng vào giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất Châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh này.
Vẫn lo ngại nghe lén
Ukraine bắt tùy viên quân sự Nga Ukraine ngày 2-5 tuyên bố bắt giữ tùy viên quân sự của Đại sứ quán Nga tại Kiev tình nghi làm gián điệp và yêu cầu ông này phải rời khỏi lãnh thổ nước này. Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết: “tùy viên quân sự giấu tên bị bắt giữ trong khi đang thực hiện “hoạt động tình báo. Hiện Moscow chưa có tuyên bố gì về vụ việc này, động thái mà các nhà quan sát cho là do đang trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động (1-5). Trước đó, đêm 30-4, tại thủ đô Kiev của Ukraine đã xảy ra các cuộc đụng độ khi hàng chục người mang theo gậy gộc và các thanh kim loại tiến đến trụ sở của các bộ trưởng và tự xưng là lực lượng tự vệ Độc lập. |
Ngoài Ukraine, cả hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các vụ bê bối nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) nhằm vào các giới chức cấp cao Đức, trong đó có cả bà Merkel.
Berlin đã không nhận được sự đảm bảo từ Washington rằng, NSA sẽ không tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp trên lãnh thổ của họ - một vấn đề đang làm lu mờ chuyến đi đầu tiên của bà Merkel đến Mỹ kể từ sau vụ bê bối nghe lén đình đám này được tiết lộ gần 1 năm trước. Bà Merkel, người bị nghe lén cả điện thoại di động, không đặt nhiều kỳ vọng vào việc có thể làm sáng tỏ hành động nghe lén của NSA trong chuyến công du Mỹ khi Nhà Trắng chỉ ra rằng, họ không quan tâm đến việc ký kết một thỏa thuận “không do thám lẫn nhau” với Berlin. Theo đó, chính phủ bà Merkel nhìn nhận đây là một chủ đề phức tạp, cần phải có thêm thời gian. Giới phân tích cũng nhận định, 2 bên khó có thể được tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này nhân chuyến công du Mỹ lần này của bà Merkel.
Trong 4 giờ ngắn ngủi, cả hai nhà lãnh đạo cũng dành thời gian cho các vấn đề khác như: cuộc đàm phán với Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo, tình hình Syria và Trung Đông. “Bà đầm thép” cũng sẽ thảo luận với Chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, chủ yếu liên quan vấn đề kinh tế và khí đốt của Ukraine. Đức cũng chủ trương kết thúc các cuộc đàm phán về thỏa thuận TTIP vào cuối năm 2015, qua đó sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm cho cả 2 bên.
Đức, quốc gia dựa rất nhiều vào nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga, tìm cách xoa dịu căng thẳng Đông-Tây đang diễn biến nghiêm trọng. Vai trò trung gian của Đức trong cuộc khủng hoảng cho thấy, nó không chỉ có khả năng cân bằng quyền lực lớn của Nga và Mỹ mà còn có thể hoạt động như một quốc gia có “quyền lực gia tăng” theo cách riêng, giống như Trung Quốc và Ấn Độ đang cố gắng làm.
Khả Anh