Một số giải pháp về thực hiện mục tiêu giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến

Thứ tư, 29/09/2010 00:00

Trước hết, chúng tôi xin được bày tỏ sự nhất trí cao đối với Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XIX, nhiệm kỳ 2005-2010, trình bày trước Đại hội. Để góp phần làm sáng tỏ hơn nội dung của Báo cáo, tôi xin thay mặt Sở LĐ-TB&XH được trình bày Một số giải pháp về thực hiện mục tiêu giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến.

Kính thưa Đại hội

Nghèo và giảm nghèo ở đô thị vẫn luôn là vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc, được ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo điều hành của các cấp lãnh đạo thành phố trong nhiều nhiệm kỳ qua; công tác giảm nghèo đã trở thành một phong trào được thực hiện sâu rộng trong quần chúng nhân dân, thực sự đem lại nhiều hiệu quả, giúp nhiều hộ nghèo vượt qua khó khăn, từng bước thoát cảnh nghèo, ổn định đời sống. Thành phố xem công tác giảm nghèo có tầm quan trọng đặc biệt, xem mục tiêu giảm nghèo là mục tiêu chiến lược của quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, là động lực thúc đẩy tiến trình CNH-HĐH và hội nhập của thành phố trong những năm qua. Bước vào thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta gặp phải không ít những khó khăn, thử thách. Cơn bão số 6 năm 2006 đã tàn phá, để lại hậu quả nặng nề về người và của; số hộ nghèo vừa thoát quay trở lại; số hộ nghèo mới phát sinh sau bão, số đang nghèo lại nghèo thêm. Giá tiêu dùng tăng cao vào năm 2007, làm mất đi ý nghĩa chuẩn nghèo của thành phố điều chỉnh năm 2005. Suy giảm kinh tế toàn cầu năm 2008, ảnh hưởng đến 2009, đã làm cho sản xuất, kinh doanh một số nơi đình đốn, nhiều người mất việc làm, đời sống của một bộ phận dân cư và người lao động thành phố gặp khó khăn hơn.

Song, vượt qua những khó khăn đó, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; bằng nhiều giải pháp, chính sách kịp thời và riêng có của thành phố, vì vậy, mục tiêu không có hộ đói trên địa bàn thành phố tiếp tục được giữ vững, đồng thời giảm tỷ lệ hộ nghèo đầu nhiệm kỳ từ 15, 19% xuống còn dưới 1% cuối nhiệm kỳ - là một trong 9 chỉ tiêu chủ yếu được Báo cáo chính trị tại Đại hội lần này đánh giá là đạt và vượt so với mục tiêu Đại hội XIX đề ra.  Để có được kết quả đó, trong nhiệm kỳ qua, chúng ta đã làm được một khối lượng công việc khá lớn: Trên 32 ngàn hộ thoát được nghèo theo chuẩn thành phố, tăng gấp đôi so với nhiệm kỳ trước, trên 75 ngàn lượt hộ nghèo được hỗ trợ vốn làm ăn; hơn 400 ngàn thẻ BHYT được cấp cho người nghèo; hơn 42 ngàn học sinh, sinh viên nghèo được miễn giảm học phí, được hỗ trợ giáo dục; gần 5 ngàn lượt người nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí, hàng chục ngàn ngôi nhà được sửa chữa, xây mới, hỗ trợ lắp đặt điện, nước; bố trí hàng trăm nhà chung cư cho người nghèo, phụ nữ đơn thân; hơn 4.000 người nghèo được dạy nghề miễn phí...Nhờ đó, nhiều người nghèo được trợ giúp, thoát nghèo và vươn lên ổn định cuộc sống.

Trong nhiệm kỳ qua, thành phố đã kịp thời 2 lần điều chỉnh chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo chung cả nước cho phù hợp với sự thay đổi của mức sống đô thị. Từ năm 2009, mục tiêu "không có hộ đói" được điều chỉnh thành "không có hộ đặc biệt nghèo" trong chương trình thành phố "5 không" - đây có thể coi là một bước chuyển mới, thể hiện quyết tâm cao đối với công tác giảm nghèo của thành phố. Điều chỉnh, bổ sung từ 7 chính sách giảm nghèo cơ bản năm 2005, đến nay đã có 12 chính sách, trong đó ngoài các chính sách chung của cả nước, thành phố còn có thêm một số chính sách hết sức ưu việt, như chính sách đối với hộ đặc biệt nghèo, chính sách đối với người nghèo đã thoát nghèo sau hai năm, chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, chính sách dạy nghề, hỗ trợ việc làm, tăng thu nhập tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Bên cạnh những kết quả đạt được như Báo cáo chính trị vừa nêu, công tác giảm nghèo ở thành phố cũng bộc lộ một số mặt hạn chế, đó là: Số hộ thoát nghèo cao nhưng chưa thực sự vững chắc, nguy cơ tái nghèo cao; hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành mới chỉ tác động đến người nghèo, tức là họ đã nghèo rồi chúng ta mới giúp, mà chưa chú trọng đến giải pháp phòng ngừa dẫn đến nghèo; chính sách giảm nghèo chưa bao phủ hết nguyên nhân dẫn đến nghèo, quản lý, thống kê, đánh giá nghèo và giảm nghèo ở các cấp còn chưa chính xác; tâm lý trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo để nhận chế độ, chính sách có xu hướng diễn biến thuận chiều với sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố...Tất cả những hạn chế đó là rào cản rất lớn ảnh hưởng kết quả giảm nghèo của thành phố.

Trong đại hội này, tôi xin trao đổi và kiến nghị một số vấn đề sau:

Kính thưa đại hội.

Giảm nghèo là một trong tám Mục tiêu Thiên niên kỷ, mà Việt Nam là quốc gia được Hội nghị Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 65 đánh giá là khá thành công trong công tác giảm nghèo. Phát huy thành quả giảm nghèo đạt được  trong thời gian qua của đất nước và của thành phố; khắc phục được những hạn chế nêu trên; bám sát nhiệm vụ giảm nghèo đã được quán triệt trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tại Đại hội lần này, giai đoạn 5 năm đến (2010 - 2015), ngoài việc cần tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã đề ra theo Chỉ thị số 24 của Thành ủy, Đề án giảm nghèo giai đoạn 2009-2015 và Đề án không có hộ đặc biệt nghèo đến năm 2015 của thành phố, trong Đại hội này, chúng tôi muốn trao đổi, kiến nghị thêm một số vấn đề như sau:

Một là, đổi mới công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền về nghèo và công tác giảm nghèo.

Công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền trong thời gian qua đã góp một phần lớn vào việc giảm nghèo ở thành phố. Song, chúng ta mới chú trọng về công tác tuyên truyền một chiều, chưa chú trọng truyền thông đa chiều, kênh phản hồi của chính người nghèo trở lại với chính sách giảm nghèo hiện nay còn rất ít, thông tin mà người nghèo có được về chương trình giảm nghèo thật sự không đáng kể. Có thực tế hiện nay là, tại mỗi cộng đồng, mỗi phường, xã ở thành phố đang thực hiện nhiều chương trình, dự án giảm nghèo khác nhau của  nhiều cơ quan, đoàn thể tổ chức khác nhau thực hiện, chưa kể các dự án tài trợ, phi chính phủ; do đối tượng nghèo là rất khác nhau về nguyên nhân dẫn đến nghèo, đa dạng về trình độ, tuổi tác, sự hiểu biết, lối sống..., nếu công tác truyền thông không phù hợp, cùng một nội dung tuyên truyền, thì hiệu quả của các chương trình, chính sách, dự án này sẽ không cao, chưa nói đến sự trùng lắp, chồng chéo.

Cũng cần phải đổi mới nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nghèo và giảm nghèo đô thị. Chú trọng nội dung tuyên truyền tự vươn lên thoát nghèo, không tự ỷ lại, trông chờ sự giúp đỡ của nhà nước.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách giảm nghèo thuộc thẩm quyền của thành phố.

Hệ thống chính sách, giải pháp giảm nghèo có tính quyết định đến giảm nghèo, nhất là ở đô thị, người nghèo có một số đặc thù riêng. Cần phải gắn chặt mục tiêu giảm nghèo với các mục tiêu phát triển khác; lồng ghép chương trình giảm nghèo của thành phố với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Nghiên cứu ban hành một số chương trình lồng ghép, với một số tên gọi rất cụ thể như: Chương trình phát triển làng nghề (làng rau, làng hoa...) để giảm nghèo; Chương trình làm sản phẩm du lịch để giảm nghèo; Chương trình phát triển kinh tế biển để giảm nghèo; Chương trình dạy nghề và tạo việc làm cho 1.000 người đặc biệt nghèo còn sức lao động mỗi năm; Chương trình người nghèo tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn huyện Hòa Vang; Chương trình giảm giá dịch vụ đô thị cho người nghèo..., làm như vậy sẽ mang tính đầu tư cho người nghèo hơn là hỗ trợ người nghèo với những chính sách vừa qua, giảm nghèo sẽ bền vững hơn.

Ba là, xác định người nghèo đô thị cần tính đến những người nhập cư nghèo khó.

Theo điều tra thống kê, hàng năm có đến 6-7% dân số người dân nhập cư vào thành phố, tức khoảng trên 50 ngàn người mỗi năm và chưa kể đến nhập cư kiểu con lắc (đi về trong ngày). Chưa có một số liệu thống kê chính xác trong số đó có bao nhiêu người nghèo khó, nhưng chắc có lẽ đa số họ là nghèo, khó khăn ở các vùng nông thôn di chuyển ra thành phố. Những người nhập cư đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế ở thành phố, song cũng đóng góp không nhỏ vào đội quân người nghèo đô thị, làm quá tải các dịch vụ đô thị. Bây giờ, không tính đến họ thì không xác định được quy mô, quy hoạch cơ sở.hạ tầng, nhà ở, giáo dục, y tế, giao thông và các vấn đề xã hội khác; mà kể đến họ thì thành phố không kham nổi.

Do vậy, kiến nghị thành phố, một mặt cần tập trung, tăng cường quản lý người nhập cư, nâng dần mặt bằng chất lượng thu hút lao động vào các ngành, nghề, dịch vụ ở thành phố bằng các tiêu chuẩn cụ thể, làm như vậy sẽ giảm bớt lao động không có nghề nhập cư vào thành phố, nhất là nhập cư "con lắc”, không có nghề mà ở đô thị dễ phát sinh nghèo đói và các vấn đề xã hội khác.

Mặt khác, kiến nghị với Trung ương cần sớm có cơ chế, chính sách giảm nghèo riêng đối với khu vực nông thôn các tỉnh để giảm bớt lực đẩy người nghèo ra thành phố và có chính sách, cơ chế hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ ở các đô thị để giúp người dân nhập cư có cuộc sống tốt hơn, tránh việc đề ra chính sách giảm nghèo chung chung đô thị cũng như nông thôn như hiện nay.

Bốn là, đổi mới một số nội dung, phương pháp quản lý chương trình giảm nghèo.

Thay cơ chế giao chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm bằng Nghị quyết cho các địa phương bằng cơ chế đăng ký chỉ tiêu giảm nghèo. Mỗi địa phương, mỗi cộng đồng dân cư có mỗi đặc điểm riêng, có nguồn lực khác nhau và nguyên nhân tác động đến người nghèo cũng rất khác nhau. Để khắc phục tình trạng nói trên,  thành phố cần hướng dẫn địa phương dưới tổ, thôn thảo luận, bàn bạc, năm nay với thực thực địa phương mình sẽ giúp cho bao nhiêu hộ có thể thoát nghèo, sau đó mới đăng ký chỉ tiêu với các cơ quan có thẩm quyền, như vậy sẽ giao được sự chủ động cho các địa phương và giảm nghèo thực chất hơn.

Thực tế hiện nay, do áp lực phải hoàn thành chỉ tiêu trên giao và vẫn còn bệnh thành tích trong công tác giảm nghèo, cho nên cấp trên giao bao nhiêu, cuối kỳ báo cáo, cấp dưới cũng "ép" số liệu, báo cáo hoàn thành mục tiêu bấy nhiêu. Thực tế, chúng ta chưa kiểm soát một cách đầy đủ số người thoát nghèo  dạng này do vậy nguy cơ tái nghèo rất cao.

Kính thưa Đại hội

Công tác giảm nghèo trong thời gian đến vẫn còn hết sức khó khăn, phức tạp cần có sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể và sự hưởng ứng của người dân. Căn cứ các nhiệm vụ được quán triệt trong Báo cáo chính trị Đại hội lần này, là cơ quan chức năng chúng tôi có trách nhiệm phối hợp tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương, cụ thể hóa thành các chương trình, đề án chi tiết, để giảm nhanh hộ nghèo, hộ đặc biệt nghèo, quyết tâm đến năm 2015 không có hộ đặc biệt nghèo,  góp phần hoàn thành chỉ tiêu, nghị quyết đại hội đề ra.

Xin chân thành cảm ơn quý vị đại biểu. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.