Ấm lòng những bữa cơm vùng cao
Thượng Quảng là xã có địa bàn rộng và cách thị trấn Khe Tre (H. Nam Đông, TT-Huế) chừng 10 km về hướng Tây Bắc. Đến trường, chúng tôi mới hiểu rõ vì sao các em nhỏ nơi đây thường “bỏ quên” những buổi học trên vùng núi nắng gió đổ lửa này. Từ khi mô hình “bán trú dân nuôi” thực hiện tại 4 trường Tiểu học tại huyện Nam Đông, tỷ lệ học sinh nghỉ học, bỏ học ở các trường này giảm đáng kể. Nhờ đó, kết quả học tập của các em tiến bộ rõ rệt. Em Hồ Thị Mỹ (lớp 3/2, trường Tiểu học Thượng Quảng, Nam Đông) nằm trong diện hộ nghèo của xã. Bố mẹ em chỉ mới tuổi đôi mươi với công việc làm nông thuê mướn theo mùa vụ. Mỹ lại là học sinh khuyết tật, đôi chân liệt từ bé. Trước đây, Mỹ là một trong những học sinh thường xuyên vắng học của trường vì nhà em quá xa, không có khả năng đi lại và bố mẹ không mấy mặn mà cho em đi học. Mỹ tâm sự, ở trường, mọi việc từ đi lại đến vệ sinh và ăn uống em đều cần sự giúp đỡ của các thầy cô. Ở trường, em được ăn no và thầy cô giúp đỡ nên em rất muốn đi học. Thầy giáo Đặng Xuân Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thượng Quảng cho biết, nhờ sự động viên của chính quyền, nhà trường và các nhà hảo tâm giúp đỡ, em Mỹ được vận động đi học trở lại. Đặc biệt, từ khi huyện Nam Đông tổ chức mô hình “bán trú dân nuôi” thí điểm tại trường, những khó khăn về việc ăn, nghỉ của Mỹ được giải quyết. Từ đó, Mỹ được học tập đầy đủ hơn.
Giờ học thể dục của học sinh Trường tiểu học Thượng Quảng. |
Căn bếp “bán trú dân nuôi” của Trường Tiểu học Thượng Quảng bắt đầu nổi lửa năm 2015 với những bữa ăn đầu tiên được chế biến từ thực phẩm do Hội Phụ huynh trường ủng hộ. Qua thời gian đầu hoạt động hiệu quả, được học sinh và phụ huynh phản hồi tích cực, số phụ huynh đăng ký cho con được dùng cơm “bán trú dân nuôi” đã tăng từ 20 đến hơn 50 em. Để duy trì hoạt động của căn bếp, mỗi em được phụ huynh đóng góp 15.000 đồng/bữa ăn với khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và hợp vệ sinh. Với những hộ gia đình khó khăn hơn, phụ huynh có thể đóng góp 10-13.000 đồng/bữa ăn, tùy theo khả năng của mình. Bên cạnh đó, những nguồn ủng hộ của các thầy cô giáo, Hội Chữ thập đỏ và nguồn thu từ gian hàng đồ vặt do Chi đoàn trường tổ chức thường xuyên được đóng vào Quỹ “bán trú dân nuôi” để đảm bảo các em được ăn no trước mỗi buổi học. Chị Dụng Thị Ngọc Sinh (30 tuổi, có con học tại Trường Tiểu học Thượng Quảng) cùng chồng thường xuyên đến trường nấu ăn cho các học sinh. Chị cho biết, mô hình “bán trú dân nuôi” hiện được 8 phụ huynh thường xuyên thay phiên nhau nấu ăn tại trường. Cứ đến phiên, 6 giờ chị trở về thị trấn mua thức ăn rồi quay về chuẩn bị nấu cho hơn 50 em cùng ăn.
Chị Sinh tâm sự thêm, Hội Phụ huynh trường luôn cố gắng hết sức để cải thiện bữa ăn cho các cháu. Dù có bếp ga được huyện hỗ trợ từ ban đầu nhưng để tiết kiệm, đảm bảo thực phẩm đầy đủ cho các em, các chị trong hội đều tranh thủ đi nhặt củi trong rừng để tận dụng làm nhiên liệu nấu ăn. Những buổi trưa tại Trường Tiểu học Thượng Quảng luôn có bát cơm nóng hổi, những tô bánh canh có tôm, thịt… Em Trần Thị Như Quỳnh, lớp 2/1 Trường Tiểu học Thượng Quảng hồn nhiên nói: “Giờ em thích đi học rồi vì đồ ăn ở trường ngon hơn ở nhà, lại có nhiều thịt và cơm nữa”. Bữa cơm trưa vùng cao của các em nhỏ Trường Tiểu học Thượng Quảng thật ấm áp. Vì đầu bếp đa dạng, bữa ăn mỗi ngày của các em khá phong phú và hấp dẫn. Nhiều phụ huynh cứ phiên là lại ra suối cào hến, bắt cá hay tranh thủ ra vườn kiếm vài mớ rau, quả bí để đưa lên trường nấu nồi canh nóng cho các em. Mỗi tháng, các phụ huynh hỗ trợ Căn bếp “bán trú dân nuôi” này lại ngồi lại góp ý, lên thực đơn về những bữa ăn cho các em. Nhờ vậy, không chỉ hội hoạt động bền bỉ mà mọi người còn gắn kết, thêm hiểu nhau hơn.
Thầy giáo Đặng Xuân Thu cho biết, vào dịp mùa vụ, các phụ huynh gửi con ngày càng nhiều. Nhà trường phải ưu tiên cho những em ở xa, khó khăn và là học sinh lớp 1. Ngoài ra, nhà trường tuy không trực tiếp tham gia bếp “bán trú dân nuôi” nhưng luôn đồng hành, giám sát để đảm bảo an toàn thực phẩm cho các bữa ăn bán trú. Không chỉ tại Trường Tiểu học Thượng Quảng, mô hình “bán trú dân nuôi” tại Trường Tiểu học Thượng Long (Nam Đông) cũng được duy trì phát triển với khoảng 70 học sinh thường xuyên sử dụng bữa ăn do tổ phụ huynh tự nguyện, góp công nấu ăn. Tổ phụ huynh này không chỉ bao gồm phụ huynh của các em học sinh, mà còn có sự góp gạo góp sức của người dân xung quanh trường.Việc các em thường xuyên ở lại trường, tiếp xúc nhiều với các thầy cô giáo và phụ huynh giúp nhiều em cải thiện được tình trạng nói ngọng tiếng Việt. Các em đã quen dần với nền nếp bữa ăn, thói quen rửa tay trước và sau khi ăn.
Ông Lê Quang Thẩm, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nam Đông cho biết, hiện nay toàn huyện có khoảng 250 em tham gia bán trú dân nuôi. Mô hình đã giải quyết được nơi ăn, chốn ở, giờ giấc đảm bảo sức khỏe cho các học sinh, đồng thời chất lượng giáo dục được nâng cao nhờ các em đi học chuyên cần. Huyện nghèo Nam Đông, nơi có đa số học sinh là người dân tộc Ca Tu, Tà Ôi, những bữa ăn nơi ngôi nhà thứ hai chứa đầy tình thương ở các trường Tiểu học đã từng ngày tiếp thêm động lực để các em học sinh siêng năng học tập.
Mai Trang