Bàn giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh
Ngày 20-2, tỉnh TT-Huế tổ chức hội nghị bàn giải pháp khôi phục và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn trong và sau dịch Covid-19. Báo cáo đánh giá ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra, Sở KH-ĐT tỉnh cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, đáng chú ý là các hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, thương mại, vận tải, xuất nhập khẩu... Đối với ngành du lịch - kinh tế mũi nhọn của địa phương, ảnh hưởng trực tiếp là tình trạng hủy tour, hủy phòng. Trong tháng 2-2020, lượng khách lưu trú ước đạt 171 ngàn lượt, giảm 5,7% (chủ yếu do khách nội địa, khách mời đến dự hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện,… hầu như hủy 100%). Các thị trường khách quốc tế có biến động lớn trong tháng 2-2020, trong đó, thị trường Hàn Quốc giảm 72,5%; Mỹ giảm 6,4%; Úc giảm 6,2%; Trung Quốc giảm 87,2%; Malaysia giảm 48,5%...
CTCP Dệt May Huế sản xuất khẩu trang kháng khuẩn. |
Bên cạnh đó, lĩnh vực giao thông vận tải sụt giảm lượng khách lớn khi người dân e ngại khi di chuyển đến các địa phương khác, khách quốc tế đến giảm. Về các dự án đầu tư có sử dụng công nghệ máy móc thiết bị, chuyên gia và nhà đầu tư của Trung Quốc bị ảnh hưởng đến tình hình và tiến độ triển khai… Nhìn chung, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chưa có biến động lớn. Tuy nhiên, bị ảnh hưởng kép từ Nghị định 100/NĐ-CP do bia là sản phẩm chủ lực của địa phương, thị trường nhập khẩu nguyên vật liệu ngành dệt may ảnh hưởng lớn nếu dịch kéo dài… ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế của tỉnh. Dự báo trường hợp bia giảm 25-30%, khách du lịch giảm 20-30%, tốc độ tăng trưởng GRDP còn khoảng 6,8 - 7,2% (kế hoạch 2020 là 7,5% - 8%).
Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu, trước mắt phải thực hiện theo phương châm của Chính phủ đó là “Không thay đổi mục tiêu, bình tĩnh, không chủ quan, chủ động sớm dự liệu giải pháp”. Thực hiện các giải pháp, quyết liệt, nhanh, hiệu quả, dự liệu sớm để đi trước một bước diễn biến của dịch. Các ngành cũng cần cơ cấu lại, kịp thời hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch gây ra, duy trì sản xuất và tiêu dùng; khôi phục sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng sau khi dịch kết thúc. “Chúng ta phải chủ động trong mọi tình huống, phát huy tinh thần chính quyền phục vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Phải tìm đến DN để tìm hiểu và tháo gỡ khó khăn chứ không chờ DN báo cáo, kêu gọi hỗ trợ. Có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất trong thời gian xảy ra dịch để DN vượt qua khó khăn và ổn địch phát triển sản xuất kinh doanh”- Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị. Song song với đó, cần tiếp tục có kích cầu liên ngành, trong đó chủ động kích cầu du lịch, quảng bá “Huế là điểm đến an toàn, thân thiện” để thu hút du khách...
H.LAN