Việc đặt tên xã, phường, đặc khu là định danh cho cả 100 năm sau

Thứ ba, 22/04/2025 06:30

Làng xã và sau này hình thành các đô thị có thêm phường (gọi chung là làng xã) – chiếc nôi của văn hóa và hồn cốt dân tộc Việt Nam – đã tồn tại bền vững suốt hàng ngàn năm lịch sử, trở thành đơn vị cơ sở quan trọng nhất trong tổ chức xã hội truyền thống.

Từ thuở khai hoang lập ấp, làng xã không chỉ là nơi cư trú, canh tác, mà còn là không gian kết tinh tinh thần cố kết cộng đồng, nơi bảo tồn phong tục, tín ngưỡng, tiếng nói, nếp sống và những giá trị đạo lý truyền thống như “phép vua thua lệ làng”.

Trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước, làng xã là pháo đài bảo vệ văn hóa bản địa, là hậu phương vững chắc trong kháng chiến, là nơi hun đúc lòng yêu nước và ý chí độc lập dân tộc. Vai trò ấy không hề mai một trong thời hiện đại, khi các làng quê đang chuyển mình trong công cuộc đô thị hóa, phát triển bền vững – trở thành nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam giữa thời hội nhập.

Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa và chuyển đổi số, thì việc tổ chức lại không gian hành chính – xã hội là hết sức cần thiết.

Hiện nay, việc sắp xếp lại bộ máy hành chính, trong đó có xã, phường, thị trấn và thậm chí là đặc khu, là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mang tính chiến lược, nhằm hướng tới một bộ máy gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đất nước trong 100 năm tới.

Cho nên việc sáp nhập, điều chỉnh ranh giới và tên gọi các xã, phường không chỉ đơn thuần là công việc kỹ thuật, mà là cơ hội để tái cấu trúc hệ thống quản lý, quy hoạch phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và khơi dậy bản sắc văn hóa từng vùng miền. Đây cũng là lúc để chúng ta lựa chọn những tên gọi xứng đáng, thể hiện được tầm vóc lịch sử – văn hóa – phát triển, từ đó tạo ra động lực mới trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và xã hội hiện đại, giàu bản sắc.

Vấn đề tiêu chí chung đã được các phương tiện truyền thông phổ biến khá rộng rãi các văn bản của Đảng, Chính phủ về chủ trương, cách làm, quy mô, diện tích, dân số, đặc thù...khi sắp xếp xã, phường, đặc khu.

Tuy nhiên, có một vấn đề được dư luận quan tâm là tên gọi các xã, phường, đặc khu thì còn những ý kiến khác nhau với mong muốn làm sao tên gọi gọn, dễ nhận biết, dễ phục vụ cho thời đại công nghệ số, không trùng lắp nhưng phải có tính kế thừa, mang được nét đặc trưng về văn hóa, lịch sử.

Việc đặt tên xã, phường sau sáp nhập không chỉ là vấn đề hành chính, mà còn là bản sắc, ký ức cộng đồng và niềm tự hào của người dân địa phương. Thậm chí đây còn là cơ hội cho việc khôi phục lại tên gọi lâu nay vốn được bàn luận nhưng chưa thực hiện được để nó có thể tồn tại cho cả 100 năm đến.

Một ví dụ cụ thể như TP.Hồ Chí Minh sau khi sáp nhập một số phường, quận để thành lập các phường mới, thành phố Thủ Đức đã chọn cách đặt tên mới dựa trên: Địa danh tiêu biểu, có giá trị lịch sử - văn hóa lâu đời, ví dụ như Thủ Đức, Linh Trung, Hiệp Phú… Tên gọi mang ý nghĩa tích cực, dễ nhớ, dễ gọi, tạo dấu ấn phát triển đô thị hiện đại. Cách làm này được người dân đón nhận vì nó không chỉ giữ được ký ức lịch sử, mà còn tạo động lực tinh thần cho tương lai. Hay trong dự thảo TP Hồ Chí Minh còn có một số quận sáp nhập các phường lấy tên mới như: phường Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Cầu Ông Lãnh, Bàn Cờ, Nhiêu Lộc, An Đông, Xóm Chiếu, Chợ Quán... Thậm chí có cả tên phường Bảy Hiền, vốn là nơi có rất đông bà con xứ Quảng trong những năm chiến tranh đã chạy vào đây cư trú làm ăn nổi tiếng với nghề dệt vải trước đây. Nay đặt tên phường Bảy Hiền thì ai ai cũng dễ nhận biết vị trí cũng như hiểu được phần nào đông đảo cư dân sinh sống, nhất là bà con xứ Quảng.

Hoặc ở Hà Nội, quận Ba Đình từ 13 phường sẽ sắp xếp thành 3 phường là Ba Đình, Ngọc Hà và Giảng Võ; quận Hoàn Kiếm từ 18 phường dự kiến sắp xếp thành 2 phường là Hoàn Kiếm và Cửa Nam; quận Đống Đa từ 17 phường sẽ sắp xếp thành 5 phường là Đống Đa, Láng, Ô Chợ Dừa, Kim Liên và Văn Miếu - Quốc Tử Giám; quận Tây Hồ từ 8 phường dự kiến sắp xếp thành 3 phường là Tây Hồ, Hồng Hà, Phú Thượng; quận Long Biên từ 13 phường dự kiến sắp xếp thành 4 phường là Việt Hưng, Bồ Đề, Long Biên và Phúc Lợi; quận Hà Đông từ 15 phường dự kiến sắp xếp thành 5 phường là Hà Đông, Dương Nội, Yên Nghĩa, Kiến Hưng và Phú Lương. Định hình những tên xã, phường đó của Hà Nội đã giữ lại những cái tên quen thuộc và rất ấn tượng.

Dựa trên những tham khảo có tính kế thừa và sự phát triển mang đầy hơi thở của cuộc sống đó, đối với thành phố Đà Nẵng người viết mạnh dạn nêu ý kiến, nên chăng chọn lựa một số tên để đặt cho các xã, phường sau khi sáp nhập như: Hải Châu, Hòa Cường, Thạc Gián, Mẹ Nhu, Hòa Khương, Nam Ô, Phước Tường, Nại Hiên, Mỹ Khê, Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn... Vì đó là những địa danh đã tồn tại khá lâu cũng như có dấu ấn mang tính lịch sử. Ví dụ Mẹ Nhu đã được dựng tượng thì có tên phường mang tên Mẹ Nhu anh hùng ngay tại mảnh đất đó âu cũng là điều hợp lý và nhân dân các phường cùng sáp nhập lại đều cảm thấy tự hào. Hơn thế nữa khi đọc các tên xã, phường của Đà Nẵng sẽ không lặp lại theo kiểu Hải Châu 1, 2, 3 hay Sơn Trà 1, 2, 3, hoặc xã Hòa Vang 1, 2, 3. Như vậy nhìn vào cái tên xã, phường cũng không thú vị, không đa dạng, phong phú.

Trong khi đó như Quảng Nam, về tên gọi đơn vị hành chính cấp xã, phường dự kiến thành lập mới, theo nguyên tắc: Tên huyện, thị xã + số thứ tự như nguyên tên thành phố, rồi thêm yếu tố vị trí để thành tên phường mới, như phường Tam Kỳ Bắc, Tam Kỳ Nam, Tam Kỳ Đông; hay Hội An Đông, Hội An Tây…. Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình lấy ý kiến cử tri tại một số địa phương, thực hiện văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, sáng nay 20-4, một số huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh Quảng Nam cũng ban hành văn bản về việc nghiên cứu đề xuất tên gọi cho các đơn vị hành chính mới. Theo đó, việc đặt tên cho đơn vị hành chính mới phải thật ý nghĩa, cần nghiên cứu các yếu tố văn hóa, lịch sử, truyền thống, tên đất, tên làng cũ trước đây; tham khảo ý kiến các chuyên gia, cán bộ hưu trí để có những tên xã, phường mới.

Những diễn biến trên cho thấy, số xã, phường, đặc khu của các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam… sau khi sáp nhập lại sẽ còn ít đơn vị nên đòi hỏi đáp ứng hết những tên gọi được người dân đề xuất thì khó thành hiện thực được mà chỉ được chọn lựa những cái tên tiêu biểu nhất. Bên cạnh đó, yêu cầu tên gọi xã, phường phải ngắn gọn, thậm chí mang cả con số để đáp ứng cho việc tích hợp dữ liệu công nghệ thông tin cũng chỉ là một yếu tố và không phải là điều khó khăn lắm cho các cơ quan quản lý. Vì hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin thì bài toán để tích hợp dữ liệu… đó có thể được giải quyết nhanh chóng một cách thuận lợi.

Thiết nghĩ, tên địa danh xã, phường, đặc khu được xem là linh hồn của một vùng đất. Một tên gọi đúng sẽ gìn giữ được ký ức cộng đồng, nuôi dưỡng niềm tự hào, và truyền cảm hứng cho sự phát triển. Do đó, nếu còn thời gian, chúng ta cần mạnh dạn rà soát lại các tên đã trình để có thể bổ sung chỉnh sửa ở mức tốt nhất– để không bỏ lỡ cơ hội định danh cho tương lai của cả 100 năm sau bằng những cái tên xã, phường, đặc khu của các địa phương một cách xứng đáng nhất.

LÊ MINH HÙNG