Bản án đầy nhân văn dành cho người cha nghèo trót vướng vòng lao lý

Thứ tư, 07/07/2021 06:55

Hồ A Nhọc (1977, trú thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) bị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Trị khởi tố bị can về hành vi: “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”. Hồ A Nhọc tiếp tay cho mục đích vượt biên trái phép ắt phải bị xử lý nghiêm, tuy nhiên hành vi phạm pháp của A Nhọc ít nhiều cũng vì hoàn cảnh gia đình hết sức ngặt nghèo nên phần nào cũng thấy thương cảm.  Hồ A Nhọc bị tạm giam từ ngày 18-2-2021 cho đến ngày ra tòa xét xử vào đầu tháng 7-2021.

3 cha con Hồ A Nhọc ôm nhau khóc nghẹn sau hơn 4 tháng xa cách.

Đứng ở bục bị cáo, người đàn ông tên Nhọc hiền lành, chất phác mang khuôn mặt đầy khắc khổ. Dù đã nắm được hoàn cảnh của bị cáo qua hồ sơ, lý lịch nhân thân nhưng khi hỏi trực tiếp, HĐXX cũng không giấu được sự xót xa trước cuộc đời đầy bất hạnh, buồn đau của Nhọc. 

Là con duy nhất trong gia đình dân tộc Vân Kiều, Nhọc mồ côi mẹ năm 1 tuổi, đến 9 tuổi thì mồ côi cha. Từ đó, Nhọc rời nơi ở vùng Lìa (huyện Hướng Hóa) lang bạt xin ăn, ở đậu khắp nơi rồi dạt đến thị trấn biên ải Lao Bảo. Tại đây, Nhọc được đồng bào Ka Tăng đùm bọc, che chở. Thấm thoắt đã thành niên, Nhọc xây dựng gia đình với người con gái cùng bản. Không chữ, không nhiều rẫy, Nhọc chọn làm nghề xe thồ mưu sinh, nuôi sống gia đình. Cái nghèo dù bủa vây nhưng tình cảm gia đình nồng ấm. 
Một đêm trong năm 2014, vợ Nhọc trở dạ sinh đứa con thứ 6, là bé trai. Mấy tiếng sau sinh, tính mạng chị rơi vào nguy kịch rồi tắt lìa sự sống khi trời chưa kịp sáng. Đàn con 6 đứa phút chốc mồ côi mẹ, đứa lớn nhất lúc đó chỉ mới hơn 14 tuổi. Nén đau thương, Nhọc dồn sức nuôi đàn con, nhất là đứa út ngày đêm khóc ngặt đói sữa.

Người cha này không ngại đi khắp bản này qua bản khác xin sữa cho con. Trước hoàn cảnh xót xa ấy, Hội Phụ nữ và chính quyền cũng đã hỗ trợ cho cha con Nhọc qua từng giai đoạn khó khăn. Nhưng làm sao có thể kể hết được cơ cực trải qua trong cuộc đời người đàn ông nghèo goá vợ đó để các con có thể đến trường, có đủ cái ăn. 
Nhọc vẫn duy trì làm nghề xe thồ, đắp đổi cuộc sống từng ngày. Đến khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, lao động tại cửa khẩu như Nhọc lao đao, khốn đốn. Đứa con đầu phụ cha nuôi đàn em 5 đứa nhưng chật vật cứ quấn lấy. Có ngày, Nhọc không có lấy một cuốc xe. 

Vào chập tối ngày 18-2-2021, Nhọc nhận được điện thoại của một người phụ nữ không rõ lai lịch hỏi có đưa người qua Lào được không. Người này cho Nhọc số điện thoại một người tên Hiển để liên hệ, trao đổi. Ngay sau đó, Nhọc gọi điện hỏi và được cho biết có một nhóm 4 người đang trú tại khách sạn Bảo Ngọc (thị trấn Lao Bảo) cần qua Lào, thỏa thuận tiền công mỗi người 500 ngàn đồng. Nhọc điều khiển xe máy BKS 74H1-266.54 đến khách sạn. Cuốc đầu chở người tên Hiệu và Hùng đến khóm Ka Tăng. Cuốc thứ 2 chở người tên Hiển và Huyên. Sau đó, Nhọc dẫn cả 4 người theo lối mòn để qua Lào. Trên đường đi thì bị tổ tuần tra Đồn BP CK quốc tế Lao Bảo (BĐBP Quảng Trị) phát hiện, bắt quả tang. Lúc này, Nhọc chưa nhận đồng tiền công nào. 

Trên cơ sở điều tra, nhóm 4 người muốn vượt biên trái phép sang Lào để làm ăn, gồm: Chu Văn Hiển (1980), Phạm Thị Huyên (1989), Nguyễn Huy Hiệu (2002) và Hoàng Văn Hùng (1995, cùng quê Nghệ An). Vào ngày 15-2-2021, Hiển gọi điện cho một phụ nữ người Lào để nhờ giúp đỡ đưa sang đó. Đến ngày 18-2-2021 thì nhóm Hiển từ Nghệ An vào đến Lao Bảo, được người phụ nữ hướng dẫn chờ ở khách sạn, có người liên hệ, đón sang. Chính người này liên hệ với Nhọc sau đó. 

Tại phiên tòa, Nhọc cho biết đã nhận thức được hành vi phạm tội và thừa nhận toàn bộ nội dung cáo trạng truy tố. Bị cáo có trợ giúp viên bào chữa miễn phí vì thuộc đối tượng dân tộc thiểu số và hộ nghèo. Sau hơn 4 tháng bị tạm giam, phải xa bầy con nhỏ dại, Nhọc dày vò bản thân đã hám lợi mà tự đẩy bản thân xa các con. Nên khi nghe Thẩm phán, chủ tọa hỏi có nhớ các con không, bị cáo bật khóc nức nở. Rồi khi Kiểm sát viên hỏi thêm về gia cảnh, bị cáo lại không cầm được nước mắt. Trong bao nhiêu cảm xúc ấy, đều bật lên nỗi nhớ con khôn nguôi, hình phạt nặng nề nhất là để con bơ vơ, để con đói khổ. Bất chợt liên tưởng đến khung hình phạt mà Nhọc đối diện từ 1 đến 5 năm tù, nhiều người ngồi dưới lẫn bị cáo đều không dám nghĩ tới. 

Phần luận tội, đại diện VKS cho rằng không cần thiết cách ly bị cáo ra khỏi xã hội, đề nghị HĐXX tuyên 12 đến 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Trong khi chờ nghị án, Nhọc được gặp hai đứa con nhỏ, đứa thứ 5 và thứ 6. Chúng gầy nhỏ so với tuổi thực và lọt thỏm trong vòng tay của cha. Thấy Nhọc khóc không ngừng, hai đứa trẻ cứ nép vào vai cha như sợ bị rời xa lần nữa. Nhưng chỉ vài chục phút sau đó, hai đứa trẻ đã reo mừng sung sướng khi Tòa đồng ý với đề nghị của VKS và người bào chữa, tuyên Nhọc 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Tòa cũng đọc quyết định trả tự do ngay tại tòa cho Nhọc. Chúng tôi tin bản án thấu tình đạt lý này sẽ giúp Nhọc có động lực để vươn lên trong cuộc sống, góp sức để bảo vệ ANTT đường biên, địa bàn.       

BẢO HÀ