Bài học từ “Người thầy”

Thứ sáu, 07/04/2023 08:16
Vượt trên sự hiếu kỳ của độc giả về nghề tình báo, cuốn sách “Người thầy” thực sự là những bài học quý báu trong việc sử dụng người, phương pháp dạy học trò “làm sao cho nó giỏi hơn mình”... của ông Ba Quốc, tên thật là Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức, nhà tình báo tài ba của tình báo quốc phòng Việt Nam.
Bìa cuốn sách “Người thầy”.
Bìa cuốn sách “Người thầy”.

Nhắc đến “ông Ba Quốc” chắc hẳn bạn đọc chưa quên hình ảnh người cán bộ tình báo trong vệt bài của nhà báo Hoàng Hải Vân - Tấn Tú đăng trên báo Thanh Niên năm 2004, nhân vật chính trong các cuốn sách “Tình báo không phải là nghề của tôi” (Khuất Quang Thụy), “Ông tướng tình báo và hai bà vợ” (Nguyễn Trần Thiết). Tuy nhiên, đến cuốn sách “Người thầy” (Nhà xuất bản QĐND - 2023) của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thiếu tướng tình báo, Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin sâu hơn, đa chiều hơn.

Điều đó cũng dễ hiểu vì tác giả là người trong ngành, là người học trò gắn bó với ông Ba Quốc suốt 20 năm. Tâm nguyện của tác giả: “Cuốn sách này không chỉ nói về công lao của ông Ba Quốc mà nói về những trăn trở, hy sinh, những khó khăn phải vượt qua, về đạo đức, tình cảm của ông, đặc biệt là tình cảm vợ chồng, cha con, thầy trò… Những bài học về nghề, về người, về đời của ông để giúp cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ trong ngành tình báo tiếp thu trong quá trình trưởng thành”.

Sách của một vị tướng tình báo viết về một vị tướng tình báo, gợi mở ít nhiều về “nghề tình báo” mà bấy lâu chúng ta thường mặc định là một “nghề đóng kín”. Do đó, ngay khi mới xuất bản “Người thầy” đã tạo được sức hấp dẫn, gợi trí tò mò của người đọc. Vượt trên sự hiếu kỳ của độc giả về nghề tình báo, cuốn sách “Người thầy” thực sự là những bài học quý báu trong việc sử dụng người, phương pháp dạy học trò “làm sao cho nó giỏi hơn mình”… của ông Ba Quốc. Ở Campuchia, ông Ba tổ chức thành lập đội tình báo hành động được gọi là Đội Z. Nhiệm vụ chính của đội là phối hợp với bạn để phát hiện, đánh bắt, khai thác, xóa sổ các tổ chức, mạng lưới tình báo do Khơ-me Đỏ cài cắm. “Có thể nói mỗi thành viên Đội Z là một chiến sĩ gan dạ, thông minh, liều lĩnh và rất giỏi hành động độc lập. Với họ, trời không sợ, đất không sợ, rất đỗi ngang tàng, chỉ sợ mỗi ông Ba”. Sở dĩ ông Ba Quốc được cấp dưới phục tùng tuyệt đối bởi ông đã sử dụng đúng người, đúng việc và đối xử với họ hết sức nhân văn. Ông trăn trở khi cấp dưới cưới vợ có phạm nguyên tắc không, trực tiếp chỉ đạo xác minh lại để tạo điều kiện cho đồng đội xây dựng hạnh phúc gia đình.

Cuốn sách gồm 7 chương, sắp xếp theo trình tự thời gian từ khi tác giả bắt đầu làm việc với ông Ba Quốc (gọi tắt là ông Ba). Tuy nhiên, sách được mở đầu bằng buổi chia tay các nhà tình báo nổi tiếng: Phạm Xuân Ẩn (bí danh Hai Trung), Vũ Ngọc Nhạ (bí danh Hai Nhạ), Đặng Trần Đức (bí danh Ba Quốc), Nguyễn Văn Khiêm (bí danh Sáu Trí)… Qua đó, có thể thấy mặc dù không phải nhà văn nhưng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã “cài” sự kiện một cách khéo léo để gợi cho bạn đọc sự tò mò “trong này chắc có nhiều cái để đọc”. Phần lớn dung lượng cuốn sách viết về cuộc đời hoạt động của ông Ba Quốc, nhưng cũng có những phần nói về ông Hai Trung, ông Sáu Nam (nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh), ông Sáu Trí… Đối với nhân vật chính, người thầy của mình, tác giả khẳng định: “Tôi có một cơ may hiếm hoi trên đời là gặp được một người thầy kiệt xuất, vừa nghiêm khắc, vừa ân cần, dạy dỗ tôi nên người khi mới bước chân vào ngành tình báo”. Sự kính phục, biết ơn đã được tác giả lần lượt chia sẻ bằng những câu chuyện, dòng tâm sự của hai thầy trò khi cùng công tác tại Campuchia, đi dọc biên giới phía Bắc… Từ đó, bạn đọc sẽ hiểu sâu hơn về cuộc đời của Thiếu tướng, AHLLVTND Đặng Trần Đức từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giúp nước bạn Campuchia mà truyền thông chưa đề cập. Thực tế, quãng đời hoạt động cách mạng của ông Ba Quốc trong vùng địch hậu đã được báo chí, điện ảnh xây dựng. “Ở mỗi vị trí, ông đều bước giữa lằn ranh thành hay bại, giữa sự sống và cái chết”. Trong công tác tình báo, một điệp viên chui được vào Phủ tổng thống, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu của quân đội Sài Gòn, các cơ quan đầu não của đối phương... đã vô cùng hiếm hoi và quý giá. “Một điệp viên lại nằm đúng ở trong cơ quan tình báo địch để tham gia chỉ đạo lực lượng tình báo địch đánh ngược nội bộ ta, thì ở Việt Nam chỉ duy nhất ông Ba Quốc”. Do đó, ông Ba Quốc còn được gọi là “điệp viên nhị trùng”. Từ những thông tin ông cung cấp, ta đã bóc gỡ được mạng lưới tình báo do địch cài cắm ở miền Bắc, trong đó có cả một bí thư tỉnh ủy.

Giai đoạn sau năm 1975, ông Ba Quốc cũng có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, do đặc thù nghề nghiệp và nguyên tắc của ông nên ít người được biết. Đến “Người thầy”, tác giả đã hé mở nhiều “khoảng lặng” để bạn đọc hiểu thêm về công lao của Thiếu tướng, AHLLVTND Đặng Trần Đức. Năm 1977, khi ta đang xác định Khơ-me Đỏ là “bạn xấu” chứ chưa phải là kẻ thù, về nguyên tắc, tình báo là phải nắm địch chứ không được nắm bạn. Song với nhãn quan nhiều năm hoạt động trong lòng địch đồng thời được ông Lê Đức Thọ (Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương) “bật đèn xanh”, Trung tá Đặng Trần Đức đã cho bí mật điều tra, xây dựng lực lượng để tình báo ta nắm chắc đầu não Khơ-me Đỏ. Thời gian ông Ba Quốc hoạt động ở Campuchia dài, công lao của ông trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc được tác giả kể lại chi tiết trong tác phẩm “Người thầy”. Thông qua đó, người đọc có thể cảm nhận được hình ảnh một người chỉ huy tình báo tài năng, nhân hậu và độ lượng.

Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, tình hình Liên Xô và Đông Âu đã đứng bên bờ vực thẳm. Lúc này, mặc dù chưa nghiên cứu sâu về châu Âu nhưng ông Ba Quốc đã có được cái nhìn rất sáng, rất thực tiễn về những gì diễn ra ở Liên Xô và Đông Âu. Ông nói: “Không thể ngồi ở nhà mà đoán mò được, các cậu phải vươn ra ngoài nước. Đầu tiên phải sang Đông Âu, tới các nước đã “vỡ” để xem nó “vỡ” như thế nào? Vậy muốn tìm hiểu chuyện này phải sang Đức, Ba Lan trước, rồi từ đó ta sẽ tìm hiểu diễn biến ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa còn lại”. Sau đó, lực lượng tình báo quốc phòng đã tìm đường sang Đức, Ba Lan trong điều kiện chính trị rối ren để thu thập thông tin, nhận định tình hình góp phần giúp Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. Thực tế lịch sử đã chứng minh, hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ nhưng Việt Nam vẫn đứng vững và phát triển…

Sức hấp dẫn của cuốn sách còn là những câu chuyện tình báo ly kỳ khi thâm nhập ra nước ngoài. Có thể nói, đọc và ngẫm mới “thấm” được trong tầng sâu ngữ nghĩa sự hy sinh to lớn của người cán bộ tình báo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là bài học về sự biết ơn, đạo thầy trò mà cuốn sách muốn gửi tới bạn đọc hôm nay.

Nguyễn Sỹ Long