50 năm YERSIN ở Nha Trang

Thứ ba, 26/03/2024 14:39
Ở Nha Trang, ngay khu vực một ngọn đồi ở Suối Dầu, cách thành phố 16 km về hướng Nam, có một ngôi mộ của một người Pháp mà cả thế giới đều biết tên: A.Yersin. Ngôi mộ hiện đã được trùng tu với đường tam cấp dài kéo lên trên, những chậu cây lưỡi cọp chịu gió sương bao quanh. Đó còn là nơi thăm viếng và chiêm ngưỡng của bất cứ du khách nào khi đến thành phố này. Tại Nha Trang, ông đã ở trọn 50 năm cho đến những ngày cuối đời. 50 năm ấy, Yersin đã làm được biết bao nhiêu công việc mà nhân loại phải tri ân: 50 công trình khoa học.
Đây là một trong những hình ảnh hiếm thấy, được bác sĩ Yersin chụp ở Xóm Cồn.
Tượng bác sĩ Yersin tại Công viên mang tên ông ở Nha Trang.

Sinh năm 1863 ở Morges, người Thụy Sĩ, mẹ gốc Pháp, quốc tịch Pháp. Năm 20 tuổi (1883) ông vào học đại học y khoa ở Lausanne, sau đó ông sang Đức, rồi Pháp. Năm 1888, ở tuổi 25, ông nhận bằng Tiến sĩ Y khoa với luận án Étude sur le Développement du Tubercule Expérimental (Nghiên cứu về sự phát triển của bệnh lao bằng thực nghiệm).

Đối với bác sĩ A. Yersin, việc khám phá vùng đất viễn đông là nỗi đam mê. Chính vì lẽ đó, tháng 9 - 1890, để thực hiện ý định của mình, ông đã nhận hợp đồng làm bác sĩ cho tàu Enidan. Đến năm 1891, với ý định tìm hiểu vùng đất Việt Nam, ông đã xin được đổi qua con tàu chạy tuyến Sài Gòn - Hải Phòng. Vào tháng 7 - 1891, khi tàu ghé Nha Trang, bước chân đầu tiên của ông đã đặt lên miền đất, mà sau đó 3 năm (1894) Nha Trang trở thành quê hương thứ hai của ông cho đến những ngày cuối đời.

Tháng 5 - 1894, bệnh dịch hạch xảy ra ở Hông Kông, một căn bệnhh mà y học thời bấy giờ phải bó tay, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân chỉ có 0.4%. Trong điều kiện nghiên cứu khó khăn, ông đã tìm ra vi trùng gây ra căn bệnh này. Sau đó, với mục đích thành lập một phòng thí nghiệm ở Đông Dương, ông chọn Nha Trang.

Ngày nay, dấu ấn và những câu chuyện về "ông Năm Yersin" đối với người dân Xóm Cồn (cũ) vẫn không phai nhạt. Dẫu rằng ngôi nhà ông ở và thí nghiệm ngay đầu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không còn nữa và Xóm Cồn cũng đã được di dời. Lúc A. Yersin đến Xóm Cồn, khu vực này rất hoang vắng. Xóm Cồn lúc bấy giờ chỉ là một làng chài nhỏ, nghèo nàn, trình độ dân trí thấp. Sau đó, ông lập một trại chăn nuôi ngựa ở thành (Diên Khánh) để lấy huyết thanh thí nghiệm.

Mộ bác sĩ Yersin tại ngọn đồi ở Suối Dầu, Nha Trang.

Ngày 17-7-1899, Yersin được cấp một lô đất rộng 500 ha ở Suối Dầu để chăn nuôi súc vật thí nghiệm. Vào thời điểm đó, tỉnh Khánh Hòa vẫn nổi tiếng là nhiều cọp, đường đất đi rất hoang vu, bao quanh là rừng rậm nên thú rừng vẫn thường vào tấn công trại nuôi súc vật của ông. Chính tại phòng thí nghiệm của mình ở Nha Trang. Yersin đã chọn con đường riêng của minh là chế tạo những loại huyết thanh trị bệnh cho súc vật.

Công việc thí nghiệm của Yersin đang suôn sẻ, thì năm 1902 ông được điều ra Hà Nội nhận trọng trách mở trường Đại học y khoa đầu tiên ở Đông Dương. Nhưng với Yersin, danh vọng không quan trọng bằng việc được trở lại Nha Trang. Do đó, sau khi mở trường Đại học y, năm 1904 ông đã xin về lại Nha Trang.

Những câu chuyện về thời gian Yersin ở Nha Trang dường như không chỉ ghi trong vài trang sách. Những dấu ấn trong thời gian này không thể không kể đến những chuyến đi thám hiểm. Sau đó, tìm ra Đà Lạt. Ông cũng đã có ý định trồng cây quiquina ở Hòn Bà.

Ông đã tổ chức một nhóm người cùng với một người Pháp là Krempf leo lên tận đỉnh núi cao 1.500 mét này (cách suối Dầu 30 cây số ở hướng Tây). Ông đã khai hoang 2 ha để trồng những cây quiquina đầu tiên tại đây. Nhưng cây quiquina tại đây không phát triển tốt do sương mù kéo dài, đất không màu mỡ - cuối cùng ông phải di chuyển số cây còn lại về trồng ở Dran. Sự khởi đầu trong việc trồng cây quiquina, cho đến năm 1938 thì cây này phát triển mạnh tại Đà Lạt, diện tích tăng nhanh - số lượng trong năm này thu được là 21.000 kg vỏ.

Trong thời gian sống và làm việc tại Nha Trang, Yersin thường đạp xe đạp đến viện Pasteur nằm trên đường biển để làm việc. Ngay tại nhà của mình, ông có để một chiếc xích đu cho những đứa trẻ ở Xóm Cồn vào chơi. Thỉnh thoảng ông lại tổ chức chiếu phim. Ông thường xuyên đi bộ vào xóm thăm hỏi từng người dân. Năm 1943, chiếc xe đạp Peugeot của ông đã cũ, phần thì ông không còn khỏe mạnh, bác sĩ Jacotot liền mua tặng ông một chiếc xích lô (chiếc xích lô đầu tiên ở Nha Trang) nhưng ông chỉ đi vài lần.

Những người sống cùng thời với ông ở viện Pasteur thời đó kể lại: "Không bao giờ Yersin tham dự các buổi liên hoan hoặc mời ai dự tiệc. Có lần Vua Bảo Đại đến Nha Trang trao kim khánh cho ông, ông chỉ đến để Bảo Đại đeo kim khánh vào cổ. Vừa xong, ông lấy mũ che kim khánh lại rồi bẽn lẽn ra về".

Tấm hình mà sách báo đăng đi đăng lại của Yersin được chụp tại tiệm ảnh Thế Hưng, nằm trên đường Grafeuille với chiếc áo kaki vàng. Ông cũng rất ít thích chụp ảnh, tấm ảnh chụp khoảng năm 1930 này ông dùng để làm hộ chiếu. Sau đó, có người tô màu chiếc áo kaki của ông (khi ấy chụp trắng đen) thành…. màu xanh nước biển. Một tấm ảnh khác do một ký giả là Thái Văn Nam chụp chung với ông cũng tại tiệm ảnh Thế Hưng. Khi được hỏi tại sao không lấy vợ, Yersin trả lời: "Không có ích…". Đặc biệt, ông nói tiếng Việt khi giao tiếp, nhưng tiếng Việt của ông rất khó nghe. Ông quen dùng hai từ "Người ta" thay cho chữ tôi. Thí dụ, ông nói: "Tránh ra cho người ta đi".

Đây là một trong những hình ảnh hiếm thấy, được bác sĩ Yersin chụp ở Xóm Cồn.

Ngôi nhà ở Xóm Cồn của Yersin thực ra chỉ là một ngôi nhà cũ. Trên cao ông để kính thiên văn cho mọi người xem. Chỗ nào cũng toàn sách vở. Trong việc ăn uống. Yersin rất đơn giản, chỉ có bánh, trứng và sữa. Yersin có một đồng hồ trái quýt mắc tiền, chiếc đồng hồ được ông đeo bởi một sợi dây gai.

Yersin giã từ cõi đời vào ngày 1-3-1943. Đám tang của ông là đám tang đầu tiên của một người nước ngoài ở Nha Trang mà mgười Việt đi dự đông nhất. Theo di chúc, người ta đã chôn ông tại ngọn đồi ở Suối Dầu. Những người ngư dân Xóm Cồn đã quay thuyền về, để tang và dự lễ tang ông, đưa tiễn ông trong ngày 3-3 như một người cha. Dọc theo những con đường, có nhiều bàn hương án tiễn đưa ông.

Buổi sáng Yersin vĩnh biệt mọi người. Chiếc xe tang bị hỏng máy dọc đường, mọi người cho rằng do ông muốn đợi những người con ở Xóm Cồn ở ngoài biển về tiễn đưa ông. Buổi sáng hôm đó trời mưa phùn nhẹ.

50 năm ở Nha Trang, Bác sĩ Yersin đã cống hiến bao nhiêu công việc của mình cho nhân loại. Ông đã để lại dấu ấn về một con người quên mình vì người khác. Hiện nay, con đường xuyên từ biển đến cuối TP Nha Trang được mang tên Yersin. Ở mộ ông, luôn có người đến viếng. Đặc biệt, trong nhiều năm nay cứ vào ngày rằm lại có một người giấu mặt lại đặt trước mộ những thỏi phô mai, thứ mà Yersin thích ăn khi còn sống. Ngay trên đường Trần Phú, công viên cạnh cầu Trần Phú là Xóm Cồn xưa kia, đã được đặt tên thành Công viên Yersin.

Khuê Việt Trường