Bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt

Thứ năm, 25/06/2020 09:12

Trong động thái bất ngờ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày 24-6 thông báo dừng cuộc trả đũa quân sự đã được lên kế hoạch nhằm vào Hàn Quốc trong bối cảnh mối quan hệ hai bên đang gia tăng căng thẳng và cuộc đàm phán hạt nhân với  Mỹ bị đình trệ.

Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin Triều Tiên tuyên bố dừng các kế hoạch quân sự nhằm vào nước láng giềng hôm 24-6.  Ảnh: AP

Trước đó vài giờ, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Triều Tiên “trở lại đàm phán” trong bối cảnh nước này tiếp tục đe dọa Hàn Quốc liên quan tới chiến dịch rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đồng minh Hàn Quốc, và kêu gọi Triều Tiên trở lại đàm phán”. Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Triều Tiên tránh đưa ra thêm các hành động vô ích khi mà Bình Nhưỡng phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều hồi tuần trước.

Dừng các kế hoạch quân sự nhằm vào Hàn Quốc

Ngày 24-6, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin: nhà lãnh đạo Kim Jong-un chủ trì cuộc họp sơ bộ của Quân ủy Trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên, trong đó ông đưa ra quyết định “dừng các kế hoạch quân sự” nhằm vào Hàn Quốc. Cuộc họp trên diễn ra theo hình thức trực tuyến. KCNA không cho biết chi tiết vì sao ông Kim Jong-un lại đưa ra quyết định như vậy. Hãng này chỉ cho biết, các thông tin chi tiết liên quan đến quyết định mới nhất của nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ được quyết định trong một cuộc họp của Quân ủy Trung ương “trong thời điểm sớm nhất”.

Đây là một động thái khá bất ngờ của Bình Nhưỡng, sau nhiều tuần nước này liên tiếp gia tăng căng thẳng. Tuần trước, Bình Nhưỡng tuyên bố, mối quan hệ với miền Nam bị phá vỡ hoàn toàn, và ngay sau đó lập tức cho phá hủy một văn phòng liên lạc liên Triều trong lãnh thổ của họ và đe dọa hành động quân sự không xác định để trả đũa Seoul vì thiếu tiến bộ trong hợp tác song phương và để cho các nhà hoạt động thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng ở vùng biên giới. Tuần này, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ rải thêm 12 triệu tờ rơi tuyên truyền vào Hàn Quốc, ngoài ra Triều Tiên đã đặt lại khoảng 20 loa phát thanh gần biên giới hai miền để phát đi những thông điệp tuyên truyền. Các nguồn tin quân sự Hàn Quốc ngày 24-6 cho biết, Triều Tiên đang tháo dỡ khoảng 10 loa phóng thanh tuyên truyền này.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích cho rằng, đây là động thái được dự đoán. Bởi nếu cuối cùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un chọn hành động quân sự, ông ấy có thể tiếp tục cho diễn tập pháo binh và các cuộc tập trận khác ở khu vực tiền tuyến hoặc để các tàu cố tình vượt qua biên giới biển phía tây đang tranh chấp giữa hai miền Triều Tiên, nơi từng xảy ra những cuộc giao tranh đẫm máu trong những năm qua. Tuy nhiên, ông cũng biết rằng, bất kỳ hành động nào cũng có thể làm bùng nổ sự trả đũa toàn diện từ quân đội Hàn Quốc và Mỹ.

Hàn Quốc nói gì?

Yoh Sang-key, người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cho biết, Seoul đang xem xét chặt chẽ mọi động thái của miền Bắc, nhưng đã không nói thêm chi tiết. Cũng theo người phát ngôn này, đây là báo cáo đầu tiên trên phương tiện truyền thông nhà nước về việc ông Kim Jong-un tổ chức một cuộc họp trực tuyến, nhưng ông không đưa ra câu trả lời cụ thể khi được hỏi liệu điều đó có liên quan gì đến dịch Covid-19 hay không. Nhưng trên thực tế Triều Tiên cho đến nay chỉ công bố 1 ca Covid-19 duy nhất trên lãnh thổ của họ.

Ông Kim Dong-yub, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Seoul, cho biết, có khả năng Triều Tiên đang “câu giờ” để chờ đợi hành động tiếp theo từ miền Nam để cứu vãn mối quan hệ từ những gì họ coi là “vị thế của sức mạnh”, thay vì làm dịu đi lập trường của mình đối với đối thủ. Chuyên gia này nhấn mạnh, Triều Tiên chỉ tuyên bố (hành động quân sự) đã bị hoãn lại chứ không bị hủy bỏ. Các chuyên gia khác nói rằng, miền Bắc sẽ tìm kiếm thứ gì đó lớn từ miền Nam, có thể là cam kết tiếp tục hoạt động tại khu công nghiệp chung ở Kaesong, nơi đặt văn phòng liên lạc, hoặc khởi động lại các tour du lịch giữa hai nước. Những bước đi đó bị cấm bởi lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên về chương trình vũ khí hạt nhân.

KHẢ ANH