Ám ảnh trăn rừng Già

Thứ ba, 22/12/2015 10:10

(Cadn.com.vn) - Lâu nay, khu vực rừng Già, còn gọi là rừng trăn thuộc ba xã miền trung du Quế Thọ (H. Hiệp Đức) và Quế An, Quế Phong (H. Quế Sơn, Quảng Nam) từng là nỗi khiếp sợ của người dân địa phương lâu nay, bởi theo nhiều người đây là khu rừng do… loài trăn ngự trị. Chuyện kể trong chiến tranh, trăn rừng Già từng tấn công giết chết một lính Mỹ. Đến đầu tháng 12-2015, việc trăn rừng Già tấn công nuốt gọn một con bê 30 kg khiến người dân càng thêm khiếp sợ.

Anh Nguyễn Kỳ chỉ những hốc núi nơi trăn sinh sống trên rừng Già.

Nỗi khiếp sợ mang tên "trăn rừng Già"

Tối 9-12, con bò mẹ của chị Lê Thị Bé (40 tuổi, trú thôn Phú Cốc Tây, xã Quế Thọ) từ trên núi chạy về chuồng mà không có con bê 4 tháng tuổi đi theo. Nghĩ bê bị lạc, sáng sớm hôm sau chị Bé đưa bò mẹ lên núi tìm. Khi vào khu vực rừng Già khoảng vài trăm mét, chị Bé hốt hoảng khi thấy con trăn lớn nằm cuộn mình với cái bụng căng tròn bên một vũng nước. Sau vài phút trấn tĩnh, chị Bé mới hoàn hồn rồi chạy về thôn báo tin. 7 thanh niên trong làng lập tức lên núi khống chế, khiêng con trăn về nhà giết thịt. Sau khi lấy con bê nặng 30 kg ra, người dân cân con trăn nặng hơn 30 kg, dài 5m. Theo chị Bé, từ đầu năm đến nay, đây là con bê thứ 4 của gia đình bị mất. "Xưa nay chỉ nghe nói nhưng không chứng kiến trăn nuốt trọn con bê to như vậy. Quá khủng khiếp, giờ thấy vậy nên ai cũng lo lắng, lùa hết gia súc về nhà", ông Lê Văn Ngũ (62 tuổi, hàng xóm chị Bé) nói.

Con trăn nuốt con bê của chị Lê Thị Bé.

Trong khi đó,  nhiều hộ dân làm trang trại chăn nuôi dê ở phía bên kia chân núi thuộc xã Quế Phong nhiều năm nay khốn đốn vì trăn. Hàng chục trang trại dê phải phá sản vì bị trăn liên tục tấn công. "Chỉ trong 5 năm qua, tôi đã mất 40 con dê, thủ phạm không ai khác chính là những con trăn khổng lồ ở rừng Già. Có khi vào chuồng dê, nó quật chết cả 10 con nhưng chỉ nuốt một con rồi bỏ đi", anh Lê Công Tâm (38 tuổi, trú thôn Gia Cát Trung, xã Quế Phong) cho biết. Anh Tâm cùng một số chủ trang trại tổ chức mai phục bắt trăn, từ đầu năm đến nay bắt được 3 con trăn, con lớn nhất nặng 63kg, dài 7m. Hai con khác nặng 20 và 30 kg. "Hôm đó khoảng đầu giờ chiều, tôi vừa lên trang trại thì nghe tiếng dê kêu to, biết chắc là bị trăn tấn công nên xách rựa đi tìm. Thấy người xuất hiện, trăn bỏ chạy vào hang đá khi chưa kịp nuốt con dê. Vào hang, tôi thấy nó cuộn tròn trong một hốc đá nên lập tức chạy vào lán lấy dây phanh xe đạp ra để bắt. Chờ khi nó ngóc đầu lên tôi túm lại sau đó vòng dây phanh vào cổ rồi buộc đầu dây còn lại vào gốc cây. Bị thắt chặt, con trăn vùng vẫy khiến dây phanh kết bằng 3 sợi bị đứt. Sau đó tôi lấy tiếp và cuộn thêm 6 sợi dây phanh làm một, kết thòng lọng để quấn vào cổ nó. Khi đã buộc chặt đầu nó vào gốc cây, tôi phải liên tục trớ người để thân trăn không cuốn được mình", anh Tâm kể lại.

Sau gần 5 tiếng vật lộn, anh Tâm mới khống chế được con trăn rồi gọi người nhà lên khiêng về. Anh Tâm bán con trăn cho thương lái được hơn 7 triệu đồng. Vài tháng sau, anh Tâm tiếp tục mai phục và bắt thêm được 2 con trăn khác khi chúng đang vào chuồng dê săn mồi. Còn anh Nguyễn Kỳ (45 tuổi, trú gần nhà với anh Tâm) phải di dời trang trại dê từ chân núi rừng Già về gần nhà khi liên tiếp đàn dê bị trăn tấn công. "Ở trên rừng Già cỏ tốt um tùm lại là núi đá nên rất thích hợp cho dê phát triển. Nhưng đây cũng là nơi thuận lợi để trăn sinh sống. "Từ khi làm trại dê năm 1995 đến nay, trăn nó giết hại của tôi mất gần 400 con dê. Mặc dù cũng mai phục và chém được 3 con nặng từ 30 đến 45 kg mang về nấu cao, nhưng trên rừng Già còn quá nhiều trăn, tôi phải chuyển trại dê xuống dưới này cho an toàn", anh Kỳ nói.

"Làm trang trại ở đây chỉ có tôi với anh Lê Công Tâm là có bản lĩnh để đối mặt bắt trăn. Nhưng trên rừng già có quá nhiều hang, có những hang đủ rộng để chứa cả nghìn người mà người dân chẳng bao giờ dám tới. Đó được xem là vùng cấm, chỉ có trăn ở…"- anh Kỳ tiết lộ.

Liên tục bị trăn tấn công trên rừng Già, anh Nguyễn Kỳ phải đưa đàn dê của mình
sang đồi núi khác để chăn thả.

Trăn từng tấn công lính Mỹ

Chúng tôi được ông Mai Xuân Hương, cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở cứ điểm rừng Già, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Quế Sơn, cho hay, nhiều người dân ở vùng này đã từng chứng kiến những con trăn khổng lồ nuốt cả lợn rừng, bò… thậm chí người. Ông Hương kể, "Năm 1967, Lữ đoàn 198 thuộc thủy quân lục chiến Mỹ đóng quân trên đỉnh rừng Già. Một buổi sáng, một binh sĩ xuống suối lấy nước bị con trăn đang phục sẵn bên hốc núi bất ngờ tấn công. Nghe tiếng kêu cứu, đồng đội anh ta chạy đến bắn nhiều phát đạn nhưng con trăn không chịu buông người. Cuối cùng trăn bị bắn chết, nhưng người lính Mỹ cũng không thoát nạn. Sau đó quân Mỹ phải điều trực thăng kéo lủng lẳng cả con trăn đang quấn chặt người về căn cứ ở trung tâm huyện mới lấy được thi thể binh sĩ này ra".

Góp những câu chuyện về trăn rừng Già, ông Trần Văn Thuyên (65 tuổi) từng là Xã đội phó xã Sơn Long (nay là xã Quế An và xã Quế Phong) cho biết, rất nhiều lần người dân ở đây đối đầu với trăn lớn trên rừng Già. "Trăn ở rừng Già nhiều lắm, bộ đội cho đến người dân đụng phải nó liên tục nhưng ai cũng biết đề phòng nên không bị quấn. Người thì bỏ chạy thoát nạn, người liều lĩnh hơn thì tìm cách bắt trăn mang về thịt"- ông Thuyên nói.

Nói về nguyên nhân vùng rừng Già nhiều trăn sinh sống, ông Thuyên cho hay, khu vực này có rất nhiều hang đá ẩm ướt, cây cối um tùm nên thích hợp với trăn. "Đỉnh cao nhất của rừng Già chỉ có 381m, diện tích cũng không rộng lắm, nhưng đây là khu vực núi đá. Đá được xếp chồng lên nhau, có hàng trăm hang động lớn nhỏ và nhiều khe suối. Hồi xưa gọi là rừng Già bởi ở đây là rừng nguyên sinh, toàn những cây cổ thụ rất lớn, nay toàn bộ đã bị chặt hạ. Các loại mãnh thú đã chạy vào rừng sâu, chỉ còn loài trăn không bỏ đi mà vẫn sinh sôi ngày càng nhiều… Thời gian gần đây, thú rừng bị người dân săn bắn gần cạn kiệt, do vậy trăn mới xuống gần chân núi tấn công gia súc", ông Thuyên nhận định.

Qua những câu chuyện của người dân ở địa phương cho thấy khu vực núi đá này có rất nhiều trăn sinh sống. Để bảo vệ tính mạng và gia súc của người dân chăn nuôi và bảo vệ trăn-loài động vật quý hiếm, cần sự vào cuộc của ngành chức năng. Vì vậy, các nhà quản lý, bảo tồn nên xem xét quy hoạch để bảo tồn, phát triển loài trăn tại khu vực rừng Già này.

Trần Tân