Bài 1: Ký ức “chạy” lũ
Hơn một lần đến P. Hòa Xuân (Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng), và mỗi lần, chúng tôi lại tìm cho mình một hướng đi khác nhau. Nói để thấy, có rất nhiều sự lựa chọn khi muốn đến vùng đất này. Khác hẳn với 7 năm trước, muốn qua cầu Hòa Xuân phải xuống thuyền qua bến đò Xu hoặc vòng qua Cẩm Lệ. Lần này, chúng tôi thử tìm lại cảm giác qua sông như cái cách mà người dân nơi đây đã từng, nhưng tìm mãi mà dấu tích của bến đò Xu không còn hiện hữu. Hơi buồn, nhưng lại nghĩ bến đò Xu đã hoàn thành sứ mệnh của nó, bởi ngược lên chút nữa là cây cầu Hòa Xuân và nhiều cây cầu khác nối thẳng qua bờ bên kia...
Chị Tuyết trong ngôi nhà mới khang trang. Ảnh: D.Hùng |
Những ai đi xa, thường khi nhớ về nơi ở cũ, mà rộng hơn là quê xưa cũng luôn có cảm giác bâng khuâng, khó tả. Với người Hòa Xuân cũng vậy. Dễ hiểu thôi, bởi họ cũng đã từng phải rời quê để đến vùng đất mới, cũng luyến tiếc, bồi hồi khi phải xa mảnh đất mà cha ông đã nhiều đời gắn bó... Chỉ có điều, với họ, giữa quê cũ và quê mới chỉ cách nhau chừng non... cây số. Nói là quê cũ nhưng chẳng phải cách trở đò ngang, hay xa xôi vạn dặm, nếu muốn về thăm họ chỉ cần đếm vài bước chân là có mặt. Riêng với giáo dân giáo xứ Cồn Dầu, đều đặn mỗi tuần hoặc nhằm ngày Chúa nhật, họ đi lễ nhà thờ và đó cũng là lúc họ được trở về nơi đã từng sinh ra và lớn lên...
“Hồi ở dưới quê” có lẽ là câu cửa miệng mà hầu như khi hỏi ai, chúng tôi cũng nhận được trước khi họ trả lời vào câu hỏi chính. Nói để thấy, trong tâm thức, họ luôn có một góc nhỏ dành cho quê. Và mặc dù với họ, “hồi ở dưới quê”, ngoài chuyện đồng áng, hoa màu thì ấn tượng hơn cả là những đợt chạy lũ, chống chọi với ngập úng, cô lập, và đâu đó thấp thoáng những câu chuyện buồn... Gia đình chị Tạ Thị Thu Tuyết, hiện ở tổ 68 (mới), P.Hòa Xuân là một trong số những hộ dân từ tổ 23 thôn Cồn Dầu (cũ) tiên phong về nơi ở mới. Hơn 6 năm nay cuộc sống gia đình chị đã ổn định, nhà cửa khang trang, con cái học hành đến nơi đến chốn. Hỏi, giữa quê cũ và quê mới có gì khác, chị bảo, “hồi ở dưới quê”, chị buôn bán rau ở chợ, còn chồng làm thợ nề. Quanh năm lam lũ, đổ mồ hôi sôi nước mắt nhưng may lắm cũng chỉ đủ ăn. “Hồi ở quê, sợ nhất là mùa mưa lũ. Nước ngập trắng đồng, con em phải nghỉ học, người lớn chỉ biết ngồi bó gối nơi bậu cửa, thở vắn than dài”, chị Tuyết nhớ lại.
Cảnh ngập lụt triền miên của vùng đất Hòa Xuân. Ảnh: Đ.N |
“Thế còn hiện tại?”, chị cười: “Lúc mới chuyển về đây, do chưa quen với cuộc sống mới nên cũng gặp khó khăn chút ít. Ruộng vườn không còn, trở thành cư dân đô thị nên cũng phải tư duy theo lối khác, phải tìm cho mình sinh kế phù hợp với cuộc sống thị dân”. Đổi thay lớn nhất của gia đình chị có lẽ là ngôi nhà, và căn cơ hơn là công việc, sự học hành và tương lai của các con. Chị bảo, hồi dưới quê, chắt chiu dành dụm lắm cũng chỉ xây được căn nhà một tấm, so với hiện tại thì vẫn chưa bằng một nửa. Đó là chưa kể hồi đó ở nơi thấp, nên mùa mưa thường bị ngập lụt, đi lại khó khăn; còn bây giờ không còn chuyện lụt lội nữa, đi lại thông thoáng. Công việc của hai vợ chồng cũng thuận lợi hơn. Hiện chị Tuyết đang làm dịch vụ cho thuê bàn ghế, chén bát, thu nhập khá ổn định... 3 đứa con của chị có cơ hội học hành, giờ một đứa đã đi làm, một đang học đại học và đứa út lớp 10.
Vừa rời nhà chị Tuyết, tôi tình cờ gặp lại ông Đoàn Cảng (cùng trú tổ 68), người tôi hay trò chuyện trong những lần về Cồn Dầu, Hòa Xuân trước đó. Cũng như bao cư dân khác ở giáo xứ Cồn Dầu, gia đình ông gắn đời mình với ruộng vườn “từ hồi nào”. Ông kể, “hồi ở dưới quê”, gia đình có trên mẫu ruộng, hơn sào hoa màu. Nhưng cuộc sống thuần nông chẳng dư dả gì. “Hồi xưa ở dưới quê có cố gắng làm nhưng chưa chắc đã đủ ăn. Gặp mùa mưa bão, thất bát là hỏng. Thậm chí tích lũy cả mấy năm trời mua được bộ bàn ghế, cái tủ lạnh, đến khi lũ lụt kéo đến, nước ngập vào nhà, coi như mất trắng”, ông Cảng nhớ lại. Mất mát, hư hỏng tài sản, hoa màu do lũ lụt đã là chuyện buồn với người nông dân, nhưng mất đi cả tính mạng người thân vì lũ lụt thì nỗi đau ấy có lẽ không gì bù đắp nổi. Khi tôi gợi lại những câu chuyện buồn vì lũ lụt, gương mặt ông đượm buồn...
Ngày xưa, Hòa Xuân là vùng chiêm trũng (trong ảnh: Nhìn từ xa thôn Cồn Dầu được bao bọc bởi đồng ruộng thấp trũng, úng ngập). Ảnh: Đ.N |
Bao nhiêu trận lũ lịch sử, giáo xứ Cồn Dầu cùng các vùng khác như Lỗ Giáng, Trung Lương, Tùng Lâm, Cẩm Chánh và cả P. Hòa Xuân trở thành ốc đảo. Chỉ cần 2 ngày mưa là đã ngập trắng cả một vùng. Người dân nơi đây từng chứng kiến quá nhiều cảnh nước mắt hòa vào nước lụt khi mất hoa màu, trẻ em bị nước nhấn chìm; nhà có tang phải treo quan tài người chết lên giữa nhà chờ nước xuống mới đưa tang được... Cuộc sống thuần nông khó khăn, vất vả đã đành, đến lúc chết đi mà vẫn phải chịu điều cơ khổ. Đó phải chăng là nỗi bi ai lớn nhất mà cư dân vùng trũng này phải gánh chịu...
Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND Q. Cẩm Lệ, nhớ lại: “Hòa Xuân trước đây nằm ở vùng trũng thấp, chỉ cần một trận mưa lớn là nước bì bõm khắp vùng. Đã ở xa trung tâm thành phố, đi lại khó khăn nên phường y hệt một ốc đảo. Chẳng ai muốn vào đây kinh doanh, buôn bán, dân trong phường quanh năm sống nhờ trồng lúa, nuôi heo. Cuộc sống lam lũ và tẻ nhạt vô cùng”.
(còn nữa)
Ký sự: Doãn Nguyên Hưng