Ai Cập - Israel gia tăng căng thẳng

Thứ tư, 29/05/2024 08:50

Quan hệ giữa Ai Cập và Israel tiếp tục căng thẳng, sau vụ một binh sĩ Ai Cập bị phía Israel bắn chết ở khu vực biên giới Gaza ngày 27-5. Đây được coi là lần đụng độ nghiêm trọng đầu tiên giữa hai bên kể từ đầu chiến dịch quân sự của Israel vào dải Gaza đầu tháng 10-2023.

Người Palestine tại hiện trường vụ tấn công của Israel ở Rafah, Gaza, hôm 27-5. Ảnh: Getty
Người Palestine tại hiện trường vụ tấn công của Israel ở Rafah, Gaza, hôm 27-5. Ảnh: Getty

Truyền thông Israel đưa tin, một binh sỹ Ai Cập thiệt mạng trong cuộc đấu súng xảy ra hôm 27-5 tại cửa khẩu Rafah nối giữa dải Gaza và bán đảo Sinai của Ai Cập. Theo hãng tin Ynet của Israel, các nguồn tin quân đội Israel cáo buộc phía Ai Cập là bên đã gây ra cuộc đọ súng. Cáo buộc cho biết, lực lượng Ai Cập đã nổ súng vào các binh sỹ Israel tại khu vực cửa khẩu Rafah và phía Israel đã lập tức khai hỏa đáp trả. Nguồn tin khẳng định một binh sỹ Ai Cập đã thiệt mạng và một số quân nhân khác bị thương trong vụ đấu súng. Quân đội Israel đang tiến hành điều tra vụ nổ súng.

Trong khi đó, AFP trích dẫn tuyên bố của quân đội Ai Cập cho biết đang điều tra vụ nổ súng tại khu vực biên giới Rafah dẫn đến sự hy sinh của một quân nhân bảo vệ biên giới. Đài Al-Qahera News có liên kết với tình báo Ai Cập dẫn lời một quan chức quốc phòng tiết lộ rằng kết quả điều tra ban đầu cho thấy binh sĩ Israel và các tay súng Palestine đấu súng qua lại, buộc lực lượng an ninh Ai Cập có biện pháp bảo vệ và đối phó với bên nổ súng. Còn Reuters dẫn hai nguồn tin an ninh Ai Cập kể rằng, một binh sĩ nước này đang làm nhiệm vụ tại tháp canh đã phản ứng khi thấy một xe bọc thép chở binh sĩ Israel vượt qua ranh giới gần biên giới trong lúc đuổi theo nhiều người Palestine. Binh sĩ Ai Cập nổ súng và phía Israel đáp trả, khiến người này thiệt mạng và dẫn đến màn đấu súng tiếp theo. Nhiều binh sĩ Israel bị thương và lực lượng này phải rút về.

Vụ đấu súng bất ngờ xảy ra khi Israel đang tiến hành chiến dịch tấn công thành phố Rafah bất chấp sự phản ứng của quốc tế. Trong nhiều thập niên, Ai Cập đóng vai trò trung gian hòa giải hàng đầu trong các cuộc đàm phán, thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa Hamas và Israel. Thời gian qua, Cairo hiện là địa điểm tổ chức nhiều vòng đàm phán giữa các quan chức Israel và lực lượng Hamas trong nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza.

Từ khi xung đột Gaza bùng phát, Ai Cập thể hiện sự đoàn kết với người Palestine nhưng vẫn duy trì mối quan hệ với Israel. Các vụ đụng độ giữa hai bên được cho là hiếm khi xảy ra. Ai Cập hiện đã tăng cường lực lượng ở Bán đảo Sinai, gần khu vực biên giới với Gaza và Israel, đồng thời đặt các lực lượng quân đội và an ninh trong tình trạng báo động cao. Ai Cập luôn coi Gaza là vấn đề an ninh quốc gia và tìm cách duy trì mức độ ảnh hưởng ở vùng đất này.

Ai Cập là quốc gia Arab đầu tiên thiết lập quan hệ với Israel. Hai nước hiện có sự ràng buộc theo Hiệp ước hòa bình năm 1979 do Mỹ bảo trợ, nhưng mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng này đã trở nên căng thẳng kể từ khi xung đột tại Gaza nổ ra vào tháng 10-2023. Mối quan hệ song phương đã rơi xuống mức thấp nhất khi quân đội Israel giành quyền kiểm soát cửa khẩu Rafah ở phía Palestine hôm ngày 7-5. Mỹ và các nước khác cũng bày tỏ quan ngại về việc Israel tấn công Rafah, làm xấu đi mối quan hệ với Ai Cập. Ai Cập đã lên tiếng mạnh mẽ về cuộc chiến ở Gaza và liên tục kêu gọi Tel Aviv đồng ý ngừng bắn.

Trước đó, Ai Cập đã chỉ trích các vụ tấn công của Israel vào trại tị nạn ở thành phố Rafah trong tối 26-5 khiến ít nhất 45 người thiệt mạng, cho rằng đây là cuộc tấn công "có chủ ý". Cuộc tấn công trên bộ vào Rafah có nguy cơ tăng áp lực buộc người dân Gaza phải sơ tán đến Sinai của Ai Cập. Đây là diễn biến mà các quan chức Ai Cập coi là vượt qua ranh giới đỏ. Khoảng 1,4 triệu người Palestine di tản trong Gaza đã bị đẩy vào Rafah rộng 64 km2 nằm ở biên giới với Ai Cập. Họ không còn nơi nào để đi trong bối cảnh thiếu lương thực, nước uống và thuốc men.

AN BÌNH