Ân tình những người gieo chữ trên vùng cao

Thứ tư, 23/11/2022 10:09
Sau ngày thống nhất đất nước, huyện vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) được xem là địa phương đói nghèo, lạc hậu. Trong những năm tháng khó khăn đó, đội ngũ thầy cô giáo đã không ngại gian khổ, thậm chí hy sinh cả tuổi xuân để bám trụ với nghề, gieo từng con chữ trên khắp các bản làng xa xôi này. Tiếp nối truyền thống cùng tinh thần yêu nghề, thương trò của các thế hệ trước, thầy cô giáo hiện đang công tác trên địa bàn Phước Sơn đang ngày đêm gắn bó với nghề, góp phần đưa “ánh sáng” đến với những bản làng nơi đây.
Được chăm lo nơi ăn, chốn ở nên các em học sinh có điều kiện học tốt hơn xưa.
Ngoài giờ đứng lớp, tranh thủ buổi tối thầy cô giáo của trường đến nhà vận động các em học sinh đến lớp.

Phước Lộc là một trong những xã có địa hình hiểm trở, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất của H.Phước Sơn. Việc dạy - học nơi đây cũng trở nên khó khăn hơn so với các địa phương khác, nhất là việc duy trì học sinh (HS) đến lớp. Bởi còn nhiều khó khăn nên việc HS nghỉ học giữa chừng hoặc đi học theo kiểu “giã gạo” diễn ra thường xuyên. Vì vậy, sau một ngày đứng lớp, tranh thủ buổi tối, các thầy cô giáo đã tìm đến nhà HS để vận động phụ huynh đưa con em đến trường.

Thầy giáo Trần Đình Ngộ - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc tâm sự: “Ở vùng cao này, cuộc sống của người dân đa phần gắn bó với nương rẫy, có những rẫy cao đi cả nửa ngày đường mới đến. Vì thế, họ lên đó dựng chòi để ở, các em theo cha mẹ lên đó ở luôn trên rẫy, không muốn về đi học. Hôm nào thấy HS mình vắng mặt thì tối đến các thầy cô giáo phụ trách lớp tranh thủ tìm đến nhà HS để vận động phụ huynh đưa con em đến trường. Đây gần như là việc làm thường xuyên của các thầy cô giáo Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc”.

Thầy giáo Hồ Văn Thợ trưởng thành từ chính ngôi trường mà mình đang giảng dạy.

Trước những khó khăn trên, khoảng 10 năm trở lại đây, H.Phước Sơn thống nhất chủ trương để trường thực hiện mô hình bán trú, hỗ trợ mọi chi phí và tạo điều kiện tốt nhất cho HS ở các thôn cách xa điểm trường trung tâm được ăn ở và học tập tại trường. Qua đó tỷ lệ HS đến lớp chuyên cần hơn. Nhà cách xa trường 15km đường đồi dốc, nên cứ tối chủ nhật hàng tuần, cũng như nhiều phụ huynh khác, chị Hồ Thị Quý (ở thôn 3, xã Phước Lộc) cùng hai con nhỏ sửa soạn sách vở, bỏ theo một vài bộ quần áo để sáng thứ hai kịp cho hai con đến trường, bắt đầu một tuần học mới ăn ở tại trường. “Những năm qua được Nhà nước quan tâm, con cái chúng tôi được ăn học ở lại cả tuần tại trường nên tôi thấy rất yên tâm. Các cháu đến trường có thầy cô chăm lo nên việc đi tìm con chữ được thuận lợi hơn xưa”- chị Quý phấn khởi chia sẻ.

Để việc dạy- học diễn ra xuyên suốt, các thầy cô giáo ở đây không chỉ là thầy, là cô đứng lớp mà còn là những người cha, người mẹ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho gần 200 HS đang theo học tại trường. Nhờ duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình bán trú, cùng với sự tận tâm của đội ngũ giáo viên, nên chất lượng học tập của nhiều thế hệ HS trên địa bàn xã Phước Lộc được nâng lên rõ nét.

Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Hồ Văn Thợ - giáo viên Trường PTDT bán trú TH và THCS xã Phước Lộc cho hay, mình nguyên là HS của trường. “Trước đây tôi từng đi học ở đây và cũng trải qua nhiều khó khăn, vất vả. HS vùng cao còn chịu nhiều thiệt thòi hơn so với những em ở đồng bằng, nhất là việc đi lại, điều kiện sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn. Với mong muốn góp phần thay đổi vùng cao này, tôi đã chọn nghề giáo viên và xin cấp trên về công tác tại quê hương mình. Được là giáo viên của trường, tôi cảm thấy rất tự hào. Tôi cũng sẽ cố gắng hết mình để truyền đạt kiến thức cho các em, giúp các em trở thành những công dân có ích cho xã hội”- thầy giáo Thợ thổ lộ.

Được chăm lo nơi ăn, chốn ở nên các em học sinh có điều kiện học tốt hơn xưa.

Từng là giáo viên đứng lớp, nay là Hiệu trưởng của trường, gần 20 năm qua, thầy giáo Trần Đình Ngộ đã chứng kiến biết bao sự thay đổi và phát triển của ngôi trường này. Từ một xã đặc biệt khó khăn, không đường, không điện, nay địa phương đã có nhiều đổi thay. “Tôi đã từng chứng kiến nhiều em HS có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, tưởng chừng như không thể theo học tiếp, nhưng khi Nhà nước có chủ trương nuôi HS ở lại bán trú tại trường, thì các em đã thực sự có cơ hội học tập tốt hơn. Giờ đây, khi nhìn thấy nhiều học trò của mình trưởng thành, có trình độ, có kiến thức và trở thành những công dân hữu ích, tôi thật sự hạnh phúc. Đó cũng chính là niềm động viên rất lớn để chúng tôi gắn bó với nghề”- thầy Ngộ trải lòng.

Được biết, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa, sự tận tâm, nhiệt huyết của các thế hệ giáo viên, nhiều HS của trường nay trở thành cán bộ chủ chốt của xã, trong đó có những người như thầy giáo Hồ Văn Thợ từng là HS dưới mái trường này năm xưa.

Lê Hải