Bác Hồ trong ký ức những thiếu niên dũng sĩ năm xưa
Các thành viên đội thiếu niên dũng sĩ diệt Mỹ được Bác và Trung ương thành lập trên đường tập trung ra Bắc thăm lại chốn cũ, trường xưa đã có buổi gặp gỡ xúc động tại Đà Nẵng. Ký ức thiêng liêng nhất của họ là những lần gặp Bác. Chuyện bữa ăn cơm với Bác đón tết năm 1969 được các cựu dũng sĩ kể lại đầy bất ngờ và thú vị.
Bác Hồ và các dũng sĩ miền Nam tiếp đoàn đại biểu Cuba năm 1969. Ảnh T.L |
"Bác chỉ có một dĩa cà"
Trong mắt các dũng sĩ thiếu niên, Bác Hồ không chỉ hiền từ, thương yêu các cháu hết mực mà còn là người rất hóm hỉnh và tinh tế. Dũng sĩ Nguyễn Trung Thành, quê Triệu Phong, Quảng Trị hiện đang ở tỉnh Đồng Nai vẫn nhớ như in ngày được gặp Bác: "Ngày 13-2-1969, tôi đang đi kể chuyện đánh Mỹ ở máy thuốc lá Thăng Long thì được gọi về để đi gặp Bác Hồ. Khỏi phải nói tôi xúc động như thế nào. Cùng với tôi còn có 9 bạn khác tuổi từ 13 đến 15, 16. Hầu hết họ đã được gặp Bác nhiều lần nên đến nơi Bác đều nhớ tên. Chỉ có tôi lần đầu được gặp nên rất run. Nhưng rồi cảm giác ấy nhanh chóng qua đi trong tình thương bao la của Bác". Ông Thành vẫn nhớ như in bữa cơm chiều đón tết hôm đó. Bác bảo: "Nhà Bác nghèo, có gì ăn nấy, các cháu cứ ăn cho no nhé". Bữa ăn này với các cậu bé miền Nam đã là đại tiệc. Bánh chưng, giò chả, dưa hành của ngày tết và nhiều món khác. Đặc biệt còn có một dĩa cà pháo, thức ăn ưa thích của Bác. Như một phản xạ tự nhiên, các dũng sĩ tí hon ngại gắp món ngon đầu tiên mà tập trung vào dĩa cà. Bác để các cháu ăn xong mới mỉm cười: "Nhà Bác chỉ có một dĩa cà thôi đấy. Muốn cũng không có nữa. Vậy thì bây giờ mình ăn thịt chả nhé. Các cháu đã đánh giặc giỏi rồi, bây giờ ra đây chỉ có ăn và học. Ăn thật no, học thật giỏi, Ăn không no là khuyết điểm của Bác, còn học không giỏi là lỗi của các cháu". Bác vừa nói vừa gắp một lượt món ngon cho những đứa cháu yêu...
Gương mặt khắc khổ của người CCB như giãn ra khi nhớ về khoảnh khắc ấy: "Tôi ngồi đối điện, được Bác gắp cho nhiều nhất. Bác ăn rất ít và nhìn từng cháu ăn ngon lành. Chúng tôi còn nhớ sau khi chỉ thị thành lập Đội thiếu niên dũng sĩ miền Nam và được tổ chức học riêng ở Nam Sách, Hải Dương, Bác chưa cho các cháu đi học ngay mà giao các bệnh viện chữa bệnh và bồi dưỡng thể chất. Cháu nào lên cân, Bác đều nắm được. Chúng tôi luôn tự hỏi, Bác nhiều việc thế mà sao vẫn nhớ đến từng cháu nhỏ miền Nam". CCB Hồ Ngọc Biên ở Tiên Phước, Quảng Nam quay sang với các đồng đội của mình: "Có ai quan sát hôm đó Bác uống nước gì không? Giờ nghĩ lại mới thấy Bác tinh tế mà hóm hỉnh quá". Theo các cựu dũng sĩ, hôm đó thấy chú Vũ Kỳ mang ra cho Bác một ly nước màu vàng nhạt trên có nắp, các cháu tò mò nhìn. Trong mắt những đứa trẻ, ly nước ấy chắc đặc biệt lắm. Thấy sự khác thường của các cháu, Bác hỏi chú Vũ Kỳ, thư ký: "Sao Bác uống nước khác các cháu thiếu nhi thế". Chú Kỳ trả lời: "Dạ Bác mệt nên phải uống nước thuốc ạ". - "Vậy là thuốc à!" Bác khẳng định để các cháu không còn tập trung vào ly nước nữa. Ông Biên cười khi nhớ chuyện xưa: "Chúng tôi dù là dũng sĩ, đánh giặc gan lì nhưng cũng chỉ là đứa trẻ. Bác hiểu hết nên hành xử rất khéo".
Các cựu dũng sĩ từng gặp Bác Hồ, từ trái qua: Nguyễn Trung Thành (Quảng Trị), Võ Phổ (Đà Nẵng), Hồ Quảng Thu (Quảng Nam). Ảnh: H.V |
Chuyện về đôi giày săng - đan
Lớn tuổi nhất và nhớ nhiều nhất về kỷ niệm với Bác có lẽ là nhà giáo Võ Phổ. Ông quê Hòa Liên, Hòa Vang, 12 lần được phong dũng sĩ diệt Mỹ với 70 trận đánh tham gia. Sau giải phóng, ông giảng dạy bộ môn lý luận chính trị Trường Đại học Bách khoa TPHCM, thường xuyên kể chuyện về Bác Hồ với các sinh viên nên các kỷ niệm với Bác luôn tươi mới trong ông. Trong đó có chuyện về đôi giày săng - đan của đoàn đại biểu Cuba tặng Bác khiến cho ông suy ngẫm về cách ứng xử tinh tế của Người.
Ông Võ Phổ kể: "Bác gọi chúng tôi vào ăn bữa cơm đón Tết cũng là để gặp gỡ với đoàn Cuba. Ngay khi mới vào, bác đã chỉ trên bản đồ về vị trí đất nước bạn và người anh hùng dân tộc José Marti (Hô-xê Mácti) nên khi gặp đoàn chúng tôi không còn bỡ ngỡ. Hôm đó, bà Menba Hécnanđê, Chủ tịch Ủy ban Cuba đoàn kết với Việt Nam lấy trong túi xách ra một đôi giày săng - đan màu vàng rất đẹp và nói rằng của đồng chí Fidel Castro trân trọng tặng Bác. Người phiên dịch nói: "Đây là đôi giày làm từ da con bò già nhất đã chết ở Cuba". Bác cười: "Để Bác dịch cho: Đây là con bò có năng suất sữa cao nhất Cuba mới đúng". Bác quay sang hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha với bà Menba Hécnanđê và bà gật đầu. Bác giơ chân lên cho đoàn thấy đôi dép cao su của Bác và nói: "Đôi săng - đan này sang quá. Nhưng đôi dép cao su của Bác thì có thể lội suối, băng rừng không hư". Một cách từ chối rất khéo của Bác mà không phiến bạn phật lòng. Sau này, các cháu gặp lại, chưa thấy Bác mang đôi giày da bò bao giờ.
Ông Võ Phổ còn kể chuyện hôm đó, đội dũng sĩ đã có một bữa ở thật lâu bên Bác. Các phóng viên chụp ảnh rất nhiều, mọi góc độ. Một chú sợ Bác mệt nên ý kiến: "Sao chụp nhiều thế?" Bác nói: "Cứ chụp càng nhiều càng tốt, làm kỷ niệm cho các cháu. Mấy chú ấy vác máy ra ngoài công viên chụp các cô gái đẹp mới ngại". Tất cả cùng cười bởi sự hóm hỉnh của Bác. Sau khi các cháu về, Bác đều cho rửa ảnh có đóng dấu phía sau để tặng các cháu. Nhiều dũng sĩ đã giữ tấm ảnh ấy đến tận bây giờ...
Gần 50 năm ngày Bác đi xa, vậy mà bây giờ các thành viên đội thiếu niên dũng sĩ năm xưa vẫn như thấy Bác gần gũi bên mình. Những ngày tuyệt vời bên Bác là kỷ niệm vô giá để họ không ngừng trưởng thành, sống có ích, truyền "lửa" cho thế hệ sau này.
HỒNG VÂN