“Bài toán” hóc búa Myanmar

Thứ sáu, 05/03/2021 15:19

LHQ ngày 4-3 cho biết, ít nhất 38 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống đảo chính tại Myanmar trong ngày 3-3, ngày đẫm máu nhất kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu.  HĐBA LHQ dự kiến sẽ có cuộc họp vào hôm nay (5-3) để bàn về cuộc khủng hoảng chính trị đáng lo ngại ở Myanmar. 

Những người biểu tình đụng độ cảnh sát chống bạo động ở Yangon, Myanmar hôm 3-3.    Ảnh: AP

Theo BBC, lực lượng an ninh Myanmar nổ súng vào những người biểu tình phản đối đảo chính trên khắp Myanmar, 1 ngày sau khi các quốc gia ASEAN kêu gọi kiềm chế và đề nghị giúp Myanmar giải quyết cuộc khủng hoảng. Nhiều nhân chứng cho biết, cảnh sát và quân đội nổ súng mà không đưa ra lời cảnh báo nào. Các báo cáo từ Myanmar cho biết lực lượng an ninh đã nổ súng vào những đám đông lớn ở một số thành phố, gồm cả Yangon. 

“Hôm nay là ngày đẫm máu nhất kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra vào ngày 1-2. Chúng ta có ngày hôm nay - chỉ hôm nay - 38 người chết. Đặc phái viên LHQ về Myanmar, Christine Schraner Burgener, nói với các phóng viên tại trụ sở LHQ. Đặc phái viên LHQ tại Myanmar cho biết “đã có những thước phim gây sốc” từ đất nước này. Bà Burgener cho biết thêm, ít nhất 50 người hiện đã thiệt mạng “và nhiều người bị thương” kể từ khi cuộc đảo chính bắt đầu. Bà cũng trích dẫn lời chuyên gia về vũ khí phân tích các cảnh quay từ hiện trường, cho biết, cảnh sát sử dụng súng tiểu liên 9mm và đạn thật. “Đó là những video hết sức đáng quan ngại. Một video cho thấy cảnh sát đánh một đội nhân viên y tế tình nguyện không vũ trang. Một video khác cho thấy một người biểu tình bị bắn”, bà Burgener cho biết. Đặc phái viên này cho biết, khoảng 1.200 người đã bị giam giữ tại Myanmar kể từ cuộc đảo chính hồi tháng trước, nhiều gia đình không biết tình trạng sức khỏe và nơi ở của người thân. 

Làn sóng bạo lực tại Myanmar đang diễn biến leo thang đáng lo ngại, và có thể kích động cộng đồng quốc tế có thêm nhiều phản ứng. Những người biểu tình thường xuyên tràn ngập trên đường phố ở khắp đất nước kể từ khi quân đội nắm chính quyền và lật đổ chính phủ được bầu của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi. Số người xuống đường vẫn ở mức cao ngay cả khi lực lượng an ninh liên tục bắn hơi cay, đạn cao su và đạn thật để giải tán đám đông, đồng thời bắt giữ hàng loạt người biểu tình. 

Cuộc đảo chính và dùng bạo lực đàn áp các cuộc biểu tình sau đó đã bị quốc tế lên án. Phản ứng trước những vụ bắn chết người mới nhất này, Anh kêu gọi một cuộc họp của HĐBA LHQ vào hôm nay (5-3) trong khi Mỹ cho biết đang xét có hành động thích ứng tiếp theo với quân đội Myanmar. Đáp trả, quân đội nước này nói họ sẵn sàng chịu các lệnh trừng phạt và bị cô lập. Bà Burgener đã kêu gọi LHQ có "các biện pháp mạnh" với các tướng lĩnh. Đặc phái viên của LHQ đã cảnh báo về hành động trừng phạt như vậy trong cuộc đối thoại với Phó Tổng chỉ huy quân sự Myanmar. Đáp lại, “Câu trả lời là: Chúng ta phải học cách chỉ có một vài người bạn”, bà Burgener nói với các phóng viên ở New York.

Diễn biến leo thang đáng lo ngại này đã dẫn đến những nỗ lực ngoại giao gia tăng để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị của Myanmar - nhưng dường như có rất ít lựa chọn khả thi. Vẫn chưa rõ liệu số người chết tăng vọt hôm 3-3 có thể thay đổi các giải pháp được lựa chọn dành cho Myanmar hay không.

Hôm 2-3, ASEAN đã đưa ra một tuyên bố sau cuộc họp trực tuyến của các bộ trưởng ngoại giao về Myanmar, trong đó kêu gọi chấm dứt bạo lực và đàm phán về cách đạt được giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, bà cho biết các quốc gia thành viên không phá vỡ cam kết "không can thiệp". Theo Reuters, Ngoại trưởng Retno Marsudi của Indonesia thúc giục Myanmar "mở cửa" cho ASEAN để giải quyết tình hình căng thẳng đang leo thang sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1-2. Và bà cho biết các quốc gia thành viên không phá vỡ cam kết "không can thiệp" công việc nội bộ của nhau.

KHẢ ANH