Bài 1: Chữa lành những tổn thương môi trường
Huyện Hòa Vang có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng với sông suối, núi rừng, cánh đồng, thảm cỏ… chiếm gần 2/3 diện tích đất liền Đà Nẵng. Nơi đây cũng là lá phổi xanh của thành phố với hơn 58 ngàn ha rừng, là vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nguồn cung cấp nước chủ đạo cho thành phố.
Quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại Hòa Vang với hàng trăm công trình, dự án được triển khai, điều này đã tạo động lực để phát triển Hòa Vang, đồng thời mở ra cơ hội tăng quy mô kinh tế lẫn tầm vóc đô thị của Đà Nẵng, tương xứng với đô thị lớn của cả nước và khu vực. Tuy nhiên, việc phát triển "nóng" cũng để lại những "vết thương" cho môi trường sinh thái Hòa Vang cần sớm được chữa lành. Bên cạnh đó, cần tìm ra bản vẽ phù hợp để Hòa Vang phát triển bền vững, trở thành đô thị sinh thái, giàu bản sắc.
Những "vết thương" xót lòng
Hàng loạt mỏ đất, đá tại Hòa Vang được cấp phép, khai thác ồ ạt đã để lại những "vết thương" nham nhở. Các quả đồi núi xanh tươi bỗng bị cắt xẻ, gọt múc trở nên loang lổ. Đáng nói, nhiều mỏ đã hết hạn giấy phép khai thác từ lâu đến nay vẫn chưa thể hoàn thổ, phục hồi môi trường. Tại xã Hòa Nhơn, dù chỉ một thôn Phước Thuận-Phước Hậu nhưng đã có tới 10 mỏ khai khoáng, người dân luôn sống trong cảnh bụi bặm, ô nhiễm, thon thót nghe tiếng nổ mìn phá đá. Chưa kể, mỗi khi có mưa lớn, nước từ các hố khai thác đá chưa được hoàn thổ chảy thẳng ra ruộng vườn, gây bồi lấp, không thể sản xuất. Cũng vì vậy cánh đồng rộng hơn 130 ha của người dân phải bỏ hoang hàng chục năm nay.
Ông Tô Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho biết, thực tế hiện nay đất đồi núi, rừng trồng sản xuất, nông nghiệp có nguy cơ rơi vào khai thác quá mức. Bên cạnh đó, việc xây dựng các khu tái định cư phục vụ cho các dự án xây dựng đã thu hẹp dần các cánh đồng lúa, nhiều khu đất canh tác mất dần khả năng sản xuất nông nghiệp. Tương tự việc cải tạo các đồi núi phía tây để xây dựng các khu chức năng có qui mô lớn khiến cho các khoảng không gian tự nhiên hoang sơ dần bị thay đổi, môi trường tự nhiên ít nhiều bị phá hủy. Theo ông Hùng, Hòa Vang là nơi có mức độ đa dạng sinh học đặc biệt quan trọng với sự phát triển của Đà Nẵng, tuy nhiên các khu tái định cư xây dựng tràn lan, các tuyến giao thông chia cắt những khu rừng, mảng xanh, nhiều thôn xóm lâu đời đã bị xóa đi. Đây là con đường ngắn nhất cho sự xâm phạm môi sinh ở hệ sinh thái phía Tây thành phố. Cứ nhìn vào các khu tái định cư ở Hòa Liên với các lô đất trên dưới 100 m2 không mang lại giá trị gì cho sự phát triển, ngược lại đã tác động khiến nhiều ngôi làng lâu đời có giá trị sinh thái nhân văn giàu bản sắc mai một, mất đi. Các dự án tái định cư đã thay đổi hình thái không gian các thôn làng xã Hòa Liên, đánh mất chất lượng và giá trị của cảnh quan.
PGS TS Hoàng Ngọc Tuấn, Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên cho biết, do đặc điểm địa hình nên Hòa Vang chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai từ lũ lụt, hạn hán, sạt lở. Đặc biệt, tình trạng ngập lụt gần đây có nguyên nhân tác động của việc đầu tư phát triển các khu đô thị ven sông, các cầu, tuyến đường có cao độ mặt đường cao hơn nhiều so với địa hình tự nhiên, đảm bảo thoát lũ tự nhiên. Một số tuyến đoạn đường chắn ngang các tuyến thoát lũ trong khi hệ thống thoát nước chưa đảm bảo thoát lũ tự nhiên, làm cho sự phân bố dòng chảy thay đổi, đặc biệt ở vùng hạ lưu sông Vu Gia. Bên cạnh đó, khu vực miền núi phía Tây, Tây Bắc có địa chất phức tạp, độ dốc của các sườn núi khá lớn, khi xuất hiện mưa lớn kéo dài cùng với tác động của con người như bạt núi, mở đường, chặt phá rừng, khai thác khoáng sản…đã gây ra sạt lở đồi núi, sườn dốc nhiều nơi, như đường DT 604, 602, khu vực núi Sọ. Đơn cử cuối năm 2022, tại xã Hòa Sơn có 6 điểm sạt lở và lũ quét tại nghĩa trang thành phố (núi Hòa Khê), 1 điểm sạt lở tại nghĩa trang Hố Dầu (thôn An Ngãi Đông) đã làm bồi lấp hàng ngàn ngôi mộ.
"Thuốc" nào chữa lành?
Theo ông Tô Văn Hùng, việc cấp thiết hiện nay là thực hiện nghiêm túc công tác phục hồi môi trường các khu vực khai thác sau khi đóng cửa mỏ khoáng sản; trồng cây hình thành các thảm xanh cho các bờ ta luy của những tuyến đường mới. Song song với đó, phải giữ gìn đa dạng sinh học, duy trì hành lang xanh, mảng xanh và hồ điều tiết trong đô thị; nghiêm cấm mọi hoạt động có nguy cơ ô nhiễm sông suối, ao hồ tự nhiên.
PSG TS Hoàng Ngọc Tuấn cho rằng, Hòa Vang cần lập bản đồ vùng ngập thấp trũng, ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê để có phương án ứng phó chủ động; mở rộng hành lang thoát lũ trên các tuyến sông, suối; đầu tư mở rộng hệ thống ao hồ (Đồng Nghệ, Hòa Trung, Trước Đông, Hóc Khế, Diêu Phong…) đảm bảo tiêu thoát nước, cảnh quan môi trường, phát triển du lịch. Ngoài ra, cần triển khai các dự án chống sạt lở đất đá tại 31 điểm dọc đường giao thông, khu dân cư có nguy cơ sạt lở cao và rất cao như đường Nam Hải Vân, Bà Nà-Suối Mơ, Túy Loan-Dốc Kiền, DT 601, 602…
Theo Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn, các dự án giao thông nên nghiên cứu làm hệ thống cầu cạn để giải quyết vấn đề lớn là khan hiếm đất đắp và cát, ít tác động vào tự nhiên, không ngăn cản thoát lũ, không chia cắt cảnh quan, sinh kế người dân và giảm chi phí GPMB. Ông Tôn cho biết, việc đô thị hóa dẫn đến bê tông hóa (bê tông xi măng, nhựa) bịt kín bề mặt đất, nước mưa không tự thấm được, dẫn tới ngập úng. Vừa qua Hòa Vang đã sử dụng bê tông rỗng để làm vật liệu hoàn thiện vỉa hè, nền sân, đã phát huy hiệu quả, rất phù hợp cho mục tiêu phát triển bền vững. Đây được xem là giải pháp hiệu quả không gây tổn thương thêm cho môi trường.
(Còn nữa)
HẢI QUỲNH