Áp lực từ HLV Miura

Thứ bảy, 28/02/2015 10:18

(Cadn.com.vn) - Những đòi hỏi rất khắt khe trong giáo án huấn luyện của nhà cầm quân Toshiya Miura đang tạo ra áp lực khủng khiếp lên các cầu thủ U23 Việt Nam, lẫn các trợ lý. Tuy nhiên, đó là áp lực cần thiết để giúp ĐT U23 Việt Nam, xa hơn là ĐTQG tốt lên. 

Áp lực lên cầu thủ

Với HLV Miura, ngoài sự khắt khe về kỹ, chiến thuật thì ông còn đòi hỏi rất cao về nền tảng thể lực của cầu thủ. Bởi triết lý của nhà cầm quân người Nhật Bản là bóng đá nhanh, ít chạm và luôn hướng tìm con đường ngắn nhất đến khung thành đối phương. Chính vì thế, những buổi tập gần đây của U23 Việt Nam, nhiều cầu thủ tỏ ra méo mặt vì giáo án của HLV Miura.

Trong số những cầu thủ được gọi tập trung lần này, giới chuyên môn và người hâm mộ đặc biệt quan tâm đến 9 cầu thủ HA.GL. Bởi vì họ được đào tạo bài bản, nền tảng kỹ thuật tốt và khả năng thích nghi với môi trường mới cao. Tuy nhiên, cầu thủ được ví như “người không phổi” ở HA.GL là tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh đã thừa nhận giáo án mà HLV Miura đề ra có cường độ rất cao. Đồng đội của Tuấn Anh là Lương Xuân Trường thì chia sẻ anh đã học được nhiều tính cách chuyên nghiệp của HLV Miura. Ngoài ra, Xuân Trường cho rằng HLV Miura rất khắt khe và đặt ra những yêu cầu cao hơn về khối lượng cũng như cường độ trong các buổi tập. 

Không chỉ có Tuấn Anh, Xuân Trường, nhiều cầu thủ khác cũng có chia sẻ về sự khắt khe, nghiêm khắc của HLV Miura. Qua thời gian gắn bó với bóng đá Việt Nam, HLV Miura đã cho thấy một phong cách làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và tận tụy theo đúng phẩm chất người Nhật. Tất nhiên, năng lực của nhà cầm quân này cũng được khẳng định qua hai giải đấu là Asiad và AFF Cup. So với các đời HLV trước, ông Miura đã cho thấy sự khác biệt trong giáo án của mình. Đã có một sự thay đổi lớn từ tư duy chơi bóng, nhãn quan chiến thuật cho đến nền tảng thể lực nơi các tuyển thủ Việt Nam khi “qua tay” ông Miura. Và tất nhiên, để có được điều đó thì áp lực mà ông Miura tạo ra cho các học trò cũng không nhỏ.

Rõ ràng, để được trụ lại trong danh sách rút gọn của U23 Việt Nam sắp tới, 30 cầu thủ cần phải nỗ lực lớn để vượt qua “áp lực” từ ông thầy Miura.

HLV Miura luôn yêu cầu khắt khe trong các buổi tập của U23 Việt Nam.  

Áp lực lên các trợ lý

Đợt tập trung U23 Việt Nam hiện nay, HLV Miura có 3 “phó tướng” là Lê Tuấn Long, Trần Công Minh và Nguyễn Quốc Tuấn (HA.GL). Trợ lý ngôn ngữ là Nguyễn Tuấn Vinh (An Giang).

 Trong buổi tập sáng 25-2, HLV Miura từng nổi cáu với trợ lý ngôn ngữ Nguyễn Tuấn Vinh. Lý do, trợ lý ngôn ngữ này chưa hiểu cách làm việc của HLV Miura nên đã đặt sai vị trí điểm mốc. Câu chuyện ấy tưởng chừng rất nhỏ nhưng đã thể hiện được sự “khó tính” của nhà cầm quân người Nhật. Chính vì thế, các trợ lý buộc phải nhanh chóng hoàn thiện mình mới mong đáp ứng được yêu cầu chuyên môn của HLV Miura.

 Ngoài giáo án huấn luyện, một khác biệt nữa của ông Miura là tính kỷ luật và sự thẳng thắn. Ví dụ chuyện ông “thiết quân luật” với giới truyền thông, sẵn sàng chia sẻ những suy nghĩ thật của mình về bóng đá Việt Nam, hay cách chọn quân dựa vào đánh giá năng lực chuyên môn chứ không bị chi phối bởi nhiều yếu tố bên lề. Nói vậy để thấy, sự am hiểu về bóng đá Việt Nam của ông Miura đủ nhiều để hiểu và đọc vị được các cầu thủ, trợ lý. 

 Thế nên, các phó tướng cho ông Miura cần phải hoàn thiện, thích nghi với phong cách làm việc chuyên nghiệp. Đặc biệt, họ phải có những cầu kiến, dám phản biện để cùng ông Miura tìm ra những phương án tốt nhất. Còn nếu ngược lại, các phó tướng dễ ba phải, chỉ đâu đập đó, lên tuyển chỉ để xách bóng, làm cu ly thì hỏng.

Xem ra, áp lực mà HLV Miura tạo ra cũng không hề nhỏ lên các trợ lý!

Quang Hải