Bán độ và chuyện "lờn thuốc"

Thứ ba, 16/12/2014 07:39

(Cadn.com.vn) - Bán độ đã trở thành nỗi ám ảnh của bóng đá Việt Nam - một nền bóng đá vốn kém phát triển, nhất là sau hai vụ giàn xếp tỷ số "động trời" khiến hàng loạt cầu thủ bị bắt ở CLB V.Ninh Bình và Đồng Nai tại mùa giải 2014. Đến mức bây giờ người hâm mộ mất niềm tin vào cầu thủ Việt Nam. Nên hễ cứ thua, từ cấp độ V-League cho đến ĐTQG, người ta lại nghi "có mùi"...

1. Mới đây nhất là sự nghi ngờ ĐT Việt Nam bán độ tại AFF Cup 2014. Thất bại theo cách không thể tưởng tượng của ĐT Việt Nam trước Malaysia ở bán kết lượt về trên sân Mỹ Đình dấy lên trong dư luận những sự nghi ngờ. Người ta có quyền nghi các tuyển thủ Việt Nam bán độ mới thua nhanh, thua khó hiểu như vậy. Càng đáng nghi ngờ hơn khi Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng có những phát ngôn "nóng vội". Người đứng đầu VFF khẳng định đó là trận thua bất thường và sẽ mời cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.

Nhiều ý kiến trách Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng bày tỏ sự nghi ngờ các cầu thủ có vấn đề tư tưởng cũng đúng và "quan trọng" là được một bộ phận dư luận ủng hộ. Điều này dễ hiểu bởi bóng đá Việt Nam quá "dị ứng" với hai từ bán độ. Người hâm mộ rất cần VFF làm rõ trắng - đen.

Có thể hiểu áp lực của vị chủ tịch VFF. Tuy nhiên, ông Dũng đúng là đã vội vàng với phát ngôn của mình bởi như vậy chẳng khác gì "xát thêm muối vào tim các cầu thủ". Chưa hết, đó là một tác động dẫn đến niềm tin của người hâm mộ dành cho bóng đá Việt Nam vốn không nhiều càng vơi đi. Hãy nghĩ đến trường hợp các tuyển thủ Việt Nam trong sạch hết thì sao? Vậy những giọt mồ hôi, thậm chí cả máu của họ đã cống hiến cho ĐT QG bị phủi sạch chỉ vì một câu nói của người đứng đầu VFF? Nếu vậy, cầu thủ liệu có còn tâm huyết để cống hiến vì màu cờ sắc áo?

Giá như VFF khoan hãy công khai ý định mời cơ quan điều tra vào cuộc mà lập tức ngồi lại họp bàn, tìm ra nguyên nhân thất bại hay âm thầm vào cuộc điều tra thì nỗi đau thất bại sẽ bớt đau thêm trong mỗi tuyển thủ và người hâm mộ. Có rất nhiều cách làm rõ trắng- đen và phòng ngừa những mảng tối trong cuộc sống, cũng như bóng đá. Đôi khi, một cái tát không đau và nhớ lâu bằng một lời nói hay cách nào đó nhằm thu phục lòng người.

Thất bại của ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2014 là khó chấp nhận với người hâm mộ.

2. Cuộc sống đã chỉ ra rằng, cách tốt nhất để vượt qua khó khăn là hãy đối đầu với nó. Với bóng đá Việt Nam, cách tốt nhất để quên đi thất bại ngày hôm qua và không muốn nó lặp lại thì VFF cần phải có những động thái quyết liệt để xây dựng lại đội tuyển tử tế. Bản thân các cầu thủ hãy biết biến nỗi đau thành hành động, thành chiến thắng.

Về phía VFF, hãy kiên nhẫn đặt niềm tin vào HLV Miura. Nhưng để sự kiên nhẫn đó có thêm cơ sở thì hãy làm rốt ráo mọi chuyện để nhà cầm quân người Nhật Bản phát huy năng lực. VFF hãy tạo cho được môi trường bóng đá Việt Nam trong lành từ cấp độ CLB cho đến ĐTQG.

 3. Trở lại với câu chuyện bán độ ở bóng đá Việt Nam. Rất nhiều bài học nhãn tiền nhưng một bộ phận cầu thủ vẫn chấp nhận "bán linh hồn cho quỷ" và đánh đổi sự nghiệp.

Sau vụ bán độ động trời của U23 Việt Nam tại SEA Games 23 dẫn đến một loạt cầu thủ tài năng phải ra đứng trước vành móng ngựa, có người phải ngồi tù, bóng đá Việt Nam trong sạch đi một thời gian. Nhưng đến mùa giải 2014, chúng ta lại một phen rúng động với hai vụ bán độ ở CLB V.Ninh Bình (AFC Cup) và Đồng Nai (V-League). Hàng loạt cầu thủ bị bắt giam, khởi tố. Đáng nói, hai vụ bán độ này diễn ra cách nhau không lâu.

Thực tế trên nói lên điều gì? Phải chăng một bộ phận cầu thủ Việt Nam tham gia bán độ đã bị "lờn thuốc". Tức là, những khung hình phạt cho những đồng nghiệp "nhúng chàm" không đủ sức răn đe họ?

Năm 1994, Chính phủ Malaysia đã thẳng tay kỷ luật 84 cầu thủ (trong đó có 6 tuyển thủ QG) tham gia vào các đường dây mua bán độ ở các giải trong nước. Số cầu thủ này bị đưa vào các trại tập trung ở các tỉnh vùng xa, bị cấm thi đấu vĩnh viễn, sau khi rời khỏi trại tập trung, họ không được quyền mua nhà, mua xe. Có thể nói, đây là một cuộc "cách mạng" trong việc chống lại nạn bán độ và đã giúp bóng đá Malaysia sau đó phát triển hàng đầu Đông Nam Á.

Câu chuyện chống tiêu cực ở bóng đá Malaysia xứng đáng là bài học cho các nước khác, Việt Nam không là ngoại lệ. Dùng thuốc không đúng liều sẽ dẫn đến "lờn thuốc", bệnh thêm khó chữa. Để bóng đá Việt Nam không còn phải "sống trong sự nghi kỵ", VFF và các tổ chức liên quan cần phối hợp để có những chế tài xử phạt thật nặng tay hơn nữa, nhằm loại bỏ tiêu cực.

Quang Hải