Âm nhạc với bạn trẻ

Chủ nhật, 28/01/2024 21:02
Ai cũng biết, âm nhạc là “món” được ưa thích vì dễ đi vào lòng người. Vậy mà hồi xửa hồi xưa, có ông triết gia già bên Tàu đã rất khắt khe mà lên án rằng: Trong nhà mà có tiếng đàn ca hát xướng thời đàn bà bị bệnh... lăng loàn!

Nhưng mặc kệ cho ổng cứ rề rà lên lớp đạo đức, vẫn xuất hiện những người có ngón đàn xuất sắc, tỷ như trong bài thơ Đêm Chương đài của thi sĩ Vi Trang (880-910) thời Mạt Đường:

Thanh sắt oán dao dạ,
Nhiễu huyền phong vũ ai.
Cô đăng văn sở giác,
Tàn nguyệt hạ chương đài…
(Tiếng đàn ai oán đêm thâu / Gió mưa lại họa thêm sầu dây tơ / Đèn mờ, ốc Sở xa đưa / Chương - Đài, trăng lặn sao thưa, đêm tàn…
- Anh Nguyên chuyển ngữ).

Nếu muốn “vững chứng cứ” hơn nữa, thì có thể dẫn trưng chuyện công chúa Lộng Ngọc của Tần Mục Công (683-621 trước Tây lịch) hòa tiếng sáo mê ly với tiếng tiêu dìu dặt của chàng Tiêu Sử rồi cả hai đều tu thành tiên. Chuyện “trong nhà”, thì ai mà không biết đến bốn lần nàng Kiều gảy đàn trong tuyệt phẩm “Đoạn trường tân thanh” của thi hào dân tộc Nguyễn Du! Hoặc chuyện “thần thoại” thì còn đó trong chuyện kể bình dân, về tiếng đàn Thạch Sanh đã đẩy lùi cả vạn tinh binh...

***

Giờ đây thì ta có thể dẫn ra hàng lô hàng lốc những bằng chứng về tác dụng tốt của âm nhạc mà bằng chứng là việc thưởng thức âm nhạc đã tạo ra dopamine là chất giúp duy trì sự phối hợp nhịp nhàng giữa thần kinh và cơ thể. Nhiều phát kiến và thực nghiệm khoa học đã chứng minh âm nhạc đem lại những kết quả như: tăng cường sức bền và khả năng tập luyện, giảm stress, tăng chất lượng giấc ngủ, cải thiện tâm trạng khi đến chỗ làm, tang khả năng ngôn ngữ; và cả việc tăng thêm năng suất cho vật nuôi, cây trồng...

Ví như cho bò nghe nhạc, thì nó sẽ chảy sữa ra nhiều hơn, cho lúa nghe đàn thì lúa đẻ nhánh nhiều và cho hột lúa to bự...

Nhưng cũng phải “nói lại” một chút, kẻo “oan sai” cho mấy ông bị gọi là hủ Nho. Ví như có ai dám cãi triết gia Tuân Tử, khi ổng phán rằng: Thời thế chính trị suy vi thì sẽ làm nảy sinh thứ âm nhạc... không đoan chính.

***

Còn đến lúc này thì âm nhạc đã “đi vào cuộc sống” mạnh mẽ tới mức tiền vô như... nước sông Đà của các “sao” ca nhạc. Thế cho nên, đã có hàng trăm hàng ngàn bạn trẻ chen vô cái cổng chật hẹp của các cuộc thi ca nhạc.

Lóng rày, cũng có bạn trẻ tâm sự rằng, cảm thấy hơi “tủi thân” vì mình hổng có điều kiện để mà “sành điệu-fashion”, bởi chưng chung quanh thiên hạ cứ rầm lên chuyện thời trang mốt miếc. Hổng phải đâu, vì ai ưng thì cứ chơi theo kiểu của họ, còn mình thì có kiểu đẹp-riêng tao nhã của mình, chẳng phải sao? Bởi, có cần chi phải là sao là top, nếu các bạn trẻ thực lòng hiểu được điều hay điều tốt của âm nhạc thì chỉ một chiếc kèn harmonica hoặc một cây guitar giản dị, là đã có thể lên bổng xuống trầm trong các cuộc họp mặt bằng hữu hoặc trong những chuyến dã ngoại nhẹ nhàng, chẳng phải hay sao?

“Gút lại” cái sự luận bàn dông dài của một bài nhàn đàm, thì hãy cùng nhau... vive âm nhạc. Nhưng, trước khi bravo bạn trẻ, thì xin hãy chầm chậm một chút đặng mà nhớ lại lời của danh nhân Nguyễn Trãi, khi dâng sớ tâu lên vua Lê Thái Tông:

“Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc (...). Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăn dắt muôn dân khiến cho trong thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu. Đó tức là giữ được cái gốc của nhạc”.

Thế đấy, sự bình an của mỗi một cá nhân và mỗi gia đình chính là mục đích của âm nhạc, là điều kiện của hòa bình cho dân tộc. Để kết thúc, chỉ còn chút lưu ý nho nhỏ rằng: Nên chọn nhạc mà chơi, sao cho nó “nghệ thuật”. Chớ đừng nên, hễ bất kỳ lúc nào, khi có ai kêu ai rủ, thì cũng... “ới... ơi, có tui đây!...” là OK rồi!

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT