Âm vang Điện Biên
(Cadn.com.vn) - Bao gian khổ khi “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” và bao hy sinh của đồng đội khi xung phong quyết chiến với địch... đã được cựu chiến sĩ Điện Biên Phủ kể lại cho thế hệ trẻ.
Hồi ức và chiến thắng Điện Biên Phủ chưa bao giờ xúc động và lan tỏa như thế trong buổi giao lưu Âm vang Điện Biên do CATP Đà Nẵng tổ chức chiều 6-5.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn tặng hoa và quà cho các chiến sĩ Điện Biên. |
Cách đây 60 năm (7-5-1954), lá cờ Quyết chiến quyết thắng của QĐND Việt Nam đã tung bay trên nắp hầm của tướng De Castries (Pháp) tại đồi A1, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng đất nước của dân tộc Việt Nam. Và có lẽ trong giờ phút đó, tướng De Castries và cả thế giới, chẳng hiểu làm thế nào Việt minh có thể đánh và chiến thắng ở Điện Biên Phủ.
Đại tá Đỗ Thanh Hùng – Trưởng ban liên lạc CCB chiến sĩ Điện Biên thành phố Đà Nẵng cười tươi khi được hỏi về điều đó, ông nói: “Phải thừa nhận rằng Pháp xây dựng căn cứ Điện Biên Phủ rất kiên cố, tuy nhiên chúng khinh địch và bị bất ngờ, không mường tượng được rằng quân ta sẽ đưa được trọng pháo vào chiến trường”.
Chẳng phải ngẫu nhiên cả Pháp và Mỹ đều tuyên bố rằng, căn cứ Điện Biên Phủ là pháo đài không thể công phá, bởi quân Pháp đã xây dựng nơi đây thành căn cứ liên hoàn với 4 phân khu và 49 cứ điểm phòng thủ, có sự yểm trợ của máy bay và xe tăng. Chính vì lẽ đó De Castries huênh hoang tuyên bố sẽ đánh bại được Việt Minh, nhưng y đã vui mừng quá sớm.
Trung tá Nguyễn Bình – nguyên chính trị viên đại đội pháo cao xạ (Sư đoàn 312, tham gia trận đánh Điện Biên) kể: “Lúc đó có tuyến đường số 6 để lên Điện Biên, biết điều đó nên quân Pháp cho máy bay bắn phá, với mục đích không cho quân ta chuyển quân và pháo lên Điện Biên. Nhưng chúng đâu biết rằng, từ trước khi chúng nhảy dù xuống Điện Biên, quân ta đã mở một tuyến đường qua Lũng Lô, để chuyển pháo vào chiến trường, nhiều sư đoàn của ta cũng đã có mặt để sẵn sàng chiến đấu với địch”.
Còn Đại tá Hùng thì nhớ lại: “Lúc đó mọi lực lượng của ta đã sẵn sàng cho việc đánh nhanh, thắng nhanh ở Điện Biên Phủ, ai cũng rất háo hức nhưng sau đó lại nhận được lệnh rút pháo ra. Khi đến kiểm tra, nghiên cứu chiến trường, tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển sang đánh chắc - tiến chắc. Lúc đó không phải ai cũng đồng ý với chủ trương của bác Giáp, thế là bác Giáp hỏi, “các anh có chắc chắn 100% chúng ta sẽ chiến thắng quân Pháp không”, không ai dám nói chắc, bác Giáp nói tiếp “Bác Hồ đã dặn, chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì không đánh”. Đến lúc đó mọi người mới thống nhất chủ trương, đánh chắc – tiến chắc”.
Trung tá Nguyễn Bình và Đại tá Đỗ Thanh Hùng - những chiến sĩ Điện Biên trong buổi giao lưu. |
55 ngày bao vây Điện Biên Phủ, giành nhau với địch từng tấc đất những người lính chịu biết bao gian khổ, nhưng điều đó chẳng lung lay được ý chí của họ. Ông Bình tâm sự: “Lúc đó chỉ được ăn cơm nắm, muối vừng, dè sẻn từng chút nước nhưng không một ai có biểu hiện sợ khó, ngại khổ. Quyết hy sinh để giải phóng Điện Biên”.
Và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ Điện Biên cũng là bất ngờ lớn đối với De Castries. Để rồi với tinh thần đó, những chiến sĩ Điện Biên đã làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Bồi hồi nhớ lại cái thời khắc Điện Biên được giải phóng, ông Hùng nghẹn lời: “Khi nghe tin quân ta chiếm được hầm chỉ huy của tướng De Castries, tôi và đồng đội đều bật khóc, khóc vì quá vui mừng. Thế nhưng đồng đội của tôi hy sinh nhiều lắm, có nhiều đại đội khi đánh xong trận chỉ còn lại vài người. Mấy năm trước, chúng tôi tổ chức trở về lại Điện Biên, khi đến hầm chỉ huy của tướng De Castries thì nhiều đồng chí òa khóc, gọi tên đồng đội mãi”.
Những câu chuyện được chính cựu chiến sĩ Điện Biên kể làm bao trái tim trẻ rung động. Lê Thế Trung, đoàn viên Đoàn thanh niên CATP chia sẻ - “Nghe các bác kể, phần nào hiểu được những khó khăn, gian khổ mà các bác trải qua để có chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, em rất xúc động và tự hào. Điều đó sẽ thôi thúc tuổi trẻ chúng em sẽ sống và lao động hết mình để không phụ lòng các thế hệ cha, anh đi trước, đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập của Tổ quốc”.
Đoàn viên CATP tri ân sâu sắc những cống hiến, hy sinh của chiến sĩ Điện Biên. |
Phát biểu tại buổi giao lưu, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn – UVBTVTU, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Đà Nẵng bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và ngưỡng mộ đối với những cống hiến, hy sinh của chiến sĩ Điện Biên, những người đã làm nên mốc son sáng ngời của dân tộc.
Đồng chí tâm sự - “Một lần đến bảo tàng ở Điện Biên, tôi nhìn thấy một chiếc xe cút kít của một bác nông dân ở Thanh Hóa, tham gia vận chuyển lương thực trong chiến thắng Điện Biên Phủ. Điều đặc biệt ở chỗ, chiếc xe này được bác nông dân dùng gỗ từ chiếc bàn thờ của gia đình để đóng. Nhờ chiếc xe chắc chắn, trong 4 tháng ông đã vận chuyển được 12 tấn lương thực cung cấp cho chiến trường. Đó chỉ là câu chuyện nhỏ, trong rất nhiều câu chuyện làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Kể vậy, để các bạn trẻ thấy rằng những hy sinh, cống hiến của chúng ta là rất nhỏ so với những thế hệ cha anh ngày trước. Được sống trong hòa bình ngày hôm nay, chúng ta phải phấn đấu hết mình, để không hổ thẹn với chính mình, với đơn vị và với những người đã ngã xuống. Cần phải phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, sẵn sàng xung kích, tình nguyện vì cuộc sống bình yên của nhân dân”.
60 năm đã trôi qua nhưng hào khí chiến thắng Điện Biên Phủ lúc nào cũng có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau chung tay xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Hoàng Anh