Ai Cập với bài toán vực dậy ngành du lịch

Thứ ba, 24/05/2016 09:31

(Cadn.com.vn) - Cho dù chiếc máy bay MS804 của Hãng hàng không EgyptAir bị rơi hôm 19-5 là như thế nào, những hậu quả mà ngành du lịch Ai Cập đang phải đối mặt không phải là nhỏ và khó có thể gượng dậy trong “một sớm một chiều”.

Du lịch từ lâu trở thành ngành kinh tế “trụ cột” của Ai Cập - nền kinh tế lớn thứ nhì trong thế giới Arab chỉ sau Saudi Arabia. Nhưng du khách nước ngoài ngày càng hạn chế đến nơi đây sau những cuộc tấn công vào du khách phương Tây trong bối cảnh nhiều khu vực của nước láng giềng Libya vẫn đang chịu sự kiểm soát của nhóm khủng bố Hồi giáo IS.

Trước khi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak bị lật đổ vào năm 2011 như kết quả tất yếu của chiến dịch Mùa xuân Arab, ngành du lịch nước này mang về 12,5 tỷ USD doanh thu/năm. Vào thời điểm đó, Ai Cập thu hút gần 15 triệu khách mỗi năm nhờ các điểm tham quan hấp dẫn như kim tự tháp ở Cairo và khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Sharm el-Sheikh nằm trên bờ biển Đỏ. Nhưng bây giờ, tình hình hoàn toàn thay đổi.

Vụ tai nạn của máy bay MS804 tiếp tục nhấn chìm ngành du lịch vốn đã lao đao của Ai Cập.

Nguy cơ khủng bố

Văn phòng Ngoại giao Anh cảnh báo, ngoại trừ những trường hợp thật sự cần thiết, người dân nên hạn chế di chuyển bằng máy bay đến và đi từ khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh sau khi một máy bay dân dụng của Nga bị bắn rơi cuối tháng 10-2015, khiến toàn bộ 224 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Ngoài ra, một khu nghỉ mát khác ở biển Đỏ là Hurghada đã trở thành mục tiêu của IS trong một cuộc tấn công hồi tháng 1, làm 3 du khách phương Tây bị thương. Văn phòng ngoại giao Anh cảnh báo: “Bọn khủng bố tiếp tục lập kế hoạch và tiến hành các cuộc tấn công ở Ai Cập. Nhiều khả năng các cuộc tấn công tương tự sẽ xảy ra”. Hiện vẫn chưa rõ liệu máy bay MS804 của EgyptAir có phải là nạn nhân của tổ chức khủng bố hay chỉ là một vụ tai nạn nhưng theo tiến sĩ Yeganeh Morakabati, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Bournemouth của Anh, những thiệt hại đối với ngành du lịch và kinh tế của Ai Cập là không thể tránh khỏi.

Trả lời phỏng vấn trên BBC Radio 5 Live, bà Morakabati nói: “Nếu đó là khủng bố, Ai Cập sẽ là nạn nhân. Nếu đó là lỗi kỹ thuật, Ai Cập sẽ bị quy trách nhiệm là thiếu năng lực”. Theo bà, nếu không phải khủng bố mà là lỗi kỹ thuật thì nền kinh tế nước này cũng không khả quan gì. Sau những sự kiện gần đây, lượng du khách đến Ai Cập sụt giảm đáng kể. Năm 2013, lượng khách giảm 1/3, còn dưới 10 triệu du khách/năm, và giảm mạnh hơn nữa kể từ lúc đó. Doanh thu du lịch vào năm ngoái giảm còn 6,1 tỷ USD, chưa bằng một nửa của năm 2010. Đó là tin tức xấu với những người Ai Cập vẫn sống nhờ du khách nước ngoài như nhân viên khách sạn, hướng dẫn viên du lịch, tài xế taxi, chủ quầy hàng ở các chợ địa phương...

Nỗ lực của chính phủ

Để vực dậy ngành du lịch, chính phủ Ai Cập tăng cường công tác an ninh, cụ thể thực hiện chương trình gắn camera giám sát trị giá 30 triệu USD cùng các biện pháp khác, như chó nghiệp vụ. Việc kiểm tra an ninh được thực hiện thường xuyên tại Sharm el-Sheikh và cảnh sát thường xuyên kiểm tra xe cộ tại Sharm el-Sheikh và Hurghada.

Bộ trưởng Du lịch Ai Cập Yehia Rashed, một cựu Giám đốc Marriott International, mới được bổ nhiệm 2 tháng trước, cho biết chính phủ đã, đang và sẽ lắp đặt rất nhiều thiết bị an ninh mới, cũng như đào tạo nhân sự an ninh. Mặc dù ông khẳng định, “Ai Cập an toàn 100%”, nhiều du khách sẽ khó bị thuyết phục trước những vụ việc như MS804 của EgyptAir. Ông Bugsgang cho rằng, du lịch Ai Cập có thể hồi phục nhưng phải cần thời gian. Theo ông, có những minh chứng về điều này trong những năm qua và không thể bác bỏ thực tế rằng Ai Cập rất phổ biến với du khách Anh. Ông tin rằng, công nghiệp du lịch Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ Ai Cập hồi phục theo mọi cách có thể.

Tuệ Khanh

(Theo BBC)