An toàn thực phẩm: Năm mới, nỗi lo cũ
Báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Quảng Nam cho biết, toàn tỉnh hiện có 23.886 cơ sở cần kiểm tra về ATTP; trong đó, sản xuất thực phẩm (gồm sản xuất và kinh doanh) có 3.514 cơ sở, kinh doanh thực phẩm có 7.102 cơ sở, dịch vụ ăn uống có 9.021 cơ sở, thức ăn đường phố có 4.249 cơ sở. Trong dịp Tết Quý Mão và mùa lễ hội xuân 2023, toàn tỉnh tổ chức 129 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP (3 đoàn tuyến tỉnh, 8 đoàn tuyến huyện và 118 đoàn tuyến xã).
Kết quả kiểm tra cho thấy, có 246/292 cơ sở đạt về ATTP, tỷ lệ 84,24%; 46 cơ sở có vi phạm, chiếm tỷ lệ 15,75%. Trong 46 cơ sở vi phạm, có 1/3 cơ sở sản xuất thực phẩm, 7/80 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 7/50 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 31/159 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Trong đó, có 10/46 cơ sở bị phạt với số tiền 116,8 triệu đồng, 35 cơ sở bị nhắc nhở và 1 cơ sở kinh doanh thực phẩm buộc tiêu hủy. Các hành vi vi phạm chủ yếu: kinh doanh dịch vụ ăn uống nhưng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP; không đảm bảo ngăn ngừa nhiễm chéo, không thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước theo quy định, không thực hiện tự công bố sản phẩm; vi phạm về điều kiện bảo quản thực phẩm; một số cơ sở không đảm bảo khám sức khỏe định kỳ…
Cũng qua công tác kiểm tra cho thấy còn nhiều nguy cơ và mối lo cũ về ATTP. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh phần lớn là quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, quầy buôn bán ở chợ… nên gặp nhiều khó khăn trong việc chấp hành các quy định về ATTP; thực phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc còn phổ biến; thức ăn đường phố thực hiện chưa tốt các quy định về đảm bảo ATTP; việc tiếp cận thông tin pháp luật về ATTP chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến xử lý vi phạm triệt để của cơ quan chức năng.
Mục tiêu cụ thể của kế hoạch triển khai công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2023 là số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trên 30 người mắc nhỏ hơn 2 vụ; tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính trong vụ ngộ độc được ghi nhận dưới 7 người/100.000 dân; 90% người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng được cập nhật kiến thức về ATTP; 90% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đảm bảo điều kiện ATTP; tỷ lệ mẫu vượt mức cho phép/tổng số mẫu được kiểm tra ATTP trong các chương trình giám sát về ATTP nông sản dưới 6% và tỷ lệ mẫu vượt mức cho phép/tổng số mẫu được kiểm tra ATTP trong các chương trình giám sát về ATTP thủy sản dưới 4%... Về hậu kiểm, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP từ tỉnh đến cơ sở, thông qua hoạt động hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; triển khai hoạt động hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm; kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập, phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng…
Để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, tránh nguy cơ mất ATTP, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Quảng Nam đề xuất các bộ ngành sớm ban hành văn bản thay thế Quyết định số 46/2007 ngày 19-12-2007 của Bộ Y tế quy định tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm để áp dụng trong quá trình kiểm tra chất lượng đối với những nhóm thực phẩm không có quy chuẩn chất lượng. Đối với tuyến huyện, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATTP; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc tuyến xã trong công tác quản lý ATTP; tăng cường chỉ đạo tuyến, xây dựng cơ sở dữ liệu cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm để phục vụ quản lý ATTP. Cạnh đó, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin địa chúng và thông quan hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là việc kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả không đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP.
Thạch Hà