Ẩn họa từ trái cây, thực phẩm ngâm hóa chất độc hại

Thứ năm, 19/10/2017 10:42

Vừa qua, Phòng Cảnh sát môi trường (CSMT) CA tỉnh Gia Lai liên tiếp phát hiện, bắt quả tang nhiều cơ sở sử dụng hóa chất vào các loại thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác xử lý cũng như các chủ cơ sở này vi phạm ngày càng tinh vi hơn, bất chấp những hệ lụy cho người tiêu dùng.

Sầu riêng nhúng hóa chất HPC-97 HXN bị Phòng CSMT bắt quả tang. 

Từ trái cây "ngậm" hóa chất...

Cuối tháng 9 vừa qua, CA tỉnh Gia Lai đã ra Quyết định xử phạt 20 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh trái cây do Nguyễn Đức Trọng (1974, trú 76/162 Trường Chinh, TP Pleiku, Gia Lai) làm chủ vì sử dụng hóa chất ngâm tẩm sầu riêng. Đồng thời tiêu hủy 339kg sầu riêng đã nhúng hóa chất và 3 chai nhựa (500ml) có nhãn mác HPC-97 HXN chưa sử dụng và 35 vỏ chai nhựa màu trắng cùng loại. Trước đó, 16 giờ ngày 13-9, qua công tác trinh sát, Phòng CSMT đã phát hiện và bắt quả tang ông Trọng cùng 2 nhân viên là Hồng Văn Lâm (1978, trú Bình Định) và Nguyễn Văn Quyền (1968, quê H. Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) đang sử dụng loại hóa chất HPC-97 HXN (phân bón lá cao cấp kích thích trái nhanh già, nhanh chín) để nhúng sầu riêng. Qua kiểm đếm có 35 chai hóa chất đã sử dụng và 339 kg sầu riêng vừa được nhúng hóa chất. Theo lời khai của ông Trọng, mỗi chai hóa chất loại HPC-97 HXN dung tích 50ml sẽ được pha với 10 lít nước sau đó nhúng sầu riêng vào và chỉ cần để qua một đêm, sầu riêng sẽ chín. Toàn bộ số sầu riêng trên được cơ sở của ông xuất bán ra các tỉnh ở khu vực phía Bắc.

Những trái dừa qua "công nghệ tẩy trắng" bằng hóa chất tiềm ẩn những nguy cơ độc hại cho người tiêu dùng.

Qua tìm hiểu, loại hóa chất ông Trọng sử dụng  có nguồn gốc rõ ràng và nằm trong danh mục được phép sử dụng của Bộ NN&PTNT trong việc kích thích trái nhanh chín, đẩy nhanh sự ra hoa, giúp làm rụng lá cho cây họ đậu...Tuy nhiên, việc sử dụng phải đúng liều lượng cho phép mới không ảnh hưởng sức khỏe của con người và thường sau khi sử dụng 2 tuần mới có thể thu hoạch. Thế nhưng, bất chấp các khuyến cáo cũng như việc chỉ làm chín các loại trái cây sắp chín, còn loại trái cây còn non thì việc sử dụng đúng liều lượng không thể chín nổi. Trong khi đó, các thương lái thường mua một lúc cả vườn sầu riêng về và phải sử dụng hóa chất HPC-97 HXN đậm đặc mới làm chín được những quả còn non. Thế nên, người tiêu dùng không hề hay biết vừa thưởng thức sầu riêng vừa "điểm tâm" luôn cả loại hóa chất ngâm tẩm đậm đặc này.

Từ việc sầu riêng ngâm hóa chất làm chín thì "công nghệ làm đẹp" cho những trái dừa trắng bóng bày bán tràn lan dọc tuyến đường cũng đang bị lạm dụng hóa chất. Vào lúc 8 giờ 30 ngày 13-10, Phòng CSMT phát hiện đại lý kinh doanh dừa quả tại địa chỉ 12 Lê Duẩn (TP Pleiku) do bà Đinh Thị Thanh Bình (1977, tạm trú tại đây) đang nhúng dừa quả đã cắt hai đầu và lột vỏ vào xô chứa chất lỏng màu vàng đục. Qua làm việc, chủ cơ sở không cung cấp được các hợp đồng mua bán, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ các hóa chất sử dụng để pha chế, nhúng dừa, gồm: 2 túi nilon chứa bột trắng, mịn, không mùi, không tem nhãn, trọng lượng khoảng 1kg. Đồng thời, tạm giữ và niêm phong 32 quả dừa đã nhúng hóa chất, 1 xô nhựa chứa dung dịch để nhúng dừa. Chủ cơ sở nói "không biết đó là hóa chất gì, độc hại hay không mà chỉ biết hóa chất trên làm trắng những trái dừa tươi đã cắt, lột vỏ". Phòng CSMT CA tỉnh Gia Lai đã gửi mẫu hóa chất để kiểm nghiệm và xử lý theo quy định pháp luật.

Cơ sở chế biến cá của ông Mai Văn Vĩnh hấp cá với hóa chất (ảnh nhỏ) không rõ nguồn gốc.

...đến cá hấp hóa chất

Không chỉ trái cây với vẻ bề ngoài tươi ngon, chín thơm lừng đánh lừa người tiêu dùng, đến cả những con cá cũng bị hấp với... hóa chất. Liên tiếp trong các ngày 9-10 và 13-10, Phòng CSMT CA tỉnh Gia Lai phát hiện 2 cơ sở hấp cá của 2 anh em ruột trên địa bàn TP Pleiku đang hấp cá với... hóa chất Hydrogen peroxide 50% standard (PV - Oxi già đậm đặc). Cụ thể, vào ngày 9-10, tại cơ sở hấp cá của ông Mai Văn Vĩnh (1973, 329B Lê Thánh Tôn, P. Hội Phú, TP Pleiku) làm chủ, Phòng CSMT đã phát hiện cơ sở này đang sử dụng hóa chất trong quá trình hấp cá. Tại hiện trường, Phòng CSMT đã phát hiện 5 can nhựa đựng hóa chất còn nguyên vẹn và 2 can đã sử dụng, mỗi can 30kg ghi nhãn Hydrogen peroxide 50% standard nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt và hàng trăm ki-lô-gam cá đã hấp.

Chủ cơ sở không cung cấp được các hợp đồng mua bán, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hóa chất. Ông Vĩnh khai nhận mua hóa chất từ Bình Định với giá 300.000 đồng/can và cho biết sử dụng hấp cá sẽ làm cá trắng, không bốc mùi hôi và thịt cá dai hơn. Mỗi lần hấp cá, cơ sở này sử dụng 0,5 lít hóa chất hòa với 100 lít nước và 15kg muối tạo thành hỗn hợp để hấp. Không chỉ sử dụng hóa chất trong lúc hấp cá, cơ sở này đã từng bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.Tiếp đó, vào lúc 10 giờ 30 ngày 13-10, Phòng CSMT kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm (cá) tại thôn 3 (xã Diên Phú, TP Pleiku) do ông Mai Văn Hiếu (1982, làm chủ, em ruột của Mai Văn Vĩnh) sử dụng hóa chất hấp cá. Qua kiểm tra, cơ sở không cung cấp được các hợp đồng mua bán hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ các hóa chất pha chế hấp cá, gồm: 1 can nhựa 5 lít đựng hóa chất và khoảng 300kg đã hấp. Phòng CSMT đã niêm phong toàn bộ số hóa chất để tiếp tục điều tra xử lý. Hiện cả 2 mẫu hóa chất tại 2 cơ sở do ông Vĩnh và ông Hiếu làm chủ đã được Phòng CSMT thu mẫu kiểm nghiệm để có căn cứ xử lý...

Qua các vụ việc sử dụng các loại hóa chất không rõ nguồn gốc trong bảo quản, chế biến thực phẩm vừa bị Phòng CSMT CA tỉnh Gia Lai phát hiện cho thấy, các đơn vị kinh doanh trái cây, thực phẩm vì lợi nhuận mà bất chấp tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng. Đáng lo ngại là nhiều cơ sở, đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi và khó xử lý khi lạm dụng đủ loại hóa chất không rõ nguồn gốc, kể cả các loại hóa chất độc hại. Chưa kể, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe những hành vi nguy hại này. Thế nên, người tiêu dùng vẫn như lạc vào "ma trận" khi mua các loại rau củ, trái cây, thực phẩm an toàn.

MINH TÂN