Bà Trương Mỹ Lan dựng SCB thành “mỏ đào tiền” rồi đến “hố đen” nợ xấu như thế nào?

Thứ bảy, 16/03/2024 08:30
Ngược lại thời điểm năm 2011, thời điểm đó, Chính phủ chủ trương sáp nhập, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém; trong đó 3 ngân hàng: SCB (cũ), Việt Nam Tín Nghĩa và Đệ Nhất đang bị mất thanh khoản do quản trị thiếu hiệu quả nên tự nguyện hợp nhất. Lúc này, bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) là bà chủ đứng sau Ngân hàng SCB (cũ) và Việt Nam Tín Nghĩa, quyết định thu gom hết cổ phần của Ngân hàng Đệ Nhất.
SCB cho rằng bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm gây thiệt hại cho ngân hàng lên đến 760.279 tỷ đồng.
SCB cho rằng bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm gây thiệt hại cho ngân hàng lên đến 760.279 tỷ đồng.

Dựng dậy 3 ngân hàng “xác sống”

Đến ngày 1-1-2012, SCB sau khi hợp nhất đã trở thành ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất, chỉ đứng sau 4 ngân hàng vốn nhà nước, gồm: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank.

Khai báo tại tòa về hoàn cảnh khi hợp nhất SCB trong bối cảnh 3 ngân hàng đang bị rút tiền, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết, nhà nước vận động nhiều doanh nghiệp nhưng không ai dám vào. Cũng theo bị cáo Lan trình bày trước tòa, thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị bị cáo cố gắng mua được 65% để ổn định ngân hàng, kêu gọi đối tác, cho mượn tài sản. Do đó, bị cáo thấy trách nhiệm của mình cũng chỉ cho mượn tài sản tìm kiếm đối tác nên đồng ý.

Theo đó, bị cáo Trương Mỹ Lan đã cho mượn khách sạn Windsor trị giá hơn 1 tỷ đô, dùng hết toàn bộ tài sản gia đình để thực hiện tái cơ cấu, tài sản cá nhân không đủ, bị cáo Lan phải nhờ sự trợ giúp của bạn bè với niềm tin có thể giúp SCB thực hiện tái cơ cấu. Cũng theo bị cáo Lan, lúc đó do quá hỗn loạn nên các bạn bè của bị cáo ai có thể đứng tên được đều đứng tên cổ đông cho SCB. “Để cứu SCB thì phải có nhà đầu tư, nhà đầu tư thì phải có ngân hàng bảo đảm nên bị cáo phải nhận mình là cổ đông của SCB để có sự tin tưởng. Những tài sản bị cáo đưa vào rút ra chỉ là nhằm tái cơ cấu SCB”, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày.

Như cáo trạng đã nêu, sau sáp nhập SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng thân tín và thuê người đứng tên để thu gom 86% cổ phần SCB. Đến năm 2018, tỷ lệ trên nâng lên 91%, đồng nghĩa việc bị cáo Lan chi phối mọi hoạt động của ngân hàng. Bằng thủ đoạn lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân, bà Lan đã vay tổng cộng hơn 1.000.000 tỷ đồng của SCB, gấp 100 lần vốn điều lệ của ngân hàng khi mới sáp nhập là 10.584 tỷ đồng.

“Hố đen” nợ xấu

Trong vụ án này, Ngân hàng SCB tham gia phiên tòa với 2 tư cách: là bị hại đối với hành vi: “Tham ô tài sản” và là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hành vi: “Vi phạm quy định về ngân hàng” của bị cáo Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm.

Khi được HĐXX hỏi, đại diện Ngân hàng SCB cho rằng việc xác định thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra cho SCB hiện chưa chính xác. Theo phía SCB, mức thiệt hại do bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm gây ra lên đến 760.279 tỷ đồng. Cụ thể, SCB xác nhận tổng số tiền thiệt hại thực tế (tính đến ngày 17/10/2022) là: 677.286 tỷ đồng nhưng không đồng ý với số tiền thiệt hại là 498.091 tỷ đồng như cáo trạng đã nêu. Theo SCB xác định thiệt hại tạm tính đến ngày 5-3-2024 là 760.279 tỷ đồng, trong đó gốc là 482.449 tỷ đồng, lãi/phí là 277.830 tỷ đồng.

Đại diện SCB cũng đề nghị bổ sung khoản tiền lãi/phí phát sinh tính từ ngày 18-10-2022 cho đến khi khắc phục được toàn bộ thiệt hại cho Ngân hàng SCB. Trước đó, cơ quan điều tra chỉ mới tính tiền nợ lãi/phí phát sinh tạm tính đến ngày 17-10-2022 với tổng số tiền là hơn 193.315 tỷ đồng. SCB đề nghị HĐXX tính thêm số tiền lãi/phí phát sinh tạm tính kể từ ngày 18-10-2022 cho đến ngày 5-3-2024 là 84.515 tỷ đồng. Số tiền lãi/phí này tiếp tục phát sinh cho đến khi SCB thực tế thu hồi được nợ.

Liên quan đến các tài sản đã được cáo trạng xác định là “vật chứng của vụ án” và các tài sản khác có liên quan đã được Cơ quan điều tra kê biên, phong tỏa, thu giữ nêu trong kết luận điều tra đối với vật chứng là những tài sản bảo đảm (1.166 mã tài sản đảm bảo), SCB đề nghị HĐXX giao cho SCB toàn quyền quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý. Đối với vật chứng là những tài sản đã được cơ quan điều tra kê biên, phong tỏa, thu giữ, SCB đề nghị HĐXX tuyên trả lại, bồi thường cho SCB tất cả những vật chứng nêu trên ngay trong quá trình xét xử theo đúng quy định pháp luật và giao cho SCB toàn quyền quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý đối với các vật chứng này. Đối với những tài sản bị hoán đổi và xuất ra khỏi hệ thống quản lý của SCB, phía ngân hàng đề nghị HĐXX có biện pháp quyết định thu hồi 240 tài sản hoán đổi nói trên và các tài sản khác được hoán đổi (nếu có cơ sở xác định) để giao lại cho SCB quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý để thu hồi nợ, khắc phục thiệt hại.

Bên cạnh đó, SCB đề nghị HĐXX tiếp tục áp dụng các biện pháp truy tìm và kê biên, phong tỏa tài sản thuộc sở hữu của bà Trương Mỹ Lan, hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, những đồng phạm của bà Trương Mỹ Lan và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan giao cho SCB để khắc phục thiệt hại.

T.H