Ban Chỉ đạo sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng họp phiên thứ ba
Chiều 21-4, tại thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), Ban Chỉ đạo sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng tổ chức họp phiên thứ ba cho ý kiến về dự thảo Đề án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng và một số nội dung theo kế hoạch.
+ Đà Nẵng tổng hợp ý kiến người dân về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
+ Mỹ Sơn, Hội An, Vu Gia, Thu Bồn, Gò Nổi được đặt tên cho các xã, phường mới ở Quảng Nam

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Trưởng Ban Chỉ đạo và Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết đồng chủ trì.
Cùng dự, về phía lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Lê Văn Trung. Về phía lãnh đạo tỉnh Quảng Nam có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh.
Sau khi nghe Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo báo cáo chi tiết Đề án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, các đại biểu thảo luận, góp ý từng nội dung cụ thể của đề án, qua đó để Ban Chỉ đạo hoàn chỉnh trình Đảng ủy Chính phủ trước ngày 1-5. Tổ giúp việc cũng kiến nghị, đề xuất một số nội dung quan trọng, như việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố; xây dựng chính sách cho cán bộ không chuyên trách; xây dựng chế độ chính sách, chỗ ở của cán bộ; bố trí trụ sở làm việc phù hợp để phục vụ nhân dân tốt hơn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng dư luận về chủ trương sáp nhập tỉnh cũng như triển khai chính quyền hai cấp.
Theo Ban Chỉ đạo, qua lấy ý kiến cử tri và nhân dân về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, cử tri đồng thuận chủ trương rất cao, nhiều phường, xã của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đạt sự đồng thuận 100%.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Văn Quảng ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến góp ý của các thành viên, đồng thời chỉ đạo một số nội dung quan trọng. Trong đó, đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách phường, xã, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị tổng hợp chi tiết, có phương án cụ thể. Về các trụ sở làm việc dôi dư sau sáp nhập, đề nghị lãnh đạo hai Sở Tài chính và lãnh đạo UBND hai địa phương phụ trách lĩnh vực tiếp tục rà soát, có phương án sử dụng phù hợp.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị tiếp tục rà soát, phân công công việc cho các cơ quan liên quan; các cấp ủy tiếp tục tham gia góp ý vào đề án. Đồng thời, biên tập gọn các kiến nghị, đề xuất, lựa chọn những nội dung kiến nghị sát với đề án như công tác quy hoạch, các cơ chế, chính sách; cơ chế tháo gỡ các tồn tại, khó khăn.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị Tổ giúp việc tiếp tục bổ sung các ý kiến góp ý, thảo luận, các cấp ủy tiếp tục tham gia góp ý để hoàn thiện đề án trước ngày 27-4, báo cáo Ban Chỉ đạo thông qua để báo cáo Trung ương trước ngày 1-5.
+ Chiều 21-4, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, trong những ngày qua, thành phố đang tổng hợp ý kiến của người dân về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Các cấp chính quyền đang tổng hợp ý kiến của nhân dân, sáng 22-4, Thường trực Thành ủy sẽ họp cho ý kiến về vấn đề này. Đây là hoạt động theo đúng kế hoạch đã đề ra kể từ khi Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã vào ngày 15-4.
Nghị quyết của Thành ủy Đà Nẵng đưa ra phương án dự kiến điều chỉnh một phần diện tích các xã, phường để thành lập 15 phường, 3 xã và đặc khu Hoàng Sa. Thành phố cũng có phương án dự kiến tên gọi của 18 phường xã trên địa bàn. Trong đó dự kiến đặt tên phường xã theo số thứ tự. Theo lộ trình, Đà Nẵng tổ chức lấy ý kiến nhân dân từ ngày 19 đến ngày 21-4, sau đó trình HĐND thông qua ngày 24-4 và trình Chính phủ ngày 1-5. Thành phố đồng thời hoàn thiện việc sắp xếp nhân sự, bố trí trụ sở làm việc, số hóa hồ sơ và bàn giao tài sản, hoàn thành trước ngày 30-6.
Về phương án tên gọi của các phường xã sau sáp nhập, sau khi phương án này được công khai đã có nhiều luồng ý kiến trong nhân dân. Nhiều ý kiến cho rằng thành phố nên lấy tên phường xã theo tên địa danh cổ, tên các vùng đất gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của địa phương, đã được định vị qua nhiều thế hệ và có những đặc trưng về chiều sâu văn hóa. Ông Lê Trung Chinh cho biết, tại cuộc họp hôm nay, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cũng sẽ cho ý kiến về vấn đề này.
+ Ngày 21-4, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội nghị nhằm thảo luận, thông qua phương án đặt tên mới cho 88 xã, phường trên địa bàn tỉnh, thay thế phương án đã ban hành theo Nghị quyết số 45 ngày 18-4-2025 của Tỉnh ủy trước đó. Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, sau khi tổ chức lấy ý kiến nhân dân theo Phương án ban hành tại Nghị quyết số 45 của Tỉnh ủy, trong hai ngày 19 và 20-4, có 99,02% cử tri đại diện hộ gia đình trên toàn tỉnh tham gia ý kiến; trong đó cử tri tán thành với việc sắp xếp cấp xã đạt tỷ lệ 97,66% và có 98,52% cử tri tán thành việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam với TP Đà Nẵng.
Tuy nhiên, qua lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri, ngày 20-4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tổng rà soát địa danh lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương; trên cơ sở đó đề xuất đặt tên mới cho các xã, phường sau sắp xếp.
Tại Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam lần này, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đại biểu đã thảo luận, góp ý sôi nổi và thống nhất không đặt tên các xã, phường mới theo cách gọi tên huyện cũ cộng với số thứ tự 1, 2,3... hoặc theo phương hướng đông, tây, nam, bắc... Thay vào đó, sử dụng tên gọi gắn liền với các di tích lịch sử, trầm tích văn hóa có tính đại diện của mỗi vùng đất.
Theo đó, nhiều tên đất, tên làng, dòng sông, con suối, hay di sản văn hóa nổi tiếng của Quảng Nam đã được đặt tên cho các xã mới, phường mới, như: Hội An, Thanh Châu, Thanh Hà (thuộc TP Hội An hiện nay); Hương Trà, Bàn Thạch, Quảng Phú (thuộc TP Tam Kỳ hiện nay); A Vương, Bến Hiên (thuộc huyện Đông Giang hiện nay); Tài Đa, Sơn Cẩm Hà (thuộc huyện Tiên Phước hiện nay); Phú Ninh, Chiên Đàn, Tây Hồ (thuộc huyện Phú Ninh hiện nay)... Ngoài ra, những cái tên thân thuộc như Mỹ Sơn, Vu Gia, Thu Bồn, Gò Nổi, Bến Giằng, Chợ Được, Bình Dương... cũng được đặt cho các xã mới.
TRẦN TÂN
Dòng sự kiện:Tinh gọn tổ chức bộ máy
Ngày mai (22-4), Đà Nẵng tổng hợp ý kiến người dân về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, có nội dung về việc đặt tên
Quảng Nam sẽ đặt tên phường, xã theo yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương
Quảng Nam dự kiến sau sáp nhập còn 76 xã, 12 phường
TP Huế sắp xếp 133 đơn vị hành chính cấp cơ sở, dự kiến còn 40 xã phường
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam lý giải tên gọi và nơi đặt trung tâm hành chính sau sáp nhập