Băn khoăn hầm chui sông Hàn

Thứ năm, 28/04/2016 09:49

(Cadn.com.vn) - Bên cạnh phần lớn ý kiến đồng tình xây hầm chui qua cầu sông Hàn thì vẫn còn những băn khoăn của chuyên gia bởi kinh phí xây, vận hành hầm chui tốn kém hơn nhiều so với xây cầu.

Vì sao xây hầm chui?

Đà Nẵng hiện có 9 cây cầu bắc qua sông Hàn, mỗi cây cầu không chỉ là điểm nhấn kiến trúc, mang nhiều ý nghĩa lớn lao với TP mà còn tạo cho TP một diện mạo khang trang, tạo hạ tầng  giao thông hiện đại để thúc đẩy kinh tế phát triển, nhất là du lịch. Tuy vậy, trong 9 cây cầu đó, chỉ có cầu Sông Hàn thường xuyên quá tải, ùn tắc vào giờ cao điểm bởi mật độ dân số ở trung tâm TP đông đúc. Để giải tỏa ách tắc giao thông tại cầu sông Hàn đồng thời phát triển thêm hạ tầng giao thông mới phục vụ thuận lợi cho người dân, du khách, Đà Nẵng đã có chủ trương xây dựng hầm chui qua sông Hàn. Theo đó, phương án xây hầm chui được Công ty CP Tư vấn Thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC) đưa ra thì hầm chui có kết cấu hầm kín vĩnh cửu (dưới lòng sông), quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn cho xe máy và lối thoát hiểm 2 bên, hầm kín dài 860m, hai hầm hở ở hai đầu có chiều dài lần lượt là 260m và 275m. Tổng mức đầu tư mà BRITEC khái toán khoảng 5.700 tỷ đồng.

KTS Hoàng Quang Huy- Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng  cho rằng, để có thêm một cây cầu kết nối qua sông Hàn thì giải pháp tốt nhất là đường hầm. Bởi lẽ, nếu tính từ cầu Trần Thị Lý tới cuối hạ lưu sông Hàn chưa đầy 4km đã có 4 cây cầu mới và 1 cầu cũ Nguyễn Văn Trỗi. Nếu xây thêm cầu nữa để giải quyết ách tắc giao thông sẽ làm mất đi không gian và vẻ đẹp của dòng sông, vô tình biến nó như những con kênh thu hẹp, chật chội và làm xấu đi cấu trúc một đô thị vốn đã được thiên nhiên ban nhiều ưu đãi. Theo một khảo sát mới đây của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng thì 80% ý kiến đóng góp cho rằng nên xây hầm chui qua sông Hàn bởi đây là xu thế giao thông hiện đại. Mặt khác Đà Nẵng đã có nhiều cầu mang những vẻ đẹp kiến trúc đặc biệt qua sông Hàn nhưng lại chưa có hầm chui qua sông nên việc xây hầm sẽ giảm áp lực giao thông trên bề mặt.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng TP nên xây cầu để tiết kiệm bớt kinh phí xây hầm, kinh phí duy tu bảo dưỡng hàng năm. Bởi lẽ trong thời điểm hiện tại, TP còn quá nhiều việc phải đầu tư ngay cho lĩnh vực giao thông. Theo khái toán mà BRITEC đưa ra, tổng kinh phí xây hầm chui khoảng 5.700 tỷ đồng, trong khi đó nếu xây cầu như Trần Thị Lý, cầu Rồng chỉ khoảng 1.500 tỷ đồng. Đấy là chưa kể số tiền 5.700 tỷ đồng này chưa gồm những chi phí phát sinh thêm trong quá trình triển khai, dự tính phát sinh khoảng 20%. Chi phí dự phòng duy tu bảo dưỡng cũng chưa có, trong khi chi phí để vận hành giữa hầm chui và cầu thì hầm chui sẽ tiêu hao năng lượng nhiều hơn, nhất là nguồn điện. Ngoài ra, lý do chọn xây hầm vì đã nhiều cầu chưa thuyết phục, bởi lẽ Đà Nẵng chưa quá tải về cầu, vấn đề là cầu mới có kỹ thuật, mỹ thuật ra sao.

Theo các chuyên gia, trên sông Hàn đã có nhiều cầu vì thế nên xây hầm chui. Ảnh: H.H

Nhiều bất cập

Theo Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng phương án xây hầm chui mà BRITEC đưa ra còn nhiều bất cập. Chẳng hạn vị trí xây hầm bắt đầu từ nút giao thông Đống Đa - 3 Tháng 2 - Bạch Đằng (Q.Hải Châu) đến nút giao thông Vân Đồn - Trần Thánh Tông (Q.Sơn Trà) thì không nằm trong tổng thể chung quy hoạch đô thị Đà Nẵng đã được Thủ tướng thống nhất, UBND TP phê duyệt chi tiết. Như vậy nếu xây hầm chui tại vị trí này sẽ phá vỡ tổng thể quy hoạch chung đô thị Đà Nẵng. Trong khi đó, Hội cầu đường Đà Nẵng cho rằng xây hầm chui ngoài kết nối giao thông 2 bên bờ sông Hàn cần phải tính đến phương án kết nối với quy hoạch mạng lưới giao thông ngầm của TP trong tương lai, như có tuyến metro đi qua không?; kết nối với mạng lưới giao thông vành đai, nhất là chuỗi giao thông khi di dời ga Đà Nẵng... Vấn đề này BRITEC chưa giải quyết được.

KTS Hoàng Quang Huy thì cho rằng, xây hầm chui là giải pháp tốt nhất, nhưng phương án xây thế nào phải phù hợp và có tính khả thi cao hơn. Vị trí xây hầm đơn vị tư vấn đưa ra không phù hợp, nó sẽ đi xuyên qua nhiều khu dân cư và xa với điều kiện để kết nối với cảng, đường vành đai hướng biển phía Bắc (Nguyễn Tất Thành). Do vậy, nên chọn vị trí gần cầu Thuận Phước có khoảng cách để đảm bảo lối ra vào đường hầm ở hai đầu. Mặt khác, đường hầm cần phải giải quyết được các phương tiện vận tải nặng để dung nạp, giải phóng lưu lượng hàng hóa từ cảng Tiên Sa đi về hướng giao thông vành đai phía Bắc.

Cũng theo KTS Hoàng Quang Huy, khi đầu tư hầm chui cần phải có tính toán và phân tích nhu cầu lưu thông cho các tuyến đường giao với nút hầm. Riêng tuyến đường Đống Đa sẽ là tuyến chính, cần phải tính toán trên cơ sở việc di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm và việc hình thành nhiều trung tâm thương mại dịch vụ mới của TP như khu vực ga đường sắt sau di dời, khu vực sân vận động Chi Lăng, khu vực 150-Ông Ích Khiêm.

Hải Hậu