Al-Qaeda đang hồi phục

Thứ ba, 31/12/2013 13:55

(Cadn.com.vn) - 2 năm sau khi cuộc chiến tranh Iraq kết thúc, Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây xác nhận đang cung cấp cho đất nước bị nhiều tổn thương này các loại vũ khí tinh vi và máy bay.

Rõ ràng, Iraq cần sự giúp đỡ để chiến đấu chống lại mối đe dọa nghiêm trọng đang phát triển - Al-Qaeda. Đối với những người không theo dõi những âm mưu phức tạp của nhóm khủng bố hàng đầu thế giới này, họ tin rằng, trong nhiều năm qua Al-Qaeda đang chạy trốn, và khả năng chiến đấu của chúng bị suy yếu bởi những cuộc tấn công của Mỹ.

Tuy nhiên, theo giới phân tích quân sự và các nguồn tin tình báo cấp cao, Al-Qaeda gia tăng hoạt động trong những năm gần đây, giành quyền kiểm soát lãnh thổ ở Bắc Phi, Trung Đông và đang tiến hành nhiều cách tấn công khác nhau.

Vẫn hoạt động tại Yemen

Al-Qaeda chịu thất bại đáng kể sau khi Hải quân đặc nhiệm SEAL của Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden ở Pakistan vào năm 2011, và nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) tiêu diệt nhiều thủ lĩnh khủng bố hàng đầu dọc theo biên giới Pakistan -Afghanistan.

Tuy nhiên, nhóm khủng bố này và các đồng minh gần gũi của nó hoạt động trở lại ở Yemen, khu vực Sinai của Ai Cập, Libya, Iraq, nhiều khu vực ở Đông và Tây Phi, và nhiều nơi khác. Al-Qaeda ở bán đảo Arab (AQAP) có trụ sở tại Yemen là điều đặc biệt quan ngại. CNN gần đây đọc được các tin nhắn giữa các thủ lĩnh cấp cao của Al-Qaeda ở Yemen, nhưng các tin nhắn không chỉ rõ các mục tiêu cụ thể. Một nguồn tin nói với CNN rằng, các cuộc trò chuyện thảo luận về "các âm mưu hành động".

"Có nhiều dấu hiệu cho thấy Al-Qaeda ở bán đảo Arab đang có âm mưu tấn công chống lại các cơ sở của Mỹ và phương Tây cả trong Yemen và ở nước ngoài", Seth Jones, nhà phân tích của Rand Corp cho biết. AQAP nổi tiếng với việc âm mưu đánh bom chuyến bay đến  Mỹ vào ngày Giáng sinh năm 2009 với chất nổ được đặt trong quần lót. Al-Qaeda ở Yemen "vẫn có khả năng tiến hành các cuộc tấn công" và đặc biệt là các vụ đánh bom máy bay, ông Jones cho biết. Mỹ đã tăng cường các hoạt động chiến đấu nhưng không phải tất cả đều thành công.

Trong tháng này, một vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Nhà Trắng thất bại trong việc tiêu diệt một nhà hoạch định kế hoạch của Al-Qaeda, kẻ được cho là đứng sau âm mưu tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Sanaa. Thay vào đó, Washington tấn công nhầm vào một đám cưới.

Hiện trường một vụ đánh bom ở Iraq do Al-Qaeda gây ra. Ảnh: Reuters

Một chỗ đứng vững chắc tại Syria

Các chiến binh có liên kết với Al-Qaeda thiết lập chỗ đứng đáng gờm trong cuộc nội chiến phức tạp ở Syria.

Theo báo cáo tháng 12 từ Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Thánh chiến (ICSR), có đến 11.000 chiến binh nước ngoài từ 74 quốc gia trong cuộc xung đột nổ ra kể từ tháng 4-2011.

Phần lớn đến từ các nước Arab khác, gây ra một mối đe dọa lớn khi các phần tử này trở về nước. "Điều đáng lo ngại là mạng lưới Al-Qaeda trong tương lai đang được tạo ra trong cuộc xung đột tại Syria", Paul Cruickshank, một nhà phân tích khủng bố của CNN, người nhiều năm nghiên cứu về Al-Qaeda cho biết. Số các phần tử đến từ Châu Âu ngày càng tăng - gần 2.000, một số lượng chưa từng có trước đây.

Theo ông Cruickshank, Mỹ và các đồng minh lo ngại, các chiến binh này sẽ dễ dàng tiến hành các cuộc tấn công tại quê hương họ hoặc các mục tiêu phương Tây. "Syria hiện nay là nhiên liệu cho phong trào thánh chiến. Một số các nhà hoạt động kinh nghiệm từ Pakistan và Iraq đã chuyển đến đó. Syria giúp Al-Qaeda xây dựng lại hoạt động của mình trong thế giới Arab", ông Cruickshank nói.

Ông Cruickshank đặc biệt lo sợ, các thành viên của Al-Qaeda ở Syria có thể được đào tạo cách làm bom nổ và các khóa học. "Tất cả những gì bọn chúng cần phải làm là quay trở lại Châu Âu, mua những gì họ cần và thực hiện một cuộc tấn công", ông Cruickshank cho biết.

Một nền hòa bình khó nắm bắt ở Iraq

Syria giáp với Iraq. Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây ra bạo lực tại Iraq, sự hiện diện của Al-Qaeda tại nước này một phần được thúc đẩy bởi tình trạng suy yếu của Syria.

Từ tháng 1 đến tháng 11-2013, hơn 7.000 dân thường Iraq thiệt mạng, trong đó có 952 người thuộc lực lượng an ninh Iraq.

Tháng 4-2013 là tháng đẫm máu nhất ở Iraq trong 5 năm qua. Kể từ khi cựu Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ, người Arab Sunni bị gạt ra ngoài lề chính trị và người Shiite, những người đại diện cho đa số người Iraq, lên nắm quyền. Điều này dẫn đến bạo lực phe phái với hàng loạt các vụ đánh bom người Shiite do Al-Qaeda thực hiện, trong một nỗ lực đưa đất nước rơi vào nội chiến nhằm giành quyền kiểm soát.

Theo Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers, các vụ tấn công nhỏ là một cách tiếp cận mới của Al-Qaeda. Ông nhấn mạnh, các quan chức tình báo và an ninh Mỹ đang trải qua một giai đoạn khó khăn hơn bao giờ trong việc cố gắng chặn các cuộc tấn công quy mô nhỏ này.

An Bình

(Theo CNN)