Án chung thân cho bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản lớn nhất tại Quảng Trị
Đây là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản lớn nhất tại Quảng Trị. Trước đó, vụ án được TAND tỉnh Quảng Trị xét xử sơ thẩm cuối tháng 1-2021, tuyên phạt bị cáo Nhàn án tù chung thân và phải trả lại cho các bị hại hơn 331 tỷ đồng. Sau đó, vụ án được TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND tỉnh Quảng Trị điều tra lại.
Trong số 11 bị hại, người thấp nhất bị chiếm đoạt là hơn 2 tỷ đồng, người cao nhất là 121 tỷ đồng. Ở phiên tòa sơ thẩm lần 2 này, chỉ duy nhất 1 bị hại đến dự tòa là bà Nguyễn Thị Gái (trú P.3, TP Đông Hà), bị chiếm đoạt hơn 50 tỷ đồng. Bà Gái cũng chính là bị hại duy nhất kháng cáo bản án sơ thẩm (lần thứ 1) lên TAND Cấp cao tại Đà Nẵng nhưng chỉ đối với khoản tiền 3,3 tỷ đồng trong số 50 tỷ đồng bị chiếm đoạt. Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra ngày 21-11-2021, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận thấy kháng cáo của bà Gái có cơ sở, tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ cho VKSND tỉnh Quảng Trị điều tra lại.
Sau khi điều tra lại, nội dung cáo trạng mới của VKSND tỉnh Quảng Trị không khác lần trước, vẫn truy tố 1 bị cáo là Trần Thị Nhàn, cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt hơn 331 tỷ đồng, trong đó có 50 tỷ đồng của bà Gái. Cụ thể, từ năm 2011, Nhàn đã thực hiện hoạt động cho người khác vay nhằm hưởng tiền lãi. Để tiếp tục huy động nguồn tiền từ các cá nhân khác (vay của người khác với lãi suất thấp hơn) rồi cho vay lại với lãi suất cao hơn để hưởng chênh lệch, quá trình đó, Nhàn vay nhiều người để cho Nguyễn Thị Lan Hương (TP Đông Hà) vay 7 tỷ đồng.
Nhưng đến tháng 8 – 2016, Lan Hương vỡ nợ. Từ đó, để có tiền trả tiền gốc và lãi vay trước đó, Nhàn đưa ra thông tin gian dối làm nhiều người tin tưởng cho Nhàn vay để làm đáo hạn ngân hàng và “trình tiền”. Cứ như vậy, Nhàn lấy khoản vay sau để trả gốc và lãi khoản vay trước, sử dụng mua sắm tài sản và chi tiêu cá nhân. Đến đầu tháng 8 – 2018, Nhàn không còn khả năng thanh toán. Nhàn viết giấy cam kết với các “chủ nợ” đến 24 – 8 – 2018 sẽ trả tiền. Nhưng ngày 23– 8- 2018, Nhàn đã đến cơ quan Công an trình báo về việc mất khả năng trả nợ cho những người cho vay. Số tiền Nhàn chiếm đoạt của các bị hại trong vụ án là hơn 331 tỷ đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm (lần 2), Nhàn hoàn toàn đồng ý với cáo trạng cũng như phần luận tội của đại diện VKS, đề xuất mức án tù chung thân. Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho bị cáo Nhàn lại đề nghị xem xét tách khoản 3,3 tỷ đồng vay của bà Gái, xử lý vụ án dân sự. Luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bà Gái cũng đồng quan điểm với luật sư của bị cáo và yêu cầu L. có trách nhiệm liên đới với số tiền 3,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, HĐXX nhận định qua tài liệu, căn cứ hồ sơ có trong vụ án, qua thẩm vấn, xét hỏi và ý kiến tranh luận tại tòa, có cơ sở xác định L. cùng đứng tên giấy vay, việc đi trình tiền, bị lấy tiền... đều nằm trong thủ đoạn gian dối của Nhàn. Vì vậy, có đủ căn cứ xác định hành vi ông L. không phạm tội độc lập, cũng như không đồng phạm với Nhàn đối với số tiền 3,3 tỷ đồng xảy ra ngày 8-8-2018.
Sau khi xem xét, HĐXX TAND tỉnh Quảng Trị tuyên phạt bị cáo Nhàn án tù chung thân về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, buộc bồi hoàn số tiền chiếm đoạt cho các bị hại tổng hơn 331 tỷ đồng.
BẢO HÀ