40 năm thắng lợi Kế hoạch phản gián CM12
Bài 1: Dấu ấn lịch sử trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia
Trong tháng 9 này Bộ Công an sẽ tổ chức kỷ niệm 40 năm thắng lợi Kế hoạch phản gián CM12 tại khu di tích lịch sử Hòn Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Đây là dịp để cán bộ chiến sĩ và nhân dân hiểu rõ hơn về hoàn cảnh lịch sử, diễn biến, chiến công, thành tích, những cống hiến to lớn của lực lượng CAND trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kịch bản bất ngờ cho địch
Lợi dụng tình hình đất nước đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách sau giải phóng, các thế lực thù địch hậu thuẫn mạnh mẽ cho các tổ chức phản động trong và ngoài nước ra đời, đẩy mạnh thực hiện âm mưu lật đổ, phá hoại Nhà nước. Trong số đó, tổ chức phản động "Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam" (viết tắt MTTNCLLYNGPVN) do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh (2 sĩ quan không quân ngụy lưu vong tại Pháp) cầm đầu được nhiều cơ quan tình báo nước ngoài chỉ đạo và hỗ trợ vật chất, trang bị vũ khí, xây dựng căn cứ, huấn luyện biệt kích... Mục đích của chúng là tung bọn gián điệp biệt kích cùng phương tiện, vũ khí… xâm nhập về nước hoạt động chống phá, lật đổ chính quyền Việt Nam còn non trẻ.
Trước tình hình đó, từ tháng 9-1981 đến tháng 9-1984, Kế hoạch CM12 được thực hiện với Trung tâm chỉ huy đặt tại Hòn Đá Bạc do đồng chí Phạm Hùng - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) chỉ đạo, đặt tên. Kế hoạch CM12 (CM12) đấu tranh với các đối tượng gián điệp, biệt kích, các tổ chức phản động lưu vong, nhất là tổ chức phản động "MTTNCLLYNGPVN".
Vào tháng 5-1981, Lê Quốc Túy ra lệnh cho tàu B2 mang theo vũ khí và biệt kích từ Thái Lan xâm nhập bằng đường biển vào nước ta. Thời điểm đó, cán bộ kỹ thuật phát hiện làn sóng lạ ngoài khơi vùng biển Cà Mau, nghi là có tàu xâm nhập, đồng thời Phạm Thanh Danh (K64), Trịnh Văn Kiểm (K59) đã ra tự thú là gián điệp biệt kích mới thâm nhập về. Công an huyện Trần Văn Thời đã đưa K64 và K59 đến địa điểm gián điệp biệt kích ẩn náu để kêu gọi toán trưởng và tên điện tín viên ra hàng. Sau 2 ngày, lực lượng Công an, Bộ đội và dân quân du kích đã bắt được các đối tượng và thu toàn bộ phương tiện, vũ khí (bắt sống 8 tên, tiêu diệt 1 tên, thu 3,5 tấn vũ khí, 1 máy truyền tin). Chúng khai nhận, theo sự chỉ đạo của Túy, Hạnh, toán xâm nhập do Nguyễn Văn Thạnh (K44) cầm đầu sẽ ẩn náu tại tỉnh Minh Hải, thành lập "Tổ đặc biệt" ở Cà Mau để làm đầu nối tiếp nhận vũ khí, phương tiện, gián điệp xâm nhập về bằng đường biển. Toán K44 xâm nhập là mở đầu cho một kế hoạch lớn của Túy, Hạnh. Sau toán K44 là các toán xâm nhập khác cùng các loại vũ khí, phương tiện làm bộ khung vũ trang và trang bị cho lực lượng phản động trong nước hình thành đội quân phản cách mạng. Trong số 8 tên bị bắt, 5 tên có thái độ khai báo thành khẩn. Riêng K27 là nhân viên điện đài lúc đầu rất ngoan cố, lực lượng Công an kiên trì giáo dục cuối cùng đã khai rõ quy ước liên lạc và tự nguyện xin lập công chuộc tội.
Phiên liên lạc đầu tiên với trung tâm địch do dịch chỉ định đã được ta chuẩn bị kỹ. Phiên liên lạc diễn ra trong 1 phút, K27 đã chuyển đi nội dung "tàu đã vào tới nơi, anh em an toàn". Phiên liên lạc thành công mở ra hướng đấu tranh mới. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Đăng Chiếm tổ chức ngay cuộc họp, quyết định lập chuyên án đấu tranh với 3 nhiệm vụ chính: tương kế tựu kế, dùng địch đánh địch, giương bẫy bắt gọn các toán gián điệp xâm nhập, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện; thông qua việc địch ở nước ngoài móc nối mạng lưới trong nội địa, ta có kế hoạch điều tra, bóc gỡ toàn bộ mạng lưới của địch; từng bước tìm hiểu âm mưu chiến lược, âm mưu cụ thể và kế hoạch hành động của địch để chủ động đối phó, ngăn chặn, trấn áp trước khi chúng hành động phá hoại. Để thực hiện 3 nhiệm vụ trên, Bộ Nội vụ tiến hành kế hoạch lấy tên là KH CM12, là một đơn vị đặc biệt, hoạt động mang tính độc lập, huy động cán bộ từ nhiều lực lượng, triển khai trên địa bàn rộng lớn nhiều tỉnh, thành và cả nước ngoài.
Bắt gọn các toán biệt kích xâm nhập
Sau chuyến xâm nhập đầu tiên, qua tổ chức liên lạc bằng điện đài với trung tâm địch thành công, nắm được ý đồ xâm nhập của địch, từ đó ta chủ động triển khai kế hoạch, bố trí đón bắt các chuyến xâm nhập tiếp theo. Tổng cộng từ tháng 5-1981 đến tháng 9-1984, lực lượng CAND đã bắt gọn 18 chuyến xâm nhập, 146 tên gián điệp biệt kích, thu giữ hơn 143 tấn vũ khí, 12 bộ điện đài, gần 300 triệu tiền Ngân hàng Việt Nam giả, 9.300 USD.
Thượng tá Nguyễn Trọng Tiến- nguyên trưởng đơn vị A20, trinh sát kỹ thuật trực tiếp tham gia KHCM12 (hiện đang sinh sống tại quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) kể lại, trong chuyến xâm nhập thứ 2 vào tháng 9-1981, địch đưa vào 16 tấn vũ khí, 3.800 USD, 1 bộ mật mã, 6 tên gián điệp biệt kích đã bị ta bắt gọn. Sau 1 tuần cảm hóa, thuyết phục các đối tượng đã khai mục đích xâm nhập về nước là nhằm thành lập liên tỉnh, xứ, hoạt động tại các địa bàn. Chuyến xâm nhập thứ 4 vào tháng 2-1982, địch đưa vào đất liền Đại đội 124. Đại đội 124 là đơn vị vũ trang tập trung, được trang bị vũ khí mạnh, lương thực thực phẩm đầy đủ, có nhiệm vụ thành lập mật cứ, phát triển lực lượng vũ trang để tấn công cướp chính quyền xã, huyện, hướng triển khai là Kiên Giang. Ban chỉ đạo KH CM12 chủ trương không tiếp nhận, nêu nhiều khó khăn, nhưng chúng quyết tâm đưa vào và đặt tình huống "Tổ đặc biệt" chỉ có nhiệm vụ đưa đại đội này lên bờ, sau đó đại đội sẽ tự lập, do đó buộc "Tổ đặc biệt" phải tiếp nhận. Ta tiêu diệt 7 tên, bắt sống 38 tên, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện.
Theo Thượng tá Tiến, có những chuyến thâm nhập mà đích thân Túy, Hạnh cùng trở về để thị sát, ta vẫn bố trí người ra đón, đi ô-tô chở về TPHCM cho đi thực địa. Tất nhiên ta đã lên kịch bản chu toàn. Cụ thể, trong chuyến xâm nhập thứ 8 vào tháng 4-1982, theo kế hoạch Mai Văn Hạnh (C5) sẽ kiểm tra tình hình "quốc nội" và yêu cầu đồng bọn đến gặp. Từ nhận định, chuyến đi lần này của C5 nhằm kiểm tra, đánh giá hoạt động của số đã xâm nhập; gặp gỡ các đầu mối bí mật… từ đó, Ban chỉ đạo KH CM12 đã lên kế hoạch chi tiết, cụ thể để tiếp đón C5 và giải quyết các tình huống xảy ra. Trong lần xâm nhập này, Hạnh còn mang theo gần 6 tấn đạn B40. Tương tự, đến chuyến thứ 10 vào tháng 6-1982, cả Túy, Hạnh cùng 10 tấn tiền giả xâm nhập, ta đã tổ chức "tiếp nhận" mà chúng không hề nghi ngờ.
Điều đáng nói, trong các chuyến xâm nhập của địch, ta tổ chức đón bắt, thu vũ khí, biệt kích đồng thời nắm rõ các kế hoạch của địch. Như chuyến thứ 12 vào tháng 2-1983, ta "tiếp nhận" 14 biệt kích gián điệp, hơn 9 tấn vũ khí, qua đó ta nắm được địch dự kiến đưa căn cứ huấn luyện và mở rộng tầm hoạt động, mua chuộc cán bộ ta, khi có điều kiện tổ chức đánh chiếm, cướp chính quyền ở các tỉnh miền Tây; mở thêm quân khu C gồm các tỉnh Rạch Giá, Hà Tiên, Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc. Từ đó, ta đã có kế hoạch đối phó. Hoặc trong chuyến xâm nhập thứ 14 ta cho tiếp nhận hơn 10 tấn vũ khí, 4 ngàn USD, 3 tên gián điệp trong đó Lê Quốc Túy có gửi cho K64 lệnh tử hình K14 và yêu cầu K64 thủ tiêu bí mật. Khi hỏi cung K14 ta đã đưa lệnh này cho đối tượng xem để thuyết phục, cảm hóa. Trong chuyến xâm nhập thứ 17, bên cạnh việc tiếp nhận vũ khí, ta còn chuyển báo cáo của các "cơ sở" để tác động Túy, Hạnh trở về trong chuyến sau nhằm bắt gọn các đối tượng cầm đầu.
Thượng tá Nguyễn Trọng Tiến kể, quá trình thực hiện KH CM12 ta đưa cả tình báo sang cài cắm vào tổ chức của địch. Ông Tám Thậm lúc đó là Phó giám đốc Công an Minh Hải (sau này được phong AHLLVT) sang tận tổng hành dinh của Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh được chúng "phong" làm Đại tá. Vì vậy từng chuyến tàu về, ngày giờ, số lượng biệt kích, hàng hóa ta nắm rất rõ. Về đối tượng nào là ta bắt hết, không để sót ai.
HẢI QUỲNH
Kỳ tới: Thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và sáng tạo