Ai Cập quyết chôn vùi phe Hồi giáo
(Cadn.com.vn) - Ai Cập đang tự biến mình thành nơi chôn vùi tham vọng quyền lực của người Hồi giáo với những cuộc trấn áp biểu tình kinh hoàng nhằm vào những người ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo (MBO).
Trong ngày 20-8, chính quyền Ai Cập leo thang đàn áp nhằm vào MBO của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi bằng cách bắt giữ lãnh đạo hàng đầu Mohamed Badie.
Theo Reuters, ông Badie, 70 tuổi, bị cảnh sát bắt giữ tại một căn hộ chung cư ở thành phố Nasr thuộc phía Đông Bắc thủ đô Cairo. Theo Hãng thông tấn MENA, ông Badie được chuyển đến nhà tù Torah, nơi cựu Tổng thống Hosni Mubarak cùng hai con trai đang bị giam giữ. Hình ảnh trên mạng Facebook của Bộ Nội vụ cho thấy, ông Badie với đôi mắt thâm quầng, ngồi trong ô-tô giữa hai người đàn ông mặc áo giáp đen, với một chú thích xác nhận bắt giữ ông này.
Hôm 4-7, chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ, quyền tổng công tố Ai Cập Ahmed Ezz el-Din ra lệnh bắt giữ các thủ lĩnh cấp cao của MBO liên quan đến những cáo buộc giết hại người biểu tình phản đối ông Morsi. Lần này, ông Badie cũng bị buộc tội kích động các vụ sát hại người biểu tình hồi tháng 7. Ông Badie cùng với hai thành viên cấp cao khác của MBO, Youssef Talaat và Hassan Maleik cũng bị bắt giữ hôm 20-8, sẽ hầu tòa vào ngày 25-8 tới.
Ai Cập triển khai binh sĩ với xe bọc thép bảo vệ dọc Quảng trường Tahrir hôm 20-8. Ảnh: Reuters |
Những diễn biến này cho thấy, Ai Cập vẫn hỗn loạn và đổ máu kể từ sau vụ đảo chính lật đổ Tổng thống Morsi hôm 3-7. Ông Morsi - nhân vật chính trong câu chuyện này - đang bị tạm giam tại một địa điểm không được tiết lộ. Bất chấp lời kêu gọi thả tự do cho ông Morsi của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và nhiều nước khác, công tố viên Ai Cập hôm 20-8 tiếp tục ra lệnh giam giữ Tổng thống bị phế truất trong 15 ngày để chờ kết quả điều tra những cáo buộc ông này liên quan đến các hành vi bạo lực. Vụ điều tra mới này tập trung vào những vụ biểu tình xảy ra trước Dinh Tổng thống hồi tháng 12-2012.
Được thành lập năm 1928, MBO sử dụng quyền lực nhân dân để đưa ông Morsi lên nắm quyền trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. MBO nổi lên trong thập kỷ qua, từ một phong trào ngoài vòng pháp luật, trở thành lực lượng chính trị có tổ chức tốt nhất sau sự sụp đổ của cựu Tổng thống Mubarak. Tuy nhiên, MBO hiện đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Vì thế, Tổng Thư ký LHQ và Mỹ đã kêu gọi Ai Cập không cấm nhóm này hoạt động chính trị. “Không gian chính trị cho MBO đang rất hạn chế và cần được mở rộng hơn. Với sự phân cực mạnh như vậy trong xã hội Ai Cập, cả chính quyền và các nhà lãnh đạo chính trị cần chia sẻ trách nhiệm để chấm dứt tình trạng bạo lực hiện nay”, ông Ban nói trong một cuộc họp báo của LHQ.
Nhưng rồi việc giết hại 25 cảnh sát Ai Cập ở Sinai hôm 19-8 - vụ tấn công đẫm máu nhất trong nhiều năm qua - được cho là do các chiến binh Hồi giáo thực hiện nhằm trả thù các vụ trấn áp biểu tình đẫm máu của quân đội Ai Cập, lại đang làm xói mòn những nỗ lực của MBO. Nhóm cảnh sát đang trên đường về doanh trại của họ ở Rafah thì bị các chiến binh tấn công bằng súng máy và súng phóng lựu. Sau vụ việc, Tổng thống Ai Cập công bố 3 ngày quốc tang dành cho những người “tử đạo của Rafah”.
Tất cả đang trông chờ vào Mỹ, nước hiện vẫn đang xem xét liệu có nên đóng băng khoản viện trợ quân sự hàng năm trị giá 1,55 tỷ USD cho Ai Cập hay không. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, khả năng đóng băng khoản hỗ trợ này là khó xảy ra.
Khả Anh
Philippines sơ tán công dân khỏi Ai Cập
Philippines ngày 20-8 nâng báo động khủng hoảng ở Ai Cập lên mức 4 – mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo khẩn cấp, đồng nghĩa với việc công dân Philippines bắt buộc phải hồi hương bằng chi phí của nhà nước. Manila đã điều một nhóm phản ứng nhanh tới Ai Cập để hỗ trợ việc thực hiện chương trình hồi hương cho khoảng 6.000 người Philippines đang sinh sống ở quốc gia Arab này.