Anh, Mỹ công bố kế hoạch cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Australia

Thứ tư, 15/03/2023 08:17
Ngày 14-3, tại căn cứ hải quân Point Loma ở thành phố San Diego (Mỹ), Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cùng công bố thỏa thuận trang bị tàu ngầm hạt nhân cho Australia (thỏa thuận AUKUS) với sự tham gia của cả ba nước.

Tiến trình thực hiện thỏa thuận

Thủ tướng Albanese, Tổng thống Biden và Thủ tướng Sunak (từ trái qua) trong lễ công bố thỏa thuận ở San Diego (Mỹ), hôm 13-3.
Thủ tướng Albanese, Tổng thống Biden và Thủ tướng Sunak (từ trái qua) trong lễ công bố thỏa thuận ở San Diego (Mỹ), hôm 13-3.

Theo thỏa thuận, trong 3 thập kỷ tới, Australia sẽ chi 368 tỷ AUD để trang bị hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Financial Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết giai đoạn đầu của dự án, Hải quân Mỹ sẽ triển khai 4 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia đến Perth, Australia, bắt đầu từ năm 2027 trong khi Anh sẽ gửi một tàu ngầm lớp Astute sau đó vài năm. Theo một quan chức Mỹ, 3 thủy thủ Australia đã được đào tạo tại Mỹ và 2 người khác được đào tạo ở Anh. Khi Australia đã phát triển được đội ngũ thủy thủ, Mỹ sẽ bán cho Australia từ 3 đến 5 tàu ngầm lớp Virginia, bao gồm tàu mới và tàu tân trang. Đợt mua sắm đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2032.

Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo nêu rõ trong dự án nhiều giai đoạn này, năng lực chế tạo của Anh và Australia được phát huy tối đa để tạo ra một tàu ngầm lớp mới - SSN-AUKUS - dựa trên thiết kế tàu thế hệ tiếp theo của Anh, được đóng tại Anh và Australia kết hợp với công nghệ tiên tiến của Mỹ. Tổng thống Biden nêu rõ tàu ngầm sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân và không được trang bị vũ khí hạt nhân.

Cả Australia và Anh sẽ cùng sản xuất tàu ngầm SSN-AUKUS tại mỗi quốc gia. Tàu ngầm tại Anh dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối những năm 2030 để cung cấp cho Hải quân Hoàng gia Anh. Còn tại Australia, tàu ngầm đầu tiên do nước này chế tạo sẽ được cung cấp cho Hải quân Hoàng gia Australia vào năm 2042. Và từ tàu thứ 2 đến tàu thứ 5 sẽ được hoàn thành trong giai đoạn từ năm 2045 đến 2054. Và từ năm 2057 khi tàu ngầm lớp Virginia hết hạn sử dụng thì cứ mỗi 3 năm, Australia lại sản xuất 1 tàu SSN-AUKUS. Trong trường hợp Australia cần mà chưa sản xuất kịp thì Anh sẽ cung cấp tàu ngầm SSN-AUKUS cho Australia.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia cho biết, nước này mua tàu ngầm lớp Virginia mua của Mỹ để lấp khoảng trống trong lúc tàu ngầm lớp Collins của nước này hết hạn sử dụng vào những năm 2030. Và đến khi tàu ngầm thế hệ mới SSN-AUKUS ra đời thì nhiều khả năng tàu này sẽ dần thay thế tàu ngầm Virginia.

Thỏa thuận mang nhiều ý nghĩa

Lễ công bố dự án kéo dài nhiều thập kỷ nhằm cung cấp cho Australia các tàu ngầm hạt nhân diễn ra sau 18 tháng đàm phán kể từ khi ba nước ký Hiệp ước an ninh ba bên AUKUS vào tháng 9-2021, thiết lập quan hệ hợp tác về một số công nghệ quân sự bí mật nhất của Mỹ. Australia muốn thay thế hạm đội tàu ngầm lớp Collins chạy diesel bằng các tàu sử dụng năng lượng hạt nhân, có khả năng tàng hình và di chuyển xa hơn. Mỹ và Anh sẽ giúp Australia thu hẹp khoảng cách khi các tàu ngầm lớp Collins ngừng hoạt động vào những năm 2030. Australia cũng sẽ đầu tư vào cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ và Anh, một động thái chưa từng có nhằm tăng cường năng lực sản xuất tại các nhà máy đóng tàu.

Phát biểu trong buổi lễ công bố, Tổng thống Mỹ Biden gọi thỏa thuận hợp tác AUKUS là một phần trong cam kết hướng đến một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Thủ tướng Anh Sunak đánh giá thỏa thuận AUKUS giữa Anh, Mỹ và Australia là "quan hệ đối tác quốc phòng đa phương quan trọng nhất trong nhiều thế hệ". Trong đó Thủ tướng Australia Albanese nhấn mạnh, AUKUS đánh dấu "một chương mới" trong mối quan hệ giữa 3 nước. "Thỏa thuận AUKUS mà chúng tôi công bố hôm nay ở San Diego là khoản đầu tư vào quốc phòng lớn nhất trong lịch sử của Australia", ông nói. Ông Albanese cho biết, thỏa thuận này phản ánh quyết tâm chung nhằm đảm bảo tất cả các quốc gia có thể hành động vì lợi ích chủ quyền của mình.

Trung Quốc chỉ trích

Bắc Kinh đã chỉ trích gay gắt kế hoạch mua tới 5 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân từ Mỹ của Canberra, cáo buộc Washington và London phớt lờ các nghĩa vụ với tư cách là cường quốc hạt nhân và thành viên của Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

"Tuyên bố chung mới nhất của Mỹ, Anh và Australia chứng minh rằng vì lợi ích địa chính trị của mình, ba nước hoàn toàn coi thường những lo ngại của cộng đồng quốc tế và ngày càng tiến xa hơn vào con đường sai lầm, nguy hiểm", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh. Tại cuộc họp báo, ông Uông cáo buộc Mỹ, Anh và Australia kích động chạy đua vũ trang và thỏa thuận AUKUS là "ví dụ điển hình của tâm lý Chiến tranh Lạnh". Theo ông, việc bán tàu ngầm "gây nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân nghiêm trọng và vi phạm các mục đích, mục tiêu của NPT".

Trong khi đó, tuyên bố đăng trên Twitter ngày 14-3, phái đoàn ngoại giao của Trung Quốc tại Liên hợp quốc cho biết: "Kế hoạch hợp tác tàu ngầm hạt nhân là hành động trắng trợn, có thể tạo ra nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân nghiêm trọng, làm suy yếu hệ thống chống phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, châm ngòi cho các cuộc chạy đua vũ trang, gây tổn hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực".

AN BÌNH