Bền bỉ, miệt mài trên hành trình vì bình yên cuộc sống

Bài 4: Nhiều giải pháp đấu tranh hiệu quả với tội phạm mạng

Thứ năm, 26/09/2024 07:00

Thời gian qua Công an TP Đà Nẵng đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp hiệu quả nhằm đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mạng. Nhiều vụ việc, đối tượng hoạt động phạm tội trên không gian mạng đã bị ngăn ngừa, triệt phá, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, giải tỏa lo lắng, bất an cho người dân.

Lực lượng an ninh mạng Công an TP Đà Nẵng đột nhập "bản doanh" nơi Lê Nguyễn Hải Nam thuê 8 đối tượng phát tán mã độc.
Các đối tượng trong "băng mũ rơm" ở Thanh Khê do Phạm B.L thuê phát tán hàng loạt đường link có khả năng đánh cắp thông tin của người khác đem bán.

Ngăn chặn nhiều vụ đánh cắp dữ liệu cá nhân

Thượng tá Nguyễn Đại Đồng- Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng trong những năm trở lại đây, tình hình tội phạm công nghệ cao có những diễn biến hết sức phức tạp, với tính chất nghiêm trọng, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng, số vụ việc, bị hại ngày càng tăng cao, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Nổi lên là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc và đánh bạc, tín dụng đen, tội phạm trong các lĩnh vực tài chính, viễn thông, tấn công mạng, mã hóa đánh cắp dữ liệu cá nhân, đặc biệt hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao có yếu tố nước ngoài. Đáng chú ý các loại tội phạm truyền thống như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cờ bạc, ma túy, mại dâm, tín dụng đen, mua bán vũ khí hiện đang có xu hướng chuyển dần sang môi trường mạng nơi mà chúng cho rằng sẽ khó bị phát hiện, truy vết và mang lại lợi nhuận cao với rủi ro thấp hơn.

Thiếu tá Nguyễn Kao Cường- Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (ANM) cho biết, trong thời gian qua đơn vị đã phối hợp với các lực lượng sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp, phương tiện, kỹ chiến thuật nhằm đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này trên địa bàn. Từ khi thành lập năm 2022 đến nay, đơn vị đã đấu tranh làm rõ hàng trăm vụ về tội phạm sử dụng công nghệ cao, xử lý nhiều đối tượng có hoạt động thu thập, mua bán tài khoản ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc và tổ chức đánh bạc, xâm phạm mạng máy tính viễn thông…

Điển hình đơn vị đã phá chuyên án, làm rõ 19 đối tượng liên quan trong đó có 16 nhân viên ngân hàng trên toàn quốc tham gia tra soát thông tin cá nhân khách hàng để bán lại cho các đối tượng khác phục vụ mục đích vi phạm pháp luật, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng. Đây cũng là vụ đầu tiên cả nước triệt phá hành vi tra soát thông tin cá nhân khách hàng tại ngân hàng để bán lại trên mạng. Phòng ANM cũng đã triệt phá 2 ổ nhóm và 11 đối tượng liên quan tới việc thu thập và mua bán dữ liệu cá nhân.

Các đối tượng cầm đầu gồm Nguyễn Văn Hiếu và Phan Văn Luân trú tại Thừa Thiên-Huế đã lợi dụng lỗ hổng bảo mật trong quy trình của ngân hàng thương mại, sử dụng sim rác đăng ký tài khoản ngân hàng điện tử sau đó bán lại cho các đối tượng ở Campuchia thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Qua vụ việc đã làm rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngăn chặn tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân tràn lan trên mạng, cảnh báo việc mở tài khoản online quá đơn giản của các ngân hàng thương mại. Đặc biệt, Phòng ANM đã triệt phá nhiều vụ phát tán mã độc nhằm chiếm quyền điều khiển các trang mạng xã hội cá nhân, rồi sử dụng vào mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác. Trong đó nổi lên là vụ án do Lê Nguyễn Hải Nam cầm đầu cùng 8 đối tượng khác thực hiện hành vi phát tán mã độc tới hàng ngàn tài khoản facebook để chiếm quyền điều khiển những tài khoản này.

Theo Thượng tá Nguyễn Đại Đồng, tội phạm sử dụng công nghệ cao có tính chất phức tạp, quy mô xuyên quốc gia, đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng chống hiện nay. Do đó, cần sự vào cuộc đồng bộ không chỉ của các lực lượng trong nước mà còn cả đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý, chế tài, cơ chế phối hợp giữa lực lượng thực thi pháp luật, giữa các cơ quan, ban ngành, đơn vị địa phương có liên quan còn đang tồn tại nhiều vướng mắc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm này. Ngoài ra, việc tăng cường năng lực, trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng đang là nhu cầu rất cấp thiết.

Lực lượng an ninh mạng Công an TP Đà Nẵng đột nhập "bản doanh" nơi Lê Nguyễn Hải Nam thuê 8 đối tượng phát tán mã độc.

Cần chung tay của cả cộng đồng

Thiếu tá Nguyễn Kao Cường cho biết, các đối tượng phạm tội trên không gian mạng thường có trình độ công nghệ thông tin nhất định, có nhiều thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi phạm tội như sử dụng tài khoản mạng xã hội ảo, tài khoản ngân hàng đăng ký online từ sim rác, dùng phần mềm thay đổi địa chỉ IP, thường xuyên thay đổi chỗ ở… vì vậy khi xác minh đối tượng phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, kết hợp trinh sát trên không gian mạng với thực tế. Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong và ngoài ngành công an như nhà mạng, ngân hàng, dịch vụ viễn thông, điện nước, nhằm thu thập nhanh chóng tài liệu, chứng cứ điện tử để đấu tranh làm rõ.

Trung tá Trần Ngọc Thành- Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự cho biết, hiện nay các đối tượng chuyển hướng từ gọi điện, nhắn tin lừa đảo sang các ứng dụng OTP, các App, mạng xã hội để tra cứu thông tin, tiếp xúc nạn nhân lừa đảo. Các ứng dụng này đa số do những công ty nước ngoài quản lý, hiện chưa có cơ chế phối hợp, do đó trong nhiều trường hợp không thể thu thập được thông tin có liên quan phục vụ đấu tranh. Bên cạnh đó, hiện nay thanh toán sử dụng tiền ảo ở nước ta chưa đưa vào quản lý, trong một số vụ việc khi truy vết dòng tiền, chứng cứ điện tử liên quan đến tiền ảo gặp nhiều khó khăn.

Trung tá Thành cho rằng, để đấu tranh hiệu quả với tội phạm lừa đảo qua mạng đang rất "nóng" hiện nay cần phải có giải pháp đồng bộ, chung tay của cả xã hội. Với nhà mạng viễn thông cần ngăn chặn tình trạng sim rác. Hiện sim không chính chủ, sim đã kích hoạt sẵn vẫn diễn ra, đối tượng sử dụng các sim này để đăng ký tài khoản mạng xã hội ảo, từ đó dùng lừa đảo qua mạng, che giấu mọi thông tin, dấu vết, rất khó truy xét.

Với các ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại cần kiểm soát chặt việc mở tài khoản, tránh việc mở tài khoản ngân hàng online quá dễ dàng, từ đó dẫn tới mua bán tài khoản tràn lan, đối tượng sử dụng vào việc "rửa tiền" lừa đảo. Đặc biệt, với các giao dịch tài chính bất thường cần cơ chế phối hợp chặt chẽ với Công an. Trung tá Thành kể có những vụ việc, khi tiến hành sao kê tài khoản để xác minh, thấy trong một ngày giao dịch mười mấy tỷ đồng, nhưng ngân hàng không cung cấp, phối hợp.

Đấu tranh với tội phạm mạng cần sự chung tay, phối hợp của nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là tinh thần cảnh giác của mỗi người dân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân, cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo mới. Vì thế, bên cạnh triển khai lực lượng, phương tiện, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mạng, Công an TP Đà Nẵng cũng triển khai nhiều giải pháp hiệu quả nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.

Nhóm phóng viên

Bài 1: Đà Nẵng không có “đất diễn” cho tội phạm hình sự

Vượt qua những khó khăn, thách thức của bối cảnh chung, lực lượng Công an TP Đà Nẵng đã bền bỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), góp phần xây dựng TP Đà Nẵng đáng sống và đáng đến.

Bài 2: Gian nan

Đến Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (CSMT) Công an TP Đà Nẵng, hiếm khi chúng tôi gặp mặt đông đủ. Ngoài giờ hành chính thực hiện công việc chuyên môn tại đơn vị, phần lớn thời gian còn lại các điều tra viên (ĐTV), trinh sát (T.S) đều bám địa bàn, thầm lặng trong

Bài 3: Dấu ấn đậm nét của lực lượng Cảnh sát kinh tế

Góp phần vào làm dày lên trang sử chiến công của Công an TP Đà Nẵng, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cảnh sát kinh tế) mưu trí, nỗ lực đấu tranh, triệt phá nhiều chuyên án phức tạp, thu hồi tài sản lớn cho Nhà nước và các đơn vị, cá nhân…