7 năm thuê xe thồ làm từ thiện

Thứ sáu, 08/12/2017 11:34

Một buổi chiều, trước UBND Q. Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), thấy một người đàn ông đang ngập ngừng như đang tìm kiếm ai, tôi vội đến bắt chuyện xem có cần giúp đỡ gì không thì được  ông cho biết: "Tôi đang tìm bà Hứa để chở bà ấy lên Hòa Hiệp Bắc. Bà ấy điện thuê xe ôm, mà đến đây thì điện thoại hết pin không liên lạc được". Nghe vậy, tôi biết ngay là ông ấy tìm cô Nguyễn Thị Hứa, Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh Q.Liên Chiểu. Tôi vội dẫn người đàn ông đến Văn phòng của Hội. Qua cuộc trò chuyện tôi mới biết, do sức khỏe yếu, nhiều lúc không thể tự mình chạy xe máy đường xa nên cô thường thuê xe ôm để đi lại. 7 năm công tác tại Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh là 7 năm ròng rã cô thuê xe ôm để đi làm từ thiện. Anh Nguyễn Đăng Liễu (1958), trú tổ 73, P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu)-là một trong những người xe ôm thân thiết gắn bó với mọi hoạt động của Hội từ năm 2010 đến nay, cho biết: "Trong một dịp phát quà từ thiện tại khu dân cư, chị Hứa vô tình biết tôi chạy xe ôm nên đã xin số điện thoại và thường xuyên điện thuê tôi chạy xe rất nhiều. Từ chở chị đi xuống khu dân cư, cho đến chở hàng từ thiện đến nhà cho người nghèo trên địa bàn Liên Chiểu, kể cả Hòa Vang, Cẩm Lệ...". Với nguồn kinh phí Hội hạn hẹp, không có khoản chi cho việc đi lại, cô đã tự lấy tiền cá nhân trả tiền công cho các bác tài, nhiều người xe ôm biết chuyện cũng luôn lấy tiền phí với giá ưu đãi. Nhiều lúc hết tiền, cô lại nhờ bạn bè, đồng đội cũ chở giúp. Như ông Lê Văn Chính (trú tổ 23, Quang Thành 4B, P.Hòa Khánh Bắc), là đồng đội cũ của cô thường xuyên chở miễn phí trong mỗi lần cô công tác. Ông Chính cho biết: "Biết Hứa làm từ thiện, tôi cũng hay chở giùm, gọi giờ nào rảnh là tôi sẵn sàng đi; vừa giúp đỡ đồng đội, mà cũng như là góp phần từ thiện giúp người, giúp đời".

Cô Hứa và anh Đặng Văn Liễu trong một đợt đi cơ sở.

Được biết, năm 1971, cô Nguyễn Thị Hứa (sinh năm 1956) xung phong đi bộ đội, tham gia chiến trường tại khu I, Cánh Bắc, Hòa Vang với vai trò nữ y tá. Trải qua cuộc sống gian khó trong chiến tranh, nếm chịu bao đau thương mất mát, hy sinh của đồng đội, cô luôn tâm niệm mình còn sống đến hôm nay đã là một đặc ân quá lớn, phải sống sao cho xứng với đặc ân đó. Năm 2015, sau khi nghỉ hưu, cô có thời gian để thực hiện ước nguyện luôn ấp ủ trong lòng là tìm gặp lại những đồng đội năm xưa. Trong quá trình đó, cô nhận thấy nhiều đồng đội có con bị nhiễm chất độc hóa học, đau ốm, mắc bệnh hiểm nghèo. Cảm thương trước những số phận kém may mắn, cô muốn góp sức mình giúp đỡ họ. Cuối cùng, cô xin vào Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh Q. Liên Chiểu để góp sức mình làm từ thiện. Từ đây, cô không chỉ có tâm niệm giúp đỡ đồng đội mà còn mong muốn được cứu giúp cho tất cả những số phận kém may mắn.

Trong suốt 7 năm làm công tác hội, cô đã đóng vai trò là nhịp cầu nối nhân ái để đem đến trái tim khỏe mạnh cho 78 em mắc bệnh tim bẩm sinh; tạo điều kiện cho 1.300 phụ nữ được tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung; tầm soát tim bẩm sinh cho 69.000 trẻ em; hỗ trợ khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí 6.800 lượt bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ quà tặng, kinh phí cho hơn 1.500 phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh... Những lần thăm khám, cô là người trực tiếp theo dõi, hỗ trợ các đối tượng làm các thủ tục. Với những kiến thức y học có được, cô còn hỗ trợ cán bộ y tế làm những thao tác đơn giản để rút ngắn thời gian thăm khám cho các bệnh nhân. Bất kể nắng hay mưa, xa hay gần, người phụ nữ ấy vẫn miệt mài làm vai trò cầu nối. Và hầu hết, những cuộc gặp gỡ, giúp đỡ ấy cũng đều được thực hiện bằng những chuyến xe ôm, hoặc những chuyến xe "đi nhờ" từ đồng nghiệp, bạn bè.

Cháu Nguyễn Trần Huyền My (2015), con chị Trần Thị Bích Liên, quê Bình Quế, Thăng Bình, Quảng Nam, tạm trú tổ 37 Hòa Khánh Nam mắc bệnh tim bẩm sinh và được hỗ trợ phẫu thuật tim miễn phí với số tiền 60 triệu đồng, nay đã khỏa mạnh. Còn chị Hoàng Thị Hiếu (tổ 55B Hòa Khánh Bắc), mắc bệnh ung thư vú, gia đình nghèo nên không có điều kiện chữa trị. "Lúc nghe tin mắc bệnh, tôi rất suy sụp, chỉ muốn bỏ cuộc để cho chồng con đỡ khổ. Nhưng sau khi được gặp chị Hứa, được chị động viên, tôi dần lấy lại động lực để chiến đấu với bệnh tật. Bên cạnh đó, Hội thường xuyên hỗ trợ như cấp, phát thuốc miễn phí, tặng quà nên cũng vơi đi phần nào khó khăn. Chị Hứa cũng rất hay đến đây thăm tôi, chị cũng thường nói với tôi, thấy trường hợp nào mắc bệnh, khó khăn quá thì đến gặp chị. Như đợt trước, nghe tôi kể một trường hợp, chị còn xin số điện thoại để liên lạc, đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh để xem xét giúp đỡ".

Cô Hứa đến thăm cháu Nguyễn Trần Huyền My. 

Nhiều và còn rất nhiều trường hợp được cô Hứa giúp đỡ với tư cách là một người mẹ, người bạn, người thân. Nhiều người gọi cô là " Người mẹ thứ hai" của con mình, là người đã đem đến niềm tin để họ vững vàng trong cuộc sống, nhưng đối với bản thân cô, thì chính họ, những người kém may mắn, đã giúp cô nhận ra giá trị của cuộc sống, giúp cô có được niềm vui và hạnh phúc chân chính trong cuộc đời.

 Chia tay người phụ nữ đáng mến ấy, tôi vẫn nhớ mãi người phụ nữ nhân hậu với câu nói giản dị nhưng đầy trách nhiệm: "Mình siêng chừng nào thì những số phận kém may mắn sẽ đỡ khổ chừng ấy. Tôi luôn tự nhủ lòng như thế để giữ cho nhịp cầu của mình luôn vững chắc và dài hơn".

Kim Hiếu