“Bác tài” tiếp tay cho nhóm “sửu nhi” lừa đảo qua mạng

Thứ năm, 23/12/2021 07:49

Ngày 22-12, TAND tỉnh Quảng Trị cho hay, qua xét xử phúc thẩm đã chấp nhận phần kháng nghị của VKS đồng cấp, tăng hình phạt đối với bị cáo Lê Cảnh Trọng (2000, trú H. Triệu Phong, Quảng Trị; nghề nghiệp: tài xế) về tội: “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông phương tiện điện tử, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Liên quan đến nội dung vụ án, Trọng có vai trò giúp sức, tiếp tay cho nhóm đối tượng vị thành niên thực hiện các thủ đoạn lừa đảo đầy tinh vi.

Trọng đứng ở bục bị cáo nghe TAND tỉnh Quảng Trị tuyên án.

Theo bản án sơ thẩm do TAND H. Triệu Phong tuyên trước đó, đứng chung vụ án với Trọng là Hoàng H.Ph. (2004), Trần Đ.H. (2004), Trương V.C.C (2004) và Trần Minh Đức (2000, đều trú H. Triệu Phong). Tại thời điểm thực hiện hành vi lừa đảo, Ph., H. và C. đều đang là học sinh. Trọng và Đức với vai trò giúp sức. Qua điều tra, xét xử, các bị cáo đã thành khẩn, thừa nhận hành vi phạm tội.

Cụ thể, H., Ph. và C. biết được một địa chỉ website cho phép người dùng truy cập bằng tài khoản gmail, sau đó đăng ký để thiết lập website cho riêng mình, có thể thêm vào mục “liên hệ” có các ô trống mà người khác nhập thông tin thì toàn bộ nội dung sẽ được gửi về gmail. Chính vì vậy, nhóm bộ 3 này đã nảy sinh ý định thu thập thông tin tài khoản ngân hàng trực tuyến của người khác để chiếm đoạt tài sản.

H. và Ph. đã nhờ một người không quen biết mở giúp tài khoản, sau đó thiết lập website có địa chỉ “chuyentienquocte24h…” và “nhantienbanking world..”. Tại trang web này, có mục ô trống các thông tin gồm Tên đăng nhập Banking của chủ tài khoản (số điện thoại), mật khẩu, mã OTP. Xong bước 1, H., Ph. và C. dùng facebook giả tin nhắn vờ hỏi mua hàng và xin số tài khoản để thanh toán.

Sau khi thỏa thuận xong về giá cả các mặt hàng, nhóm trên dùng ĐTDĐ hoặc facebook nhắn vào số điện thoại hoặc facebook của các bị hại nội dung: “Tài khoản số… đã được cộng vào số tiền và gửi cùng trang web, có nội dung quý khách vui lòng xác nhận đúng thông tin tại đây”. Khi các bị hại nhấp vào đường link và điền các thông tin thì nội dung tự động chuyển về gmail. Ngay lập tức, H., Ph. và C. truy cập vào tài khoản ngân hàng của bị hại, thực hiện thao tác mua thẻ game hoặc chuyển qua tài khoản của các đại lý game online. Khi chiếm quyền truy cập và thực hiện lệnh chuyển tiền thì ngân hàng sẽ gửi mã OTP về chủ tài khoản (bị hại), các đối tượng yêu cầu cung cấp mã OTP để tiền được chuyển ngay. Tổng cộng đã có 11 bị hại dính bẫy lừa một cách tinh vi từ nhóm “sửu nhi” nói trên trong vòng 3 tháng cuối năm 2020.

Vụ thứ nhất, vào ngày 21-9-2020, Ph. sử dụng facebook vào hội nhóm rao vặt đặt mua 2 tạ cam trên tài khoản của chị Lê Anh (1996, trú Nghệ An). Với thủ đoạn như trên, Ph. dễ dàng chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản ngân hàng Agribank của chị Anh thực hiện lệnh chuyển 8,9 triệu đồng sang đại lý game để mua thẻ.

Vụ thứ 2, vào ngày 24 – 11 – 2020, C., sử dụng tài khoản facebook cũng vào nhóm rao vặt thì thấy chị Thanh Huyền (1998, trú Hà Nội) đăng bán quần áo. C.  giả vờ đặt mua số tiền 650 ngàn đồng và cho biết đang ở Nhật nên không thể chuyển tiền bằng giao dịch thông thường, chỉ chuyển tiền thông qua hệ thống quốc tế.  C. đã gửi đường link “Chuyentienquocte24h…” của H. Sau khi đăng nhập theo hướng dẫn, thông tin tài khoản ngân hàng của chị Huyền đã về địa chỉ gmail của H., C. tiến hành truy cập, thực hiện lệnh chuyển tiền gồm 6.860.000 đồng sang 1 tài khoản đại lý thẻ game và trót lọt.

Vụ thứ 3, ngày 25-11-2020, Ph. nhắn tin mua 2 chiếc váy do chị Lệ Xuân (1998, trú Hưng Yên) rao bán trên mạng. Dùng thủ đoạn lừa đảo, Ph. đã chiếm đoạt 2.940.000 đồng trong tài khoản ngân hàng của chị Xuân, chuyển sang mua thẻ game.

Vụ thứ 4, vào ngày 1-12-2020, Ph., H. và C. về nhà Trọng. Biết bố mẹ Trọng vắng nhà nên Ph. đề nghị mượn địa điểm này để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Trọng đồng ý. Tại đây, Ph. vờ nhắn tin messenger mua váy với chị Vũ Thu An (1995, trú Ninh Bình). Ph. cũng gửi đường link “nhantienbanking World…”, yêu cầu chị An truy cập, đăng nhập theo hướng dẫn. Nhưng chị An không có tài khoản nên mượn nhờ tài khoản ngân hàng của chị gái là Ánh Vân và thực hiện theo hướng dẫn. Không lâu sau, tài khoản của chị Vân đã bị Ph. thực hiện chuyển tiền 18 triệu đồng đến tài khoản đại lý thẻ game. Quy đổi tiền mặt, đại lý trích 15% rồi chuyển vào tài khoản ngân hàng của Trọng cho Ph. mượn. Từ đây, Ph. lấy thẻ ATM đi rút tiền tiêu xài.

Liên tiếp sau đó, vào ngày 2 và 8-12-2020, Trọng cũng cho Ph. mượn tài khoản ngân hàng để thực hiện “bước cuối” chiếm đoạt 6,5 triệu đồng của chị Thu Trang (Hà Nội) và chị Bảo Hân (TP HCM) hơn 1,7 triệu đồng. Cùng ngày 8-12-2020, C. thực hiện thủ đoạn tương tự chiếm đoạt của chị Đoan Trang (1995, trú TP HCM) hơn 13 triệu đồng. Trong ngày 8-12-2020, Ph. tiếp tục lên mạng vờ mua áo khoác của chị Hà Phương (2002, trú Hà Nội). Tuy nhiên, khi chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng của chị Phương thì Ph. phát hiện tài khoản có đến 20 triệu đồng nhưng tài khoản này không đăng ký Banking, chỉ có thể chuyển khoản để mua card.

Nếu một mình mua thẻ card qua phần mềm trên điện thoại với số tiền lớn dễ bị bại lộ nên Ph. nhờ H., C., Trọng và Đức giúp sức. Theo đó, Đức đăng nhập vào ứng dụng để mua 10 thẻ card điện thoại, Trọng mua 18 thẻ, C. mua 10 thẻ đều mệnh giá 500 ngàn đồng/1 mã thẻ. Sau khi mọi người đăng nhập ứng dụng mua thẻ cho Ph. thì đối tượng H. gọi điện cho chị Phương giả danh nhân viên ngân hàng quốc tế để lấy mã OTP rồi đọc cho các đối tượng nhập vào ứng dụng mua card. Vụ này, Ph. chiếm đoạt của chị Phương hơn 18 triệu đồng. Sau khi bán mã số card, Ph. mượn tài khoản ngân hàng của Trọng để nhận tiền, rút bằng thẻ ATM.

Ngày 9-12-2020, Ph. chiếm đoạt của chị Tường Vi (Hà Nội) 19 triệu đồng. Trong vụ này, Trọng cũng giúp sức cho mượn tài khoản ngân hàng. Ở vụ thứ mười, cũng trong ngày 9-12-2020, C. chiếm đoạt của chị Minh Ngọc (Hà Nội) hơn 9 triệu đồng. Vụ thứ 11, vào ngày 10-12-2020, H. chiếm đoạt của chị Nguyễn Thị Nguyên (Đà Nẵng) số tiền 20 triệu đồng. Vụ này, Trọng cũng cho H. mượn tài khoản ngân hàng để chuyển tiền mặt sau quy đổi bằng thẻ game mua từ tiền chiếm đoạt.

Trong vụ án, riêng Ph. chiếm đoạt 7 bị hại với số tiền hơn 75 triệu đồng. Trọng giúp sức cho Ph. chiếm đoạt trong 4 vụ và giúp cho H. trong 1 vụ. Với hành vi phạm tội như trên, sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ, một số bị cáo phạm tội khi chưa thành niên, TAND H. Triệu Phong đã tuyên phạt Ph. 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; C. và H. mỗi bị cáo 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Đức 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Cùng với đó là thời gian thử thách theo quy định. Riêng Trọng, 9 tháng tù giam. Sau bản án sơ thẩm, VKSND tỉnh Quảng Trị đã kháng nghị cấp phúc thẩm xét xử theo hướng tăng hình phạt đối với Trọng và không cho Ph. được hưởng án treo. Tại thời điểm xét xử phúc thẩm, Ph. đã quay trở lại trường học.

Sau khi xem xét nội dung kháng nghị, cũng như đánh giá toàn diện vụ án, bản án sơ thẩm, TAND tỉnh Quảng Trị đã chấp nhận 1 phần kháng nghị, tăng hình phạt đối với Trọng từ 9 tháng tù lên 15 tháng tù. Tòa cũng tuyên y án sơ thẩm đối với Ph., 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Bảo Hà